MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoại tệ mất dần vị thế

09-10-2015 - 22:22 PM | Tài chính - ngân hàng

Các chuyên gia cho rằng, với những hiệu ứng chính sách tích cực từ thị trường cho thấy hành trình chống đô la hóa trong nền kinh tế đã tiến một bước đáng kể.

Vào trước thời điểm năm 2011, nhiều điểm kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vẫn còn niêm yết giá bằng ngoại tệ, chủ yếu là bằng USD, từ những món có giá trị thấp như đồ lưu niệm, quần áo…đến tài sản có giá trị lớn như ôtô, căn hộ. Bên cạnh niêm yết giá bằng USD thì người dân còn có hiện tượng lấy vàng làm căn cứ để tính giá bán nhà, đất.

Từ năm 2013, khi vàng hết “lấp lánh” thì đến nay, sau hàng loạt các chính sách của Chính phủ, NHNN trong việc chống đô la hóa... vị thế đồng USD trong nền kinh tế Việt Nam bắt đầu lung lay.

Chị Nguyễn Hồng Hà – Chủ cửa hàng tại phố Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, những cửa hàng trên phố này có lượng khách hàng là người nước ngoài khá nhiều.

Nếu như khoảng 5 năm về trước, với các giao dịch một vài đô, cửa hàng có thể chấp nhận thanh toán bằng USD và khách hàng cũng thích thanh toán như vậy. Nhưng đến nay hiện tượng này không còn. Bởi về mặt pháp luật, chúng ta đã có những quy định về sử dụng ngoại tệ trong giao dịch. Bên cạnh đó, khi vào Việt Nam người nước ngoài cũng đã đổi sang VND, nên không còn hiện tượng niêm yết giá hàng hóa và thanh toán bằng USD.

Không chỉ ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà ở nhiều địa phương có tiếp giáp thương mại biên giới, vấn đề này cũng được thực hiện triệt để.

Đơn cử như tại tỉnh Lạng Sơn, NHNN Chi nhánh Lạng Sơn cho biết, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của NHNN Việt Nam về công tác quản lý ngoại hối, các đơn vị trên địa bàn đã chấp hành nghiêm túc các quy định của NHNN và các quy định khác của pháp luật về mua bán ngoại tệ, niêm yết giá, quản lý ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng…

Hiện nay tại tỉnh Lạng Sơn có 50 bàn đổi ngoại tệ của các NHTM đã đăng ký và 163 bàn đổi ngoại tệ của cá nhân được NHNN cấp phép. Thanh tra NHNN tích cực tham gia đoàn kiểm tra liên ngành (do UBND tỉnh thành lập) kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, các điểm thu đổi ngoại tệ trên địa bàn tỉnh. Tình trạng niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ gần như không còn.

Theo các chuyên gia NH, một trong những yếu tố quan trọng là hành lang pháp lý đối với lĩnh vực quản lý tiền tệ và ngoại hối liên tục được siết chặt. Từ năm 2011, theo Nghị định số 95/2011/NĐ-CP của Chính phủ, mức xử phạt hành chính đối với hành vi niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng không đúng pháp luật lên đến 500 triệu đồng.

Năm 2014, theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH, hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối có thể bị phạt tới 600 triệu đồng. Vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng có thể bị phạt tới 500 triệu đồng đối với một trong các hành vi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Bổ trợ cho các Nghị định của Chính phủ, NHNN đã ban hành Thông tư 32/2013/TT-NHNN về quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối theo quy định, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hay điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính – NH, tất cả hàng hóa niêm yết bằng USD, bằng ngoại tệ thì người nước ngoài dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, người nước ngoài cũng dần quen khi đến Việt Nam và chính sách quản lý chặt chẽ với sử dụng ngoại tệ là cần thiết để góp phần chống đô la hóa trong nền kinh tế.

Ở Việt Nam thời điểm 5-6 năm trước, tỷ lệ lạm phát khá cao gây sức ép lên VND bị mất giá nên người dân có thói quen định giá những tài sản lớn bằng USD và vàng. Bởi khi ấy giá trị của nó ổn định hơn VND.

Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP đầu năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tạo niềm tin của người dân.

Cùng với những thành công của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ những năm gần đây, vị thế của VND được nâng lên, đã loại trừ được việc sính ngoại tệ và niêm yết giá bằng đồng ngoại tệ. Các chuyên gia cho rằng, với những hiệu ứng chính sách tích cực từ thị trường cho thấy hành trình chống đô la hóa trong nền kinh tế đã tiến một bước đáng kể.

 

Theo Chí Kiên

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên