MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngay ngáy lo lãi suất cho vay tăng

20-02-2016 - 07:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong khi nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục tăng lãi suất huy động, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lại lo lãi suất cho vay sẽ tăng theo

“Đến kỳ đáo hạn sổ tiết kiệm nhưng tôi mở sổ mới và gửi thêm 800 triệu đồng” - một vị khách hàng lớn tuổi nói với nhân viên phòng giao dịch của một ngân hàng (NH) cổ phần trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2, TP HCM. Số tiền gửi thêm này ông vừa rút từ một NH cổ phần khác có lãi suất thấp hơn. “Thấy NH này trả lãi cao hơn, tôi đem qua đây gửi để hưởng thêm chút lãi” - ông giải thích.

Cùng nhau tăng lãi suất huy động

Mới nhất trong làn sóng tăng lãi suất huy động là NH TMCP Phương Đông (OCB). OCB vừa niêm yết lãi suất huy động mới tăng mạnh ở các kỳ hạn dài, từ 12-36 tháng. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18 tháng là 7,6%/năm, 24 tháng 7,8%/năm và 36 tháng lên tới 8%/năm. Khi gửi tiết kiệm trực tuyến (online), khách hàng còn được cộng thêm 0,1%/năm. Đây là mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường đến thời điểm này.

Theo thống kê của NH Nhà nước trong tháng 12-2015 và tính đến giữa tháng 1-2016, hàng loạt NH thương mại đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi theo hướng tăng nhẹ ở các kỳ hạn. Đến đầu tháng 2-2016, thêm một số NH tham gia xu hướng này. Nếu trước Tết Nguyên đán, chỉ một số NH cổ phần nhỏ tăng lãi suất để bảo đảm thanh khoản thì sau Tết, làn sóng này đã có sự tham gia của nhiều NH lớn, vốn nhà nước.

Một số lãnh đạo NH cho biết tăng lãi suất tiền gửi ở một vài kỳ hạn không chỉ để cơ cấu lại nguồn vốn mà còn giữ chân khách hàng. Nếu khách hàng cứ thấy NH nào lãi suất cao là chuyển tiền sang gửi thì rất khó tránh khỏi cuộc đua tăng lãi suất giữa các NH.

Là người có vài trăm triệu đồng tiền nhàn rỗi, chị Trần Minh Anh (ngụ quận 9,TP HCM) thường chọn kênh gửi tiết kiệm. “Gần đây, tôi thấy một số NH đã điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 12-13 tháng lên mức khá cao, từ 7,2%-7,6%/năm. Trong khi tôi gửi tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng tại một NH cổ phần chỉ được 4,7%/năm thì chị bạn đồng nghiệp tham gia chương trình khuyến mãi mới của NH này được lãi suất tới 5,4%/năm cũng kỳ hạn 1 tháng” - chị so sánh.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, cho rằng đợt tăng lãi suất huy động của nhiều NH gần đây chủ yếu nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho tăng trưởng tín dụng của cả năm, nhất là sau Tết Nguyên đán, người dân có nhiều tiền nhàn rỗi. Lãi suất tăng chủ yếu ở các kỳ hạn từ 6-12 tháng để cơ cấu lại nguồn vốn trung - dài hạn nhiều hơn nên không quá lo ngại dẫn đến cuộc đua tăng lãi suất.

Người mua nhà, doanh nghiệp nhỏ bị đe dọa

Trước việc nhiều NH tăng lãi suất huy động, rất nhiều khách hàng cá nhân vay mua nhà lo lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Anh Phạm Văn Thanh (ngụ quận 12, TP HCM) đang còn khoản vay mua nhà hơn 300 triệu đồng tại một NH cổ phần có hội sở ở TP HCM. Theo hợp đồng tín dụng, lãi suất vay từ năm thứ 2 sẽ thả nổi, được tính bằng lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng + chênh lệch 4%/năm.

“Từ tháng 2-2013 đến nay, khoản vay của tôi luôn phải trả lãi suất 11,5%/năm, không hề giảm. Đáng nói, NH tính lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng lên tới 7,5%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên. Đây là cớ để NH tăng lãi suất cho vay vì có mấy người gửi tiết kiệm dài hạn từ 500 tỉ đồng trở lên?” - anh Thanh lo lắng.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ đang vay vốn tại NH thương mại cho rằng nếu lãi suất vay tăng trong thời gian tới sẽ làm tăng chi phí tài chính khiến hoạt động của họ khó khăn hơn. Giám đốc một công ty sản xuất giấy tại TP HCM cho biết vài năm gần đây, do hoạt động của công ty không thuận lợi nên lãi vay NH cũng… tăng lên. “Dù chưa một lần nợ quá hạn nhưng do kết quả kinh doanh chỉ hòa vốn hoặc lỗ ít nên chúng tôi bị NH hạ tín nhiệm, tăng lãi vay từ 7%-8%/năm lên 11%-12%/năm, dù là vốn vay ngắn hạn. Sắp tới, nếu các NH thương mại tiếp tục tăng lãi suất cho vay theo lãi suất tiền gửi, doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi sẽ khó khăn hơn” - ông ngao ngán.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TP HCM, gần đây, nhiều doanh nghiệp âu lo lãi suất cho vay sẽ tăng khiến họ bị động trong tính toán làm ăn. “Nghe nói năm nay, NH Nhà nước sẽ siết tín dụng chảy vào bất động sản, hy vọng lượng vốn này sẽ tập trung cho doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn, lãi suất vay ổn định nhưng giờ lại phải lo lãi suất vay tăng” - ông Anh nói.

TS Cấn Văn Lực cho rằng lãi suất cho vay trung - dài hạn khó tăng mạnh bởi lạm phát của năm nay không đáng ngại khi giá cả hàng hóa, dầu và lương thực, thực phẩm ở mức thấp… Lãi suất kỳ hạn trên 1 năm cũng không thể tăng theo do các NH phải cạnh tranh với nhau. Chưa kể, Chính phủ đã yêu cầu phải ổn định lãi suất trung, dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp tái đầu tư, chuẩn bị cho hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tránh siết tín dụng đột ngột

Lãnh đạo NH Nhà nước cho biết năm nay sẽ siết tín dụng đang đổ vào bất động sản để bảo đảm tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với chất lượng.

Năm 2015, tín dụng tăng trưởng mạnh là nhờ dòng vốn đổ vào nhà đất, trong đó có cả những dự án bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thành viên HĐQT độc lập một NH cổ phần tại TP HCM cho rằng “miếng bánh” bất động sản rất hấp dẫn nên không ít NH sẵn sàng cho vay.

TS Cấn Văn Lực nhận định tỉ trọng vốn cho vay bất động sản chỉ chiếm khoảng 8,5% trong tổng tín dụng của ngành NH nên không phải là quá cao. Nay, NH Nhà nước kiểm soát tín dụng bất động sản là hợp lý nhưng với các dự án đã triển khai, đã cam kết giải ngân thì phải tiếp tục để tránh siết đột ngột, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, với những dự án tốt liên quan đến cho vay nhà ở, ngành NH cần hỗ trợ.

Theo Linh Anh

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên