MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cuộc sáp nhập ngân hàng được đoán trước vào cuối năm

23-09-2010 - 16:25 PM | Tài chính - ngân hàng

Sáp nhập với các ngân hàng là phương án khả thi nhất trong hoàn cảnh hiện tại, nhất là những ngân hàng đang có vốn điều lệ bằng 1/3 so với yêu cầu.

Nghị định 141/NĐ-CP sẽ tạo ra một cuộc sáp nhập để đáp ứng đủ vốn điều lệ, qua đó nâng cao năng lực của khối các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay vốn nhỏ bé, ít sản phẩm dịch vụ và thiếu sức cạnh tranh khu vực.

Ngay từ đầu tháng 5 vừa qua, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã có công văn chính thức gửi các ngân hàng thương mại (NHTM) báo cáo phương án tăng vốn điều lệ, nhất là các NHTM “vùng trũng”. Cụ thể các ngân hàng sẽ phải trình hồ sơ lên NHNN trước ngày 30/6/2010 này. Như vậy một cuộc chạy đua bổ sung vốn, liên doanh sáp nhập, hợp nhất được dự báo sẽ bắt đầu…

Theo quy định tại Nghị định 141/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ, chậm nhất đến ngày 31/12/2008 các ngân hàng thương mại phải đảm bảo mức vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, chậm nhất đến 31/12/2010 phải tối thiểu là 3.000 tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2009 mới có khoảng 5 ngân hàng mới đáp ứng được mốc vốn điều lệ yêu cầu cho năm 2008. Và tính đến tháng 6/2010, mức vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng lại khiến nhiều ngân hàng đang chạy đôn chạy đáo tìm kiếm vốn bổ sung mới.

Đáng lưu ý hơn, NHNN tỏ ra hết sức cương quyết với các trường hợp không có khả năng tăng vốn để đảm bảo vốn pháp định. Nếu hạn cuối ngày 30/9/2010, ngân hàng nào không bổ sung kịp vốn điều lệ sẽ phải có phương án chấm dứt tư cách pháp nhân và tự chọn cho mình các hình thức như: sáp nhập, hợp nhất, mua lại, tự giải thể…

Chờ đợi những cuộc sáp nhập

Xu hướng mua lại, sáp nhập (M&A) không còn là mới tại các nước phát triển, nhưng ở Việt Nam thì vẫn chưa có những thương vụ thực sự đáng kể, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Chính vì vậy, theo nhận định chung của đại diện NHNN, Nghị định 141/NĐ-CP sẽ tạo ra một cuộc sáp nhập để đáp ứng đủ vốn điều lệ, qua đó nâng cao năng lực của khối các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay vốn nhỏ bé, ít sản phẩm dịch vụ và thiếu sức cạnh tranh khu vực.

Trong số 20 ngân hàng thương mại trong nước và 4 ngân hàng 100% vốn nước ngoài cần tăng vốn điều lệ năm 2010, chúng ta dễ nhận thấy tiềm lực vốn và nguồn lực bổ sung có từ các yếu tố sau. Một là nội lực cổ đông, hai là bán cổ phiếu ra bên ngoài và ba là chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư/ ngân hàng nước ngoài.

Hai phương án đầu đã được các ngân hàng trong nước áp dụng nhưng không thành công, chỉ còn phương án bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài hoặc sáp nhập với các ngân hàng khác (xu thế M&A) là khả thi nhất trong hoàn cảnh hiện tại, nhất là những ngân hàng đang có vốn điều lệ bằng 1/3 so với yêu cầu (như Ngân hàng Gia Định (GiaDinhBank), vốn điều lệ hiện tại là 1.000 tỷ đồng, phải tăng thêm 2.000 tỷ đồng).

Đáng kể nhất là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Thái Bình Dương (Pacific Bank), sau nhiều khó khăn trong những năm trước đó, đầu năm 2009, Pacific Bank tiến hành đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (Vietnam Tin Nghia Bank). Cuộc “lột xác” này cộng với sự nỗ lực của các cổ đông, tính đến tháng 11/2009, vốn điều lệ của ngân hàng này tăng vọt từ 1.133 tỷ đồng lên 3.399 tỷ đồng.

Nếu NH Vietnam Tín Nghĩa thành công khi kêu gọi cổ đông nỗ lực thì Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex lại chọn cách chuyển đổi 1.000 tỷ đồng từ trái phiếu chuyển đổi (dự kiến hoàn thành trong trước tháng 3/2011), bên cạnh kế hoạch phát hành tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng trong năm 2010.

Điểm qua một số ngân hàng đang bị “chiếu tướng” khác, quá trình tăng vốn đang gặp rất nhiều khó khăn, quá trình muốn “lột xác” cũng không hề dễ dàng. Theo thống kê mới nhất của NHNN, tính đến đầu năm 2010 vẫn còn 20 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ đồng.

Điều trông chờ hiện tại của các ngân hàng này là tiến hành đại hội cổ đông, trình và thông qua phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2010, đưa ra các phương án tăng vốn và không ngoại trừ sự “cầu viện” từ bên ngoài cho dù phải sáp nhật, đổi tên chứ không phải để khai tử...

Và như để tránh trường hợp xấu nhất là giải thể, các ngân hàng đã bắt đầu chọn phương án thứ 3 là tìm và chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua phát hành riêng lẻ để tăng vốn. Nhưng biện pháp này được coi là “xương” nhất, vì tính đến cuối 2008 chỉ có 2/20 ngân hàng tuyên bố thực hiện theo cách này là Ngân hàng Phương Đông (OCB) và Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).

Trường hợp Ngân hàng Quốc tế (VIB) chỉ đảm bảo được yêu cầu vốn pháp định trước khi ký thỏa thuận bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài (Commonwealth of Australia - CBA) và đến tháng 12/2009, OCB đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho BNP Paribas - nhà đầu tư chiến lược nước ngoài - để tăng vốn điều lệ, đồng nghĩa với cổ đông này nâng tỷ lệ sở hữu từ 10% lên 15%.

Còn ở Southern Bank, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 21/4 vừa qua cũng đã xác định bán tiếp 5% cổ phần United Overseas Bank Ltd., đi cùng với tỷ lệ sở hữu từ 15% lên 20%.

Phương án đã có, nhưng thực hiện quá trình tăng vốn với những ngân hàng nhỏ và mới thành lập cũng không hề dễ dàng. Đơn cử Ngân hàng Gia Định (GiaDinhBank), vốn điều lệ hiện tại mới ở 1.000 tỷ đồng, phải tăng thêm 2.000 tỷ đồng trong năm 2010.

Kế đến là Ngân hàng Tiên Phong (TiênPhongBank thuộc FPT), năm 2009 ngân hàng này đã tăng vốn từ 1.750 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng và còn 1.000 tỷ đồng cần huy động, TiênPhongBank dự kiến chào bán cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, dựa vào cổ đông hiện hữu, hoặc kết hợp cả hai hướng trên…

Thực tế cho thấy, số ngân hàng có thể phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, chuyển đổi từ trái phiếu chuyển đổi đã phát hành trước đó, có nguồn từ quỹ thặng dư cổ phần… là không nhiều. Trong khi việc phải bổ sung 40-60% vốn điều lệ (có ngân hàng là 80% vốn) dường như quá sức đối với một số lớn ngân hàng quy mô nhỏ để đạt được mốc 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đại diện NHNN, việc tăng vốn điều lệ là xu hướng tất yếu của các ngân hàng thương mại hiện nay bởi nó giải quyết được 3 vấn đề cấp thiết là: tăng khả năng tài chính của các ngân hàng, tăng khả năng cung ứng sản phẩm và dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong thời kỳ hội nhập và nâng cao vị thế các ngân hàng trong nước trước các ngân hàng xu thế rất nhiều ngân hàng nước ngoài đang xin thành lập tại Việt Nam hiện nay. Và cuộc sáp nhập giữa các ngân hàng sẽ là cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh của các ngân hàng nội…

Theo Việt Hoàng
EFinance


phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên