MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng rối bời vì chuyện thế chấp tài sản

26-08-2008 - 00:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Hiện bất động sản chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các tài sản bảo đảm khi vay vốn từ ngân hàng, nhưng được coi là loại tài sản khó xác định tình trạng pháp lý.

Tại buổi thảo luận sáng nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật đăng ký giao dịch bảo đảm, một số đại biểu cho rằng, vấn đề đáng quan tâm là làm sao xác định được tình hình thực tế của tài sản đã đăng ký bảo đảm.

Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký VNBA, cho hay, có nhiều tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm, khi người đi vay dùng một tài sản để thế chấp và vay tiền từ nhiều ngân hàng. Những trường hợp này đều phải nhờ đến tòa án phân xử. Theo Luật Dân sự, một tài sản có thể được dùng để thế chấp vay vốn tại nhiều ngân hàng.

Hiện bất động sản chiếm tỷ lệ cao nhất trong các tài sản thế chấp để vay vốn. Ảnh: Hoàng Hà
 
Theo Tổng thư ký VNBA, vì thế cần có cơ quan công khai tình trạng pháp lý của tài sản, không chỉ để các ngân hàng tham khảo trước khi cho vay, mà còn phục vụ cho giao dịch của người dân với nhau.
 
"Trong ngành ngân hàng, chúng tôi cần xác định được tình trạng pháp lý của tài sản, để quyết định có nhận thế chấp và cho vay hay không. Đã có trường hợp khi cộng các khoản vay từ cùng một tài sản bảo đảm, giá trị còn vượt giá trị tài sản đó", bà Hương nói.

Đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện khi chủ sở hữu đăng ký với cơ quan chức năng về việc dùng tài sản đó để vay vốn hay thực hiện các công việc khác cần đến sự bảo đảm về tài sản. Việc đăng ký này được áp dụng với quyền sử dụng đất, rừng, mặt nước biển, công trình xây dựng, máy bay, tàu biển.

Cùng quan điểm với Tổng thư ký VNBA, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Nguyễn Đồng Tiến, cho rằng, cần tổ chức tốt hệ thống công bố thông tin về tài sản được đăng ký giao dịch bảo đảm.
 
Ông dẫn chứng, trường hợp rất hay gặp là chủ phương tiện giao thông thế chấp giấy tờ xe để vay vốn, rồi đi xin cấp lại bộ mới với lý do đánh mất. Sau khi có giấy tờ mới, chủ xe bèn bán tài sản đã được thế chấp này đi.

Theo Dự thảo Luật đăng ký giao dịch tài sản bảo đảm, việc đăng ký các tài sản trừ đất đai, máy bay và tàu biển có hiệu lực 5 năm. Các cơ quan đăng ký giao dịch sẽ chịu trách nhiệm cập nhật thông tin về giao dịch bảo đảm vào hệ thống dữ liệu quốc gia.

Riêng tài sản bảo đảm là bất động sản không được quy định trong luật này, mà được đề cập trong Luật đăng ký bất động sản. Theo bà Dương Thu Hương, điều này có thể gây khó khăn cho các ngân hàng khi phải tham khảo nhiều văn bản và các cơ quan đầu mối khi muốn tìm hiểu về tình trạng pháp lý của các tài sản bảo đảm.

Hiện bất động sản chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các tài sản bảo đảm khi vay vốn từ ngân hàng, nhưng được coi là loại tài sản khó xác định tình trạng pháp lý.

Theo Ngọc Châu
Vnexpress

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên