MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại hoạt động quản lý thị trường vàng của NHNN

10-01-2015 - 20:20 PM | Tài chính - ngân hàng

Sau hơn hai năm thực hiện khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng nói chung và Nghị định 24 nói riêng, các giải pháp quản lý thị trường vàng đã đạt được những kết quả khả quan.

Thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý chặt chẽ thị trường vàng. Đến nay, các giải pháp quản lý thị trường vàng đã đạt được những kết quả tích cực.

NHNN đã áp dụng các giải pháp đồng bộ, trong đó đã xây dựng lộ trình chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD), giám sát chặt chẽ, xử lý các vấn đề phát sinh nhằm đẩy nhanh quá trình tất toán số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng.

Cuối năm 2012, mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng đã được thiết lập, có quản lý với các địa điểm giao dịch ở tất cả 63 tỉnh, thành phố. Đến nay, số địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng được cấp phép đã được thu gọn, đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân và doanh nghiệp.

Trong năm 2013, NHNN thực hiện đấu thầu tăng cung vàng miếng trên thị trường, từng bước cân bằng cung cầu vàng miếng, không còn tình trạng làm giá, góp phần quan trọng duy trì ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô. Trước những diễn biến tích cực của thị trường vàng, từ đầu năm 2014 đến nay, NHNN không cần tổ chức đấu thầu bán vàng miếng, góp phần hạn chế việc sử dụng ngoại tệ của Quỹ Bình ổn tỷ giá và giá vàng để nhập khẩu vàng trên thị trường quốc tế.

Về tổ chức quản lý sản xuất vàng miếng, sau khi Nghị định 24 ra đời, cũng trong năm 2012, NHNN đã ban hành Quyết định số 1623/QĐ-NHNN về tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng. Theo đó, thay vì có nhiều thương hiệu vàng miếng như trước, toàn thị trường chỉ có một thương hiệu duy nhất do NHNN ủy quyền cho Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC gia công. Hạn mức, khối lượng, thời điểm sản xuất và nguồn vàng nguyên liệu cũng do NHNN quyết định, trên cơ sở mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và cung cầu vàng miếng trên thi trường. Nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, NHNN tiếp tục yêu cầu Công ty SJC thực hiện chuyển đổi vàng miếng khác sang vàng miếng SJC cho người dân khi có nhu cầu thông qua hệ thống các TCTD, doanh nghiệp.

Đến ngày 05/01/2015, NHNN đã ban hành Quyết định số 2809/QĐ-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của điều lệ tổ chức và hoạt động của Nhà máy In tiền Quốc gia. Theo đó, Nhà máy in tiền Quốc gia được in, đúc tiền và sản xuất vàng miếng, vật phẩm lưu niệm bằng vàng.

Ngoài ra, trong năm 2014, NHNN phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, giải đáp vướng mắc và tạo dư luận đồng thuận với mục tiêu Nhà nước.

Bên cạnh đó, NHNN phối hợp với Bộ Tài chính trong chính sách về thuế đối với vàng. NHNN cũng phối hợp Bộ Công An thông qua việc cung cấp, trao đổi thông tin để phục vụ công tác điều tra, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản trái phép, đồng thời đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân thuộc Bộ Công an đã có đóng góp tích cực đối với công tác xử lý vi phạm quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Sau hơn hai năm thực hiện khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng nói chung và Nghị định 24 nói riêng, các giải pháp quản lý thị trường vàng đã đạt được những kết quả khả quan.

Mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng mới đã được thiết lập. Đến nay, quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ. Thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản. Trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân.

Việc triển khai quy định tổ chức sản xuất vàng miếng, xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và can thiệp bình ổn thị trường đã phát huy tác dụng. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2014 đến nay, tại nhiều thời điểm, mặc dù thị trường vàng thế giới có những lúc tăng, giảm đột biến nhưng thị trường vàng trong nước vẫn không biến động mạnh, NHNN không phải sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường.

Toàn bộ quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã được chuyển hoàn toàn sang quan hệ mua - bán vàng, đây là bước tiến quan trọng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế. Tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng đã được kiểm soát. Việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã chấm dứt.

Bên cạnh đó, nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế đến nay đã giảm mạnh. Cung cầu vàng miếng chuyển dịch từ trạng thái thiếu hụt nguồn cung sang xu hướng cân bằng. Tại những thời điểm giá vàng thế giới tăng giảm bất thường, giá vàng trong nước không có biến động đột biến, không còn những cơn “sốt vàng” gây bất ổn xã hội như trước đây.

Cụ thể, trong năm 20 14, thị trường vàng quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều phiên giao dịch với biên độ biến động lớn. Mức cao nhất đạt được là 1.380 USD/oz vào giữa tháng 3/2014. Trong 4 tháng đầu năm 2014, giá vàng trong nước nhìn chung biến động cùng xu hướng với giá vàng quốc tế nhưng mức điều chỉnh tăng giảm ít hơn so với biến động của giá vàng quốc tế. Trong năm, mức giá thấp nhất của thị trường là 34,86 đến 34,9 triệu đồng/lượng, lặp lại hai lần vào đầu năm và đầu tháng 11.

Đến tháng 5/2014, khi giá vàng thế giới có chiều hướng đi ngang ở trên mức 1.290 USD/oz, giá vàng trong nước tăng mạnh do yếu tố tâm lý trước diễn biến căng thẳng tại biển Đông và chạm ngưỡng 37,6 triệu đồng/lượng (bán ra) vào sáng 20/5/2014, đây cũng là mức giá bán ra cao nhất trong năm 2014 và lặp lại mốc này trong những ngày đầu tháng 6/2014. Đến cuối tháng 12/2014, giá vàng trong nước giảm về mức phổ biến 35,13-35,17 triệu đồng/lượng (mua – bán).

Có thể nói, trong năm 2014, diễn biến giá vàng thế giới tương đối phức tạp, cùng với tình hình căng thẳng tại biển Đông đã tác động không nhỏ đến biến động giá vàng trong nước, nhưng với các biện pháp đồng bộ mà NHNN đã triển khai, công tác quản lý thị trường vàng đã đạt được những kết quả tích cực. Diễn biến ổn định của thị trường vàng đã góp phần duy trì sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và ổn định kinh tế vĩ mô.

PV

Theo NHNN

Trở lên trên