MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng luôn chủ động ngăn ngừa rủi ro

10-07-2015 - 14:23 PM | Tài chính - ngân hàng

Tài sản thế chấp quan trọng, nhưng chứng minh khả năng trả nợ còn quan trọng hơn.

Cảnh báo không thừa

Cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2015 đạt mức 6,28%, thì ngành xây dựng cũng đang có sự cải thiện mạnh mẽ. Các báo cáo gần đây đều khẳng định, thị trường BĐS đang sôi động trở lại, với giao dịch và giá bán đều cải thiện hơn trước. Tuy nhiên, những rủi ro của nền kinh tế vẫn còn hiện hữu, như nhập siêu tăng trở lại, ngành nông nghiệp còn khó khăn…

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 6, Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá theo hướng ổn định; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm cơ cấu tín dụng phù hợp, trong đó tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; giám sát chặt chẽ khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (BĐS, dự án thu hồi vốn thời gian dài...).

Đặt trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, theo các chuyên gia, cảnh báo nói trên không thừa, bởi sau bài học tăng trưởng tín dụng quá nóng trước năm 2011 vẫn còn nguyên giá trị, nhất là nguồn vốn lại cho vay những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đến nay, các NHTM vẫn phải “còng lưng” xử lý nợ xấu từ các khoản cho vay giai đoạn trước.

Tuy nhiên, theo Phó giám đốc một phòng giao dịch của BIDV tại Hà Nội, hiện các NHTM vẫn rất chặt chẽ trong quy trình cho vay, từ khâu thẩm định đến lúc giải ngân. Với cho vay mua nhà, không chỉ mua nhà ở các dự án mới mà khi vay vốn để mua nhà đất giữa cá nhân với cá nhân, NH cũng giải ngân ngay vào tài khoản của người bán, để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích vay.

“Để hạn chế được rủi ro, với khoản vay có tài sản thế chấp là BĐS, NH chỉ cho vay khi biết chắc chắn khả năng trả được gốc và lãi hàng tháng của khách hàng”, Phó tổng giám đốc một NHTM chia sẻ. Bởi từng đã có bài học xảy ra khi NH chỉ dựa vào có tài sản bảo đảm bằng BĐS, nhưng ngay tháng đầu tiên, khách hàng đã khó khăn trong việc trả nợ. Theo ông, “nếu không muốn sau này NH lại đi buôn BĐS thì phải “thổi còi” ngay với những khách hàng này”.

Đó là với cho vay khách hàng cá nhân mua BĐS còn với cho vay các dự án BĐS thì, theo các NH cho biết, họ phải tuân thủ nguyên tắc thẩm định chặt chẽ, giải ngân theo tiến độ của dự án để tránh việc chủ đầu tư lấy tiền của dự án này đầu tư cho dự án khác… Và dĩ nhiên, không phải dự án BĐS nào cũng có rủi ro mất vốn.

Hiện tại, những dự án căn hộ chung cư ở gần trung tâm, công trình tốt, tính thanh khoản cao… là những dự án có thể rót vốn. Kể cả hiện nay dự án đang cần vốn hoàn thiện thì NH cũng có thể cho vay thêm để DN đẩy nhanh tiến độ, bán được hàng.

Nhiều công cụ giám sát rủi ro hữu hiệu

Để giám sát và giảm thiểu rủi ro trong cho vay BĐS, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của chính nhân viên NH thì hiện nay cũng có những công cụ để hỗ trợ NH trong việc giảm thiểu cho vay với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, việc nâng cao quản trị rủi ro (QTRR) là vấn đề được các chuyên gia đặt ra. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia NH cho rằng, từ HĐQT, ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ và các phòng ban của NH phải được tổ chức chặt chẽ để ngay từ khi rủi ro thâm nhập phải có cơ chế phòng ngừa.

Ở góc độ hỗ trợ QTRR cho các NH, ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cho biết, các mô hình và biện pháp QTRR hiện nay chủ yếu được xây dựng trên cơ sở có đầy đủ dữ liệu thông tin tín dụng. Tuy nhiên, mô hình và phương pháp dù có hiện đại nhưng nếu thiếu cơ sở dữ liệu thì vẫn cho kết quả sai lệch. Chính vì vậy, CIC luôn cố gắng cung cấp những dịch vụ tốt nhất để đáp ứng yêu cầu của các TCTD.

“Thông tin tín dụng của CIC hỗ trợ các TCTD trong suốt chu kỳ tín dụng từ khâu chiến lược khách hàng, ra quyết định, giám sát sau cho vay và thu hồi, xử lý nợ”, ông Đỗ Hoàng Phong cho biết.

CIC hiện đã cung cấp một số sản phẩm thông tin tín dụng hỗ trợ TCTD trong phát triển, xây dựng mô hình QTRR. Sản phẩm phục vụ quản lý, giám sát danh mục cho vay bao gồm sản phẩm theo lô, sản phẩm cảnh báo… Bên cạnh đó còn có các gói dữ liệu theo từng phân khúc khách hàng để giúp TCTD xây dựng và kiểm định mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ, chấm điểm khách hàng vay, chủ thẻ tín dụng…; định kỳ rà soát và hoàn thiện mô hình.

Hiện nay, việc giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ của Cơ quan Thanh tra giám sát NH cũng sẽ cảnh báo được các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Hàng ngày các thông tin về tín dụng và quản lý từ xa được cơ quan thanh tra, giám sát thu thập. Tuy vậy, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề là các thông tin có được minh bạch hay không thì phải thanh tra tại chỗ mới rõ được. Việc giám sát từ xa là một trong các công cụ, nhưng các thanh tra NH phải giám sát thực địa, tăng cường độ thanh tra tại chỗ.

Theo NHNN, đến cuối tháng 5/2015, tín dụng BĐS tăng 10,89%. Trao đổi với báo giới, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tín dụng BĐS tăng chưa đến mức đáng lo ngại bởi tỷ trọng còn nhỏ, chiếm tỷ trọng 8,3% tổng dư nợ toàn hệ thống. Hơn nữa, thời gian qua, tín dụng BĐS chủ yếu phục vụ nhu cầu thật (xây dựng hoàn thiện các khu xây dựng nhà ở bán và cho thuê, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân) chứ không phải đầu tư vào kinh doanh BĐS.

 

 

Theo Đức Nghiêm

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên