MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ngành ngân hàng đã qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng vẫn còn vướng mắc"

30-10-2014 - 15:15 PM | Tài chính - ngân hàng

Đó là nhận định của Trung tâm nghiên cứu của Ngân hàng BIDV trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính ngân hàng 10 tháng đầu năm 2014.

Theo báo cáo, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam tháng 10 tiếp tục xu hướng hồi phục, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng dù tốc độ thấp, ổn định vĩ mô được duy trì khi lạm phát được kiềm chế ở mức thấp. Tuy nhiên, sức cầu của nền kinh tế còn yếu, quá trình tái cơ cấu các lĩnh vực ưu tiên triển khai còn chậm ... vẫn là những thách thức đòi hỏi cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, trung tâm nghiên cứu của BIDV cho rằng, trong 10 tháng qua NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt. Cụ thể, NHNN đã điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết lượng tiền cung ứng ở mức hợp lý, sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ. Ổn định trên thị trường tiền tệ và các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động được NHNN điều chỉnh giảm dần đã tạo điều kiện cho các TCTD điều chỉnh giảm lãi suất huy động, cho vay và hiện đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay.

Tín dụng tăng trưởng khó trong những tháng đầu năm nhưng đang được cải thiện. Tăng trưởng tín dụng đã tăng khiêm tốn trong 6 tháng đầu năm nhưng bắt đầu tăng mạnh trong thời gian trở lại đây đặc biệt là vào tháng 9 và tháng 10. Cụ thể tăng trưởng tín dụng hàng tháng trong năm 2014 so với cuối năm 2013 như sau: T1, -0,5%; T2, -1,16%; T3: 0,52%; T4: 1,43%; T5: 1,52%; T6: 3,72%; T7: 3,68%; T8: 5,82%; T9: 7,26%.

Nguyên nhân của tăng trưởng tín dụng lạc quan hơn có thể kể đến như: các gói khuyến khích tín dụng của nhà nước bắt đầu phát huy tác dụng; các ngân hàng tập trung vào bán lẻ để đẩy mạnh tín dụng; tình hình kinh tế vĩ mô bắt đầu từ quý 3 được cải thiện dần, tăng trưởng tín dụng đến từ tín dụng ngoại tệ do nền kinh tế thế giới có nhiều cải thiện theo hướng thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam… Bên cạnh đó sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng trước đây, cùng với quá trình tái cơ cấu kinh tế, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng lành mạnh hơn, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính Phủ.

Chất lượng tín dụng được cải thiện và công tác xử lý nợ xấu đạt kết quả khả quan. Trong những tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu hệ thống có dấu hiệu tăng, cụ thể năm 2013 là 3,61%, tháng 1/2014 là 3,74%, tháng 2 là 3,86%, tháng 3 3,93%, tháng 4 4,03%, tháng 5: 4,07%; tháng 6: 4,17%. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là việc các TCTD áp dụng quy định mới của NHNN phân loại nợ chặt chẽ hơn trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng đầu năm còn khó khăn.

Hoạt động các ngân hàng tiếp tục được cải thiện. Theo công bố của NHNN, đến 31/8, tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 4,48% so với cuối năm 2013, lên 6,07 triệu tỷ đồng. Trong khi đó vốn tự có của toàn hệ thống cũng tăng 2,69% lên 492,98 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của hệ thống ngân hàng cũng đạt mức khả quan là 13,49%.

Thị trường ngoại hối ổn định, tỷ giá mục tiêu được đảm bảo. Thị trường ngoại tệ trong thời gian qua tương đối ổn định. Cung ngoại tệ duy trì ổn định khi cán cân thanh toán ước tính tiếp tục thặng dư, dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất trong lịch sử là hơn 35 tỷ USD, tương đương trên 12 tuần nhập khẩu, hỗ trợ tích cực cho sự ổn định tỷ giá.

Tiến độ tái cơ cấu các TCTD đang tương đối tích cực. Theo thông tin từ NHNN, đối với các NHTM Nhà nước, NHNN đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của Vietcombank, Agribank, BIDV. Đối với các ngân hàng TMCP, trong số 9 NHTMCP yếu kém được xác định từ năm 2012, NHNN đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại. Hiện nay, các ngân hàng này đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại theo đúng phương án được duyệt. Đối với các NHTMCP hoạt động bình thường, NHNN đã nhận phương án tái cơ cấu của 24/25 NHTMCP; trong đó, NHNN đã phê duyệt 18 Phương án tái cơ cấu, đồng thời yêu cầu NHTMCP còn lại tiếp tục hoàn thiện phương án.

Dự kiến giai đoạn 2014-2015, NHNN sẽ tái cấu trúc hoặc sáp nhập 6-7 ngân hàng, đưa tổng số ngân hàng bị giải thể, rút giấy phép khoảng 7-10 ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD về hoạt động, quản trị và hiện đại hóa công nghệ theo thông lệ.

Trung tâm nghiên cứu của BIDV cũng đánh giá, Đề án tái cơ cấu TCTD được ban hành sớm khẳng định quyết tâm của Chính phủ, NHNN trong việc tái cơ cấu TCTD. Nhờ các giải pháp được triển khai quyết liệt và đồng bộ, đúng hướng, đảm bảo nguyên tắc thị trường, tái cơ cấu TCTD đã gặt hái được những thành công nổi bật và rõ nét. Những vấn đề khó khăn nhất, lĩnh vực “nóng” của ngành đều đã được triển khai xử lý và đạt được kết quả đáng ghi nhận như: xử lý NHTMCP yếu kém, và quyết liệt xử lý nợ xấu, ngành ngân hàng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, thị trường tài chính đi vào ổn định, lành mạnh, tăng niềm tin nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc liên quan đến sở hữu chéo, vấn đề nợ xấu và hiệu quả hoạt động sau tái cơ cấu.


Tùng Lâm

hangnt

BIDV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên