MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những chuyến hàng đặc biệt

17-02-2015 - 08:12 AM | Tài chính - ngân hàng

Không chỉ là giá trị vật chất, để mang được đồng tiền đến tay người tiêu dùng là cả một chặng đường đầy gian nan từ in ấn, đóng xén rồi cả đến những hiểm nguy, thậm chí cả tính mạng trong quá trình vận chuyển...

Chiếc xe tải chao nghiêng. Bỗng cái rầm! Nó đổ xuống đường! Từ trên xe những thùng beer văng ra đổ tung toé khắp mặt đường. Sau phút hoảng loạn vì tai nạn bất ngờ xảy ra, dòng người chợt trở lên hỗn loạn. Họ tranh nhau cướp lấy những thùng beer vừa đổ ra đường, mặc cho người tài xế van xin trong cái nhìn bất lực! Tôi chợt rùng mình khi nghĩ nếu chiếc xe kia là một chiếc xe chở… tiền thì hậu quả của nó sẽ khủng khiếp dường nào?

Mang thắc mắc của mình đến gặp ông Nguyễn Chí Thành, Cục Trưởng Cục Phát hành kho quỹ, NHNN Việt Nam, tôi chợt hiểu hơn những khó khăn, gian khổ trong hành trình đưa “hàng đặc biệt”  đến với mọi miền của Tổ quốc.

Hóa giải phần nào những thắc mắc của tôi, Phó cục trưởng Cục Phát hành Kho quỹ NHNN Nguyễn Tất Huynh tươi cười cho biết, mỗi năm có hàng nghìn chuyến xe chở tiền điều hoà, lưu thông từ NHNN đi mọi miền của đất nước. Tuy nhiên cho tới nay, điều may mắn là chưa có một trường hợp đáng tiếc nào xảy ra. Các chuyến hàng luôn đảm bảo an toàn, bí mật.

Ông nói, tất cả các lái xe của Cục Phát hành kho quỹ gần như lúc nào cũng trong tình trạng “trực chiến”, chẳng biết khi nào sẽ lên đường. Bởi, để đảm bảo an toàn, các lái xe sẽ không được biết trước kế hoạch điều chuyển và tuyến đường điều chuyển đương nhiên cũng sẽ không biết được địa điểm mình sẽ đến, chuyến xe mình lái có “hàng” hay không.

Với họ, đó chỉ là chiếc xe đã được niêm phong kỹ càng và khi đặt tay vào vô lăng thì lộ trình cùng điểm kết thúc hành trình mới hiện hữu trong họ. Cùng đi với họ là những chiến sĩ thuộc tiểu đoàn cảnh sát bảo vệ. Với những hành trình dài, điểm nghỉ, điểm tập kết an toàn luôn được lên lộ trình, kiểm tra sẵn từ trước…

Cầm chén trà, ông Huynh chia sẻ: Mỗi dịp Tết đến là chúng tôi “sợ” nhất đấy, ngoài việc lượng tiền mặt cung ứng phải tăng thêm nhiều để đảm bảo nhu cầu thanh toán, chi trả vào dịp Tết cho người dân thì chuyện cán bộ, nhân viên của Cục phải làm đến tận… giao thừa là… bình thường.

Bên cạnh những chuyến xe thì Cục Phát hành Kho quỹ cũng xử dụng khá nhiều phương tiện vận chuyển khác như tàu hoả, máy bay… Và với bất kỳ phương thức vận chuyển nào thì yếu tố an toàn, bí mật luôn được cán bộ của Cục đặt lên hàng đầu. Đơn cử chỉ như vận chuyển bằng tàu hoả thôi thì việc lựa chọn toa tàu, bố trí lực lượng bảo vệ ở những vị trí nào, cán bộ phát hành, cán bộ bảo vệ ngồi ở đâu, tuần tra, kiểm soát ra sao… đều được Cục đưa ra bàn thảo một cách kỹ lưỡng để chọn ra phương án tối ưu nhất.

Nói thì đơn giản thế thôi, nhưng tôi đố ông nhà báo biết làm thế nào để có thể tuần tra, kiểm tra cả cái container 12 feet, khi mà tàu đang chạy với tốc độ cao đấy? Thấy vẻ mặt ngơ ngác của tôi, ông Cục phó Huynh cười phá lên sảng khoái, chúng tôi phải dùng đai thép uốn theo những toa tàu tạo thành chỗ bám, hành lang để anh em có thể đi tuần ngay cả khi đoàn tàu chạy, riêng toa “đặc biệt” thì còn phải uốn thành một vòng quanh cái container ấy để làm chỗ bám, đai bảo vệ cho anh em đi tuần tra, kiểm tra khi tàu chạy…

Tiền sẵn sàng chờ “hiệu lệnh”

Tôi chợt nhớ tới anh Đông (Agribank chi nhánh Móng Cái) với con đường độc đạo Móng Cái – Quảng Ninh cách đây gần chục năm trước. Là NHTM đầu tiên và lâu đời nhất có mặt tại Móng Cái, Agribank Móng Cái được NHNN chi nhánh Quảng Ninh tin tưởng giao nhiệm vụ là đầu mối điều chuyển “hàng” đặc biệt từ Quảng Ninh về Móng Cái và ngược lại.

Anh Đông nhớ lại, ngày trước đường sá đang mở rộng, chuyện tắc đường, sa lầy hay ngủ đêm trên đường là… bình thường đối với cánh lái xe. Và cứ mỗi lần như thế thì mì tôm, bánh mì, trứng luộc… luôn được trữ sẵn trên xe để khi tắc chỗ nào là xuống ăn ở chỗ đấy, chờ đường thông được phút nào là phải tranh thủ đi ngay phút đấy, nếu chậm lại một chút thôi là có khi phải nằm cả đêm ngoài đường.

Ngày trước, khi tuyến đường Móng Cái - Hạ Long đang thi công thì chuyện phải nằm đường 1 đến 2 ngày vì tắc đường là chuyện xảy ra như cơm bữa. Ăn, ngủ thì thất thường, song đó vẫn là “chuyện nhỏ” nếu so với việc phải đối mặt với những rủi ro trên đường. Anh Đông nhớ lại có lần xe vừa dừng nghỉ ở ngang lưng đèo, chiến sĩ cảnh sát bảo vệ vừa bước vào vị trí bảo vệ thì chẳng biết linh tính hay gì nữa mình trèo lên xe và đánh xe tiến lên khoảng 100 m nữa. Xe vừa tiến lên thì cả chiếc container chở hàng mất phanh lao thẳng vào vị trí cả đoàn vừa đỗ. Cả đoàn nhìn nhau mà chả ai nói được câu nào… Rồi xe bị sa lầy do đường xấu cũng là chuyện… thường những năm đó.

Có lần, xe bị sa lầy nặng không thể đi được phải nhờ xe khác mượn thêm kích để kích xe lên (một kích theo xe không đủ để nâng). Thế là về, anh đề nghị trang bị thêm 2 kích nữa đề phòng trong trường hợp xấu có thể kích cả xe lên để chèn đá vượt lầy… Công việc thì vất vả, nguy hiểm, thu nhập thì vẫn thế, nên có lúc thấy… cực quá, định xin Giám đốc cho được đổi công việc khác. Nhưng rồi nghĩ lại, “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai…” , bởi đây là nhiệm vụ, là trách nhiệm và cũng là sự tin tưởng mà lãnh đạo ngân hàng dành cho mình. Về động viên vợ cùng con nhỏ, anh lại tiếp tục theo những chuyến xe điều vận.

Anh Đông chợt cười vui, gian khổ là thế, song được cái lãnh đạo đều thấu hiểu những vất vả ấy. Xe cộ lúc nào cũng được ưu tiên, hỏng gì sửa nấy miễn sao an toàn cho người và hàng trên xe. Chả thế mà mình xin 1 xe 3 kích cũng được lãnh đạo gật cái rộp. Rồi lốp, đèn… đều được ưu tiên hết. Tất cả để cho những chuyến xe an toàn, đi về đúng tuyến, đúng lộ trình.

Rồi anh chợt trầm tư, mỗi khi chuyến hàng chuyển bánh, không chỉ những người cầm lái như mình lo mà những người “ở nhà” còn lo hơn mình nhiều ấy chứ. Chả thế mà lần trước, xe trượt bánh lao xuống bên bờ vực thẳm, cả lãnh đạo huyện, lãnh đạo thành phố đang họp cũng “bỏ” tất để lao đến hiện trường thực hiện ngay các biện pháp ứng cứu khẩn cấp. Rồi chỉ đạo các lực lượng tại chỗ triển khai phương án ứng cứu, bảo vệ ngay. Cũng may là xe chỉ trượt có 1 bánh xuống vực thôi, không ảnh hưởng gì đến “hàng” trên xe cả. Bên cạnh đó, thấu hiểu những gian khó, hiểm nguy trong quá trình điều vận nên cán bộ kho quỹ các địa phương luôn ủng hộ nhiệt tình. Họ sẵn sàng chờ đến khi nào xe vào điểm tập kết mới đóng kho, cho dù lúc đó là mấy giờ đêm chăng nữa…

Xưa nay vẫn thấu hiểu, đồng tiền quan trọng đối với con người như thế nào! Song, khi nghe những câu chuyện của anh Đông kể, tôi lại càng thấu, hiểu hơn những giá trị của nó. Không chỉ là giá trị vật chất, để mang được đồng tiền đến tay người tiêu dùng là cả một chặng đường đầy gian nan từ in ấn, đóng xén rồi cả đến những hiểm nguy, thậm chí cả tính mạng trong quá trình vận chuyển... Trong tôi chợt dấy lên một niềm tự hào và trân trọng...

Theo Hoài Phi - Hà Đăng

PV

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên