MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà băng nhỏ sáp nhập để tồn tại

11-03-2014 - 08:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Sáp nhập sẽ giúp tăng quy mô, mạng lưới, tiết giảm chi phí và nâng cao năng lực quản trị, giúp ngân hàng sau sáp nhập trở thành những ngân hàng lớn mạnh và trút được nợ xấu.

Thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank được vén màn và hé lộ kế hoạch chi tiết về phương án sáp nhập tới đây. Điều này sẽ được Hội đồng quản trị Sacombank trình cổ đông trong kỳ Đại hội cổ đông vào ngày 25/3, cho thấy với ngân hàng nhỏ, ngập trong nợ xấu, con đường duy nhất để có thể tồn tại, phát triển trước bối cảnh hiện nay là sáp nhập, hợp nhất (M&A).

M&A: giải pháp duy nhất

Thực tế cho thấy, không chỉ 9 ngân hàng nằm trong danh sách tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, mà ngay cả những cái tên ngoài danh sách như: DaiA Bank, Southern Bank… cũng phải chọn giải pháp sáp nhập và mất tên vĩnh viễn mới có thể trút được gánh nặng nợ xấu. Đặc biệt là trước áp lực đẩy mạnh tái cơ cấu mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện theo chủ trương sẽ thu hẹp số lượng ngân hàng, tăng quy mô đối với một số ngân hàng lớn.

DaiA Bank là một điển hình khi áp lực thoái vốn của các cổ đông lớn, trong đó có ACB, Công ty Tín Nghĩa và Tỉnh ủy Đồng Nai trước bối cảnh thị trường có khó khăn, cộng với nợ xấu gia tăng buộc DaiA Bank chọn giải pháp sáp nhập vào HDBank.

Trước sáp nhập, vốn điều lệ DaiA Bank cũng chỉ mới đạt mức 3.100 tỷ đồng và tình hình nợ xấu của ngân hàng này tăng mạnh trong năm 2012. Lợi nhuận trước thuế DaiA Bank năm 2012 chỉ đạt 246 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch, nợ xấu 5,28%.

Vì thế, DaiA Bank đứng trước áp lực tái cơ cấu và phương án sáp nhập HDBank là hướng đi đúng. Sau sáp nhập vào cuối 2013, HDBank đang từng bước xử lý gánh nặng nợ xấu hơn 5% từ DaiA Bank để lại và đẩy mạnh tái cơ cấu.

Tương tự, với Southern Bank, nếu không sáp nhập vào Sacombank sẽ có nhiều khó khăn khi hoạt động của ngân hàng này khá bết bát trong 2 năm gần đây, nợ xấu tăng cao. Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2013 được Southern Bank đưa ra, lợi nhuận chưa đạt 50% kế hoạch cả năm là 650 tỷ đồng trước thuế.

Trong khi nợ xấu lại có dấu hiệu tăng lên gần 4%, nhưng nợ có khả năng mất vốn chiếm phần lớn. Chính vì những khó khăn nội tại nên Southern Bank không thể tự tái cấu trúc và đã có đề nghị xin sáp nhập vào Sacombank, dù đã có thâm niên 20 năm hoạt động với thương hiệu nhiều người biết đến.

Sáp nhập sẽ giúp tăng quy mô, mạng lưới, tiết giảm chi phí và nâng cao năng lực quản trị, giúp ngân hàng sau sáp nhập trở thành những ngân hàng lớn mạnh về quy mô tổng tài sản, vốn điều lệ, con người, với triển vọng lợi nhuận cao, bền vững sau khi hợp nhất.

Qua đó, các ngân hàng nhỏ, yếu kém cũng trút được gánh nặng nợ xấu, xử lý được các khó khăn tồn đọng mà nếu không sáp nhập, hợp nhất sẽ rất khó xử lý. Trường hợp Habubank sáp nhập vào SHB cũng phần nào cho thấy được điều đó khi SHB phải ôm cục nợ xấu 1.800 tỷ đồng của Habubank. Vì thế, ngay từ khi tiếp nhập Habubank, không ít người e ngại cho SHB trong việc xử lý khoản nợ xấu khổng lồ từ Habubank...

Để tồn tại, lớn mạnh

Để có thể lớn mạnh và mở rộng quy mô, một số nhà băng đã và đang tăng cường tìm kiếm đối tác để thực hiện kế hoạch M&A. Điển hình như TrustBank gọi vốn từ cổ đông chiến lược là nhóm cổ đông lớn nắm giữ 84% và Tập đoàn Thiên Thanh chi phối gần 10%.

TrustBank đã được đổi tên thành ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam. WesternBank hợp nhất PVFC và thị trường đang chờ thông tin công bố từ Navibank, GP Bank - 2 trong 4 ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu theo chủ trương, yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Thực tế thời gian qua, sau khi hoàn tất việc sáp nhập, hợp nhất, các ngân hàng đã dần hồi sinh trong thời kỳ hậu M&A. Đơn cử SCB (được hợp nhất từ SCB, Ficombank, TinNghiaBank), sau 2 năm tái cơ cấu, hoạt động SCB từng bước đi vào ổn định, có chuyển biến tích cực hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện tái cơ cấu: hoàn trả tái cấp vốn khoảng 20.000 tỷ đồng, trả nợ ròng liên ngân hàng, nợ xấu dưới 3%...

Hay sau hơn 1 năm cuộc hợp hôn Habubank - SHB, ngân hàng sau sáp nhập cũng đang khẳng định là một trong những định chế tài chính vững mạnh. SHB đã tăng được quy mô hoạt động kinh doanh, vốn điều lệ, thị phần, khách hàng cũng như mạng lưới hoạt động.

Đáng chú ý là về vấn đề xử lý nợ xấu đã và đang được SHB từng bước xử lý thông qua công cụ VAMC. Đến nay, SHB đã bán 1.400 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC để kéo tỷ lệ nợ xấu về dưới 5%. DaiA Bank sáp nhập vào HDBank, HDBank có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn khi vốn điều lệ tăng lên 8.100 tỷ đồng và có mạng lưới rộng, nguồn nhân lực và nhất là nợ xấu đang được rà soát bán cho VAMC.

Thế nhưng, xu hướng M&A lĩnh vực ngân hàng Việt Nam được dự báo còn sôi động hơn trong thời gian tới. Bởi theo đánh giá của một chuyên gia, đối với các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ của Việt Nam, ngoài việc vốn điều lệ còn thấp, hệ số CAR (hệ số an toàn vốn) tối thiểu chưa cao; hầu hết các ngân hàng có tỷ lệ vốn tự có trên tổng tài sản chỉ hơn 10%, trong khi tỷ lệ này ở hầuhết các nước vào khoảng 20%. Đồng thời, nợ xấu đang có xu hướng tăng, do hậu quả quản trị yếu kém của ngân hàng nhỏ trước đây để lại. 


Theo Bảo Lâm

hangnt

Sài Gòn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên