MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Việt tăng hiện diện ở các nước Asean

15-06-2015 - 07:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo lộ trình đã cam kết, đến năm 2015, Việt Nam phải mở cửa hơn trong ngành ngân hàng, bảo hiểm và thị trường vốn, nhằm thực hiện cam kết, các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ với mức sở hữu nước ngoài có thể lên đến 70%.

Đó là ý kiến của TS. Cấn Văn Lực, Hàm Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết tại Hội thảo quốc tế “Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Ngân hàng BIDV tổ chức mới đây.

Theo ông Lực, hiện nay, đối với lĩnh vực ngân hàng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30% (nếu nhiều hơn, cần có chấp thuận của Chính phủ), đối với lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán là 49%... Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) của các nước ASEAN, kể cả các NHTM Việt Nam đã có hiện diện thương mại ở các nước trong khối ASEAN, với nỗ lực mở rộng cơ hội đầu tư ra ngoài lãnh thổ, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch giữa các nước thành viên.

Hiện nay có thể kể đến những cái tên như BIDV, VietinBank, Sacombank, HDBank đã có các ngân hàng con, chi nhánh tại Lào, Campuchia, Myanmar... Ngược lại, các ngân hàng trong khu vực cũng đang thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam, điển hình là Ngân hàng Kasikorn - một trong những ngân hàng hàng đầu của Thái Lan- đã thành lập 2 VPĐD tại Hà Nội và TP.HCM; hay Ngân hàng Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia sẽ mua toàn bộ phần vốn góp của BIDV tại ngân hàng liên doanh VID Public và chuyển đổi thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam...

Xu hướng mở rộng đầu tư ra ngoài lãnh thổ, theo TS Lực, sẽ tiếp tục tăng lên khi AEC chính thức đi vào hoạt động.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trước thềm AEC, TS. Cấn Văn Lực đề nghị với ngành ngân hàng cần cam kết nỗ lực để giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ; Tiếp tục đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ cho các hoạt động xuất-nhập khẩu, đầu tư, tư vấn; Nâng cao khả năng hội nhập, tăng cường kết nối với hệ thống định chế tài chính quốc tế; Nghiên cứu sâu tác động của các FTAs nhằm tư vấn cho Doanh nghiệp về hoạt động, chiến lược kinh doanh, xúc tiến đầu tư-thương mại...; nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro theo thông lệ…v.v.

 

Năm 2015 là được đánh giá là năm hội nhập sâu rộng của Việt Nam với hàng loạt các FTA đã, đang được kết thúc đàm phán và ký kết. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký hai FTA với Hàn Quốc (ngày 5/5) và Liên minh kinh tế Á-Âu (ngày 29/5) và dự kiến trong tháng 6 này sẽ ký FTA với Liên minh EU.

Việt Nam cũng sẽ cùng với các quốc gia ASEAN hình thành Cộng đồng kinh tế (AEC) ngày 31/12/2015. Đây là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập toàn diện các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, tiến tới hình thành một cộng đồng chung, dựa trên 3 trụ cột là kinh tế - chính trị, an ninh –văn hóa, xã hội.

 

 

Ngọc Toàn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên