MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng "sốt sắng" tăng vốn, vì sao?

07-08-2015 - 15:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Một số ngân hàng đang khởi động lại kế hoạch tăng vốn điều lệ sau thời gian dồn sức tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, cải thiện lợi nhuận... Hiện, ngân hàng tăng vốn chủ yếu từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ (trả cổ tức, thưởng), còn rất khó bán cho cổ đông chiến lược.

Trong mùa Đại hội cổ đông vừa qua, có khá nhiều ngân hàng đã được thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ, như: SHB, Vietinbank, BIDV, MaritimeBank, VPBank, DongABank… Đến nay, quy mô vốn điều lệ của các nhà băng này đã được tăng lên đáng kể, có nơi tăng tới vài nghìn tỷ đồng.

"Bỗng dưng" có thêm vài nghìn tỷ đồng

Các trường hợp tăng vốn lớn nhất trong nửa đầu năm 2015 là ở khối ngân hàng có gốc quốc doanh, nhưng chủ yếu là nhờ sáp nhập ngân hàng. Cụ thể, Vietinbank đã tăng vốn thêm hơn 3.000 tỷ đồng khi nhận sáp nhập Ngân hàng PGBank, nâng vốn lên 40.234 tỷ đồng. Theo kế hoạch kinh doanh đã được ĐHCĐ năm 2015 thông qua, Vietinbank sẽ tiếp tục tăng vốn lên tới lên 49.975 tỷ đồng, song chưa rõ sẽ tăng vốn theo cách thức nào, tiếp tục nhận sáp nhập ngân hàng nhỏ hay phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư…

Tương tự, Ngân hàng BIDV cũng "bỗng dưng" tăng vốn điều lệ thêm 3.062 tỷ đồng sau khi nhập sáp nhập Ngân hàng MHB, còn MaritimeBank sẽ sáp nhập MekongBank và tăng vốn lên mức 11.750 tỷ đồng kể từ 15/8 tới đây… Dĩ nhiên, các trường hợp tăng vốn nhờ sáp nhập ngân hàng là thực hiện theo chủ trương tái cơ cấu và có "cặp đôi" ngân hàng đã mất thời gian khá dài để thực hiện.

Một số ngân hàng khác lại tiếp tục tăng vốn sau giai đoạn sáp nhập. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội hiện đang xúc tiến kế hoạch tăng vốn kể từ lúc đạt mức vốn 8.865 tỷ đồng (nhờ nhận sáp nhập Habubank tháng 8/2012). Gần 3 năm trôi qua, đến tháng 7/2015, NHNN đã chấp thuận cho SHB tăng vốn điều lệ từ 8.865 tỷ đồng lên mức 9.486 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2014. Tức, SHB sẽ phát hành thêm khoảng 62,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức hơn 621 tỷ đồng.

Một trường hợp khác cũng đang "sốt sắng" tăng vốn là Ngân Hàng VPBank. Tháng 4/2015, ngân hàng này đã tăng vốn từ 6.347 tỷ đồng đồng lên 7.324 tỷ đồng. Tiếp đó, đến tháng 7, VPbank lại phát hành được hơn 73,2 triệu cổ phiếu riêng lẻ trong tổng số hơn 74 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành, nâng vốn lên hơn 8.056 tỷ đồng.

Với giá phát hành 27.548 đồng/CP, VPBank đã thu về khoảng 2.017 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn. Theo kế hoạch, VPBank sẽ tiếp tục tăng vốn lên mức 3.444 tỷ đồng theo quyết định chấp thuận của Thống đốc NHNN (ngày 11/6/2015).

Với hai trường hợp tăng vốn này, NHNN đều yêu cầu Hội đồng quản trị của VPBank và SHB thực hiện tăng vốn theo quy định của pháp luật, thực hiện báo cáo và đảm bảo kịp thời điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng phù hợp với "room" tăng trưởng năm 2015.

Khó "hấp dẫn" nhà đầu tư

Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang phải "chạy đua" hoàn thành đề án tái cơ cấu chung và đề án riêng, kế hoạch tăng vốn được HĐQT cân nhắc rất thận trọng. Thực tế, có một số ngân hàng đã tăng vốn thất bại vì thị trường chứng khoán khó khăn, cổ đông, nhà đầu tư không mấy mặn mà, nguồn tiền đầu tư eo hẹp…

Theo một số chuyên gia, khi thực hiện tăng vốn thì sẽ phải chịu áp lực tăng trưởng các chỉ tiêu kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận, chỉ số an toàn vốn tối thiểu CAR…). Các cổ đông cũng không ít lần chỉ trích, thậm chí phê bình gay gắt HĐQT của một số ngân hàng mải chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng vốn… mà lợi nhuận lại "teo tóp", nợ xấu ngày càng nguy hiểm.

Lãnh đạo ngân hàng lại giải thích rằng ngân hàng cần tăng vốn để tăng độ vững mạnh của tài sản, có vốn mở rộng hoạt động, xử lý nợ xấu… Hiện, một số ngân hàng có chỉ số an toàn vốn CAR chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn mức an toàn 9% của NHNN yêu cầu.

Còn cổ đông, nhà đầu tư băn khoăn "lý do tăng vốn thực sự có phải để xử lý nợ xấu tăng cao, hay thậm chí mất vốn?" Bởi gần đây, thị trường đã ghi nhận 3 trường hợp ngân hàng bị "quốc hữu hóa" 0 đồng vì kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu như VNCB, OceanBank, GPBank. Cả 3 ngân hàng này đã phải triệu tập ĐHCĐ để bàn kế hoạch phát hành thêm cổ phần nhằm bù đắp mất vốn, đảm bảo mức vốn pháp định tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Song, kế hoạch tăng vốn đều bị "đổ bể" vì cổ đông không đồng ý.

Từ thực trạng yếu kém của 3 ngân hàng này, một cổ đông của GPBank chia sẻ, "nếu như ngân hàng thực hiện minh bạch "sức khỏe" tài chính, lỗ - lãi và thông tin đầy đủ cho cổ đông biết, biết đâu còn cứu vãn được. Suốt từ năm 2011 đến tận khi bị mua 0 đồng, cổ đông mới hay biết ngân hàng lỗ mất cả vốn nhiều lần, giờ bắt cổ đông bù đắp vốn thì đúng là quá khó".

Hay như trường hợp Ngân hàng DongAbank "đánh tiếng" sẽ bán 17% cổ phần cho Tập đoàn Kido để tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng. Thế nhưng, Kido bất ngờ xác nhận đã dừng đàm phán, không đầu tư vào DongABank nữa vì lo ngại vấn đề tài chính.

Để hạn chế tình trạng góp vốn "ảo" vào ngân hàng, NHNN cũng siết chặt các quy định, chỉ đạo cổ đông, nhà đầu tư tuân thủ quy định mua cổ phần, bao gồm: tỷ lệ sở hữu tối đa của cá nhân, tổ chức, nguồn tiền hợp pháp… Những yêu cầu khắt khe này cũng khiến các đợt tăng vốn ngân hàng khó thực hiện hơn trước.

 

Theo Thu Hằng

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên