MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà băng không chuộng trái phiếu Chính phủ

06-07-2015 - 13:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Tín dụng tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm 2015, buộc các NH bắt đầu giảm mua trái phiếu chính phủ (TPCP), thậm chí đẩy mạnh bán ra để tập trung vào việc cho vay.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), tính đến ngày 17-6, phát hành trái phiếu KBNN chỉ đạt 71.950 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2014, mới hoàn thành 20% kế hoạch quý II-2015 và chưa đạt 1/3 kế hoạch cả năm 2015. Số liệu thống kê cho thấy dù lợi suất TPCP có xu hướng tăng kể từ tháng 3-2015, nhưng kế hoạch phát hành TPCP vẫn khó thu hút nhà đầu tư.

Theo số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố, trong 6 tháng đầu năm 2015 tổng giá trị trái phiếu trúng thầu đạt hơn 85.000 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó KBNN huy động được hơn 70.000 tỷ đồng (đạt 27,9% so với kế hoạch năm 2015), NH Chính sách Xã hội huy động được hơn 6.000 tỷ đồng (đạt 41,7% so với hạn mức phát hành năm 2015), NH Phát triển Việt Nam huy động được 9.000 tỷ đồng.

Hiện nay, đối tượng chính mua TPCP phần lớn là các NHTM, nhưng với việc các NH vẫn “đói” vốn dài hạn nên thường mua trái phiếu có kỳ hạn ngắn. Do đó việc huy động trái phiếu kỳ hạn dài 10 năm, 15 năm trong thời gian gần đây thường đạt tỷ lệ thành công không cao. Đặc biệt tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 6%, một tỷ lệ khá cao so với cùng kỳ năm trước, đã phần nào làm cho nguồn vốn NH dành cho việc mua thêm TPCP cũng hạn hẹp hơn so với trước. Đặc biệt, hiện nay nhiều NH vẫn đang khát vốn để thực hiện việc cho vay.

Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VCSC, với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng nhanh chóng, các NH tiếp tục bán ra trái phiếu để dành vốn cho các khoản vay. Do vậy thanh khoản hàng tuần trong tháng 6-2015 đã tăng nhẹ 4% so với tháng trước, nhưng lợi suất tăng ở tất cả các kỳ hạn như kỳ hạn 3 năm tăng 0,18%, kỳ hạn 5 năm tăng 0,4%, kỳ hạn 10 năm tăng 0,14%. Từ chỗ cầu trái phiếu yếu trên thị trường sơ cấp đã đẩy lợi suất lên cao hơn.

Cụ thể, lợi suất các trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 10 năm đều tăng. Đáng chú ý, lợi suất 5 năm đã tăng 0,62% kể từ giữa tháng 5-2015, đưa lợi suất này lên mức cao nhất trong năm là 6,25% trong phiên đấu thầu gần đây nhất. Chỉ có trái phiếu kỳ hạn 15 năm vẫn giữ được sự thu hút đối với nhà đầu tư - lợi suất trúng thầu vẫn giữ nguyên ở mức 7,6% kể từ giữa tháng 5, với tỷ lệ trúng thầu 100% ở 2 phiên đấu thầu gần nhất.

VCSC cũng cho rằng, Thông tư 36 đã áp mức trần 15% cho tỷ lệ TPCP trên vốn ngắn hạn, làm giảm cầu từ các NHTM lớn như VCB và BIDV do tỷ lệ này tại 2 NH này lần lượt là 14% và 16% (tính đến quý I-2015 và cuối năm 2014). Cầu trái phiếu ở mức thấp trong nhiều tháng vừa qua đã đặt ra hồi chuông báo động cho kế hoạch phát hành TPCP trong năm 2015. Vì đã hết nửa năm mà trái phiếu KBNN vẫn còn xa so với kế hoạch 250.000 tỷ đồng.

UBGSTCQG cũng phân tích trong báo cáo của mình, việc chỉ phát hành trái phiếu KBNN kỳ hạn từ 5 năm trở lên kể từ năm 2015 làm cho nhà đầu tư khó dự đoán biến động lãi suất và thu xếp nguồn vốn cho kỳ hạn đầu tư dài hơn trước trong bối cảnh lạm phát năm nay thấp nhất trong 10 năm gần đây. Kỳ hạn trái phiếu dài không hấp dẫn khu vực này do các TCTD phải cân đối thanh khoản. Bên cạnh đó nhà đầu tư đòi hỏi lãi suất cao hơn mức lãi suất chào bán của KBNN và nhu cầu thấp về trái phiếu kỳ hạn 10 năm.

Có chuyên gia cũng cho rằng TPCP cần phải có nhiều kỳ hạn khác nhau nhằm định hướng lãi suất cho thị trường. Đặc biệt kỳ hạn khác nhau để huy động một cách linh hoạt trên thị trường vốn với chi phí rẻ nhất. Quốc hội kiểm soát trái phiếu phải thông qua mục đích chi tiêu, hiệu quả đầu tư và khối lượng chi tiêu chứ không phải bằng cách quy định “thời hạn”. Các chuyên gia cho rằng để huy động đủ lượng trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách trong năm này, Chính phủ chỉ có bằng con đường nâng lãi suất hoặc đề xuất Quốc hội cho phép huy động các kỳ hạn ngắn hơn.

 

Theo Phú Thuận

Sài Gòn Đầu Tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên