MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngổn ngang thị trường vàng

06-10-2012 - 16:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Câu hỏi nóng đặt ra với NHNN trong bối cảnh sắp tới là thị trường vàng “rồi sẽ ra sao nữa”?

Mặc dù NHNN đã trực tiếp điều hành việc sản xuất vàng miếng cho thị trường, kể cả chỉ đạo thông qua mạng lưới; nhưng thực tế cho thấy, giá vàng trong nước ngày càng "cứng đầu", vẫn cứ lù lù đi lên không theo một quy luật nào.

“Vũ điệu” quay cuồng

Giá vàng nhảy múa và vuột khỏi tầm kiểm soát của chính người có vàng. Vẫn biết rằng giá vàng trong nước lên cao còn có lý do theo xu hướng của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách giữa giá vàng nội địa và thế giới liên tục bị nới rộng đến mức nghịch lý. Trong đó giá vàng thương hiệu SJC duy trì mức cao hơn từ 2,5 triệu đồng/lượng, còn các thương hiệu vàng khác lại ngang bằng và thậm chí có lúc thấp hơn giá vàng thế giới đến 1 triệu đồng/lượng.

Trong lúc thị trường vàng bộc lộ giá độc quyền và cách biệt với giá thế giới nhưng hiếm thấy động thái gì từ việc giảm hay tăng vàng từ kho dự trữ ngoại hối nhà nước để can thiệp, mà chủ yếu chỉ thấy động thái tăng cường chương trình “SJC hóa”, tăng cường dập lại và dập mới các loại vàng phi SJC thành vàng miếng SJC.

Với nguồn cung “khan hiếm” như vậy, một lý do lý giải việc cầu tăng bất thường gây hiệu ứng đẩy giá vàng lên như vừa qua là bởi sự tăng nhu cầu vàng đột ngột từ các NH. Từ 1 năm trước đây, trên thị trường vàng có 5 NH (được gọi là nhóm G5) được phép huy động và bán vàng bình ổn thị trường với tỉ lệ 40%/tổng lượng vàng huy động được. Nay đến lúc phải hút vàng về để bù thanh khoản vàng với khối lượng lớn, thì lại gặp phải cảnh trớ trêu là chỉ còn xài thương hiệu SJC nên đã đẩy giá vàng SJC lên rất cao.

Số còn lại 60% vàng dưới dạng chứng chỉ gửi vàng mà nhóm G5 huy động cách đây 1 năm, thì cũng đã được cho vay trực tiếp, nay giá vàng tăng quá nhanh, người vay vàng cũng không thể mua để trả đúng hạn. Nợ xấu vàng do đó cũng gia tăng, càng tạo thêm áp lực tăng giá vàng. Dù chỉ còn hơn 2 tháng nữa là mọi TCTD phải chấm dứt tín dụng vàng, đây được xem là cơ hội để giảm cầu về vàng, nhưng nay do độc quyền, giá vàng SJC vẫn cao chót vót khiến các thương hiệu khác phải mỏi mắt ngước nhìn.

Không nên “đơn giản hóa” một vấn đề lớn

Kết luận cho hình ảnh về thị trường vàng trong lúc này là quá ngổn ngang. Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch HH kinh doanh vàng VN - cho rằng, cần xác định không có giải pháp nào là hoàn hảo trong tình hình muốn xử lý đồng thời các vấn đề mâu thuẫn, những giải pháp có thể phải được điều chỉnh qua thực tiễn. Quan trọng là cần xử lý ngay các vấn đề nhập khẩu vàng nguyên liệu và việc huy động vàng miếng của các NHTM.

Cụ thể, NHNN nên gia hạn ngày chấm dứt việc phát hành chứng chỉ huy động vàng của các NHTM, để giảm bớt áp lực giá cả lên thị trường; nên xem xét giải pháp NHNN trực tiếp nhập vàng và hướng đường đi của lượng vàng này đúng địa chỉ để giải quyết thanh khoản vàng cho các NHTM.

Ngoài ra, trong từng thời điểm, sau khi đã kiểm soát được các yếu tố nhạy cảm về ngoại hối thì nên cho phép kinh doanh vàng tài khoản thay vì vàng vật chất. Với người dân, Nhà nước nên tiếp tục công nhận quyền sở hữu hợp pháp và người dân tự do lựa chọn gửi vàng cho Nhà nước hoặc cất giữ. Giải pháp cho vàng phải là giải pháp có tính thực tiễn thị trường, mục tiêu của quản lý ngoài việc kiểm soát phải đạt được yêu cầu khơi thông dòng chảy cung ứng vàng cho thị trường - ông Long nhận định.

VN hiện còn khoảng 400 tấn vàng, trị giá vào khoảng 22 tỉ USD đang nằm trong dân. Các chuyên gia cho rằng trong điều kiện hiện nay, NHNN nên phát hành chứng chỉ huy động vốn vàng của người dân, đồng thời ủy quyền cho các NH thực hiện vai trò đại lý phát hành chứng chỉ. Và từ đó dùng làm tài sản thế chấp các NH hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế.

Theo TS Phạm Đỗ Chí - cựu chuyên gia tài chính IMF - nhận xét, không phải cứ thấy nguồn lực lớn thì tính ngay chuyện huy động. Huy động lại là một câu chuyện khác, nhất là qua hệ thống NH trong bối cảnh hỗn loạn và tràn đầy “rủi ro đạo đức” của hệ thống này hiện nay. Thử hỏi, nếu huy động được khối lượng giá trị khổng lồ ấy vào nền kinh tế, các nhà chức trách đã tính đến chuyện làm thế nào để phát huy giá trị nguồn lực đó giúp tăng trưởng kinh tế quốc gia?

Bên cạnh đó, cũng theo ông Chí, giá vàng hiện nay đang rất cao và còn có thể tăng cao hơn nữa theo dự báo. Sự lao đao mới đây của vài cá nhân lãnh đạo NH trong việc bán khống một số vàng lớn cách đây vài tháng đã đem lại món nợ khổng lồ cho họ và các NH của họ. Đây là một bài học lớn trong việc quản lý thị trường vàng trong tương lai.

Có thể nói, rất khó để tìm ra một giải pháp tối ưu cho việc huy động vàng trong dân. Giải pháp căn cơ nhất chính là điều hành nền kinh tế một cách hiệu quả nhằm xây dựng niềm tin của người dân đối với đồng nội tệ.

Theo Gia Miêu
Lao động

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên