MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng lớn nhất Singapore có thể sẽ mua cổ phần của GPBank

19-09-2013 - 14:57 PM | Tài chính - ngân hàng

Nếu dự thảo quy định mới được thông qua thì trong 1 số trường hợp đặc biệt, Thủ tướng có thể quyết định phía nước ngoài được mua vượt quy định về giới hạn trần được phép mua hiện nay.

Những ngày gần đây, câu chuyện về tái cơ cấu được thị trường đặc biệt quan tâm. Các đơn vị trong diện tái cơ cấu cũng đang triển khai tích cực theo lộ trình như việc các tập đoàn, tổng công ty ồ ạt lên kế hoạch thoái vốn đầu tư ngoài ngành hay các tổ chức tín dụng tìm kiếm đối tác để mua bán và sáp nhập (M&A).

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong số 9 trường hợp phải tái cơ cấu bắt buộc thì đến nay cũng đã hoàn tất được 8 trường hợp, bao gồm 3 trường hợp hợp nhất (SCB – Tín Nghĩa – Đệ Nhất; PVFC – WesternBank; SHB – Habubank); 2 trường hợp bán cổ phần cho đối tác trong nước là TienPhongBank và TrustBank (trong đó TrustBank đổi tên gọi); 1 trường hợp đang tự tái cơ cấu cũng bằng nguồn lực trong nước nhưng chưa nêu rõ đối tác là Navibank.

Một ngân hàng yếu kém còn lại là GPBank dù chưa thông báo lộ trình cụ thể nhưng phương án cũng đã được phía cơ quan quản lý gần đây tiết lộ đó là có thể bán cổ phần cho đối tác ngoại. Xác nhận với chúng tôi, một nguồn tin từ GPBank cũng cho biết đang trình một số phương án tái cơ cấu lên NHNN, trong đó có phương án sẽ chọn đối tác nước ngoài là United Oversea Bank (UOB) của Singapore.

Thông tin GPBank có một trong các phương án là lựa chọn đối tác ngoại thực sự thu hút sự quan tâm của thị trường bởi lẽ rất có thể nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua được lượng lớn cổ phần của GPBank nếu như Nghị định mới thay thế Nghị định 69 được Chính phủ ban hành. Cụ thể, theo như dự thảo Nghị định mới thì NHNN có bổ sung quy định:“Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài đó tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định trên đối với từng trường hợp cụ thể”.

Có nguồn tin cho rằng, GPBank có thể bán một lượng vốn rất lớn cho đối tác nước ngoài, tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, GPBank sẽ không bán đứt vốn cho đối tác ngoại mà sẽ lựa chọn một tỷ lệ phần trăm phù hợp hơn và còn tùy theo quyết định của Thủ tướng sau khi Nghị định mới ra đời.

Xu hướng hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài ngày càng phổ biến và được các tổ chức tín dụng tích cực hưởng ứng. Tại mùa ĐHCĐ thường niên 2013, một loạt các ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông về việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược hoặc đối tác để M&A. Thậm chí như tại Ngân hàng An Bình, dù đã hết room bán cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng ông chủ tịch Vũ Văn Tiền vẫn khẳng định, nếu được thì muốn bán tới 49% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại. Điều này chứng tỏ các tổ chức tín dụng đã tìm thấy những điểm tích cực, những hỗ trợ đắc lực từ phía các đối tác nước ngoài.

Riêng với trường hợp các ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu, nếu Nghị định mới được ban hành và người tiên phong là GPBank thành công trong việc bán cổ phần cho đối tác ngoại thì sẽ mở ra cửa rộng hơn cho hoạt động tái cơ cấu, đặc biệt là các ngân hàng trong diện buộc phải tái cơ cấu.

Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên