MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ “siêu xấu” ám ảnh các ngân hàng

15-08-2014 - 07:15 AM | Tài chính - ngân hàng

Nợ xấu không chỉ tăng mà còn tăng mạnh ngay cả khi ngân hàng không tăng nổi tín dụng.

Cho đến hôm nay 15/8, các ngân hàng lớn nhỏ hầu hết đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2014 cũng như kết quả kinh doanh của 6 tháng đầu năm. Một điểm chung hiện lên đó là lợi nhuận của các nhà băng đã khá hơn so với năm 2013 đi kèm là bức tranh nợ xấu vô cùng ảm đạm. Nợ xấu không chỉ tăng mà còn tăng mạnh ngay cả khi ngân hàng không tăng nổi tín dụng.

Ám ảnh nợ “siêu xấu”

Nợ “siêu xấu” mà chúng tôi gọi tên ở đây là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5). Đây thực sự là khoản nợ khiến các ngân hàng điêu đứng, làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh trong 6 tháng qua.

Dẫn đầu về nợ có khả năng mất vốn ở thời điểm này là Vietcombank với 4.765 tỷ đồng, tăng 70% so với cách đây 6 tháng và chiếm hơn một nửa tổng nợ xấu.

Tiếp đến là Vietinbank với 3.172 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, tăng 40% so với đầu năm. Tổng nợ xấu của ngân hàng này tăng 2,5 lần, từ 3.770 tỷ đồng cuối 2013 lên hơn 9.500 tỷ đồng hiện tại và dẫn đầu hệ thống các ngân hàng đã công bố báo cáo cho đến thời điểm này.

Eximbank trong khi đó ghi nhận gần 62% nợ xấu là có khả năng mất vốn với con số tuyệt đối gần 1.460 tỷ đồng.

Ngân hàng Quân đội có nợ nhóm 5 xấp xỉ 1.000 tỷ đồng và chiếm 34% trong tổng nợ xấu. Nợ nhóm 3 đến nhóm 5 ở nhà băng này cũng đã vượt ngưỡng mà Ngân hàng Nhà nước xưa nay vẫn cho là an toàn ở 3%.

Nợ có khả năng mất vốn ở ngân hàng ACB chiếm gần 60% tổng nợ xấu và tăng 23% sau 6 tháng đầu năm.

Báo cáo của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM  cũng cho thấy, nợ có khả năng mất vốn đang là mối lo của các ngân hàng và chiếm tới 70,5% trong tổng nợ xấu của các nhà băng trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm. 

Trích lập dự phòng tăng đột biến

Do nợ xấu tăng nhanh và chiếm tỷ lệ cao nên các ngân hàng đều phải dành một khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với 2013 để trích lập dự phòng rủi ro.

Tại Eximbank, chi phí dự phòng rủi ro quý 2 năm nay tăng trên 40% và 6 tháng tăng xấp xỉ 90% so với cùng kỳ năm trước, tổng cộng gần 200 tỷ đồng trên tổng 2.364 tỷ đồng nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5.

Ngân hàng Quân đội trong khi đó cũng tăng hơn 40% dự phòng cho quý 2 lên 574 tỷ đồng và tổng cộng 940 tỷ đồng cho 6 tháng, tăng 17,5% so với cùng kỳ.

Ngân hàng Sacombank ghi nhận dự phòng rủi ro quý 2 tăng gấp hơn 4 lần và 6 tháng tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước với tổng cộng 308 tỷ đồng.

Dự phòng rủi ro ở Vietcombank cũng tăng 22% trong 6 tháng đầu năm với hơn 2.400 tỷ đồng trong khi dự phòng của Vietinbank tăng hơn 34%.

ACB là ngân hàng phải tăng mạnh nhất lượng tiền dự phòng trong thời gian qua. Riêng quý 2 chi phí dự phòng tăng gấp hơn 6 lần cùng kỳ và 6 tháng đầu năm tăng gấp hơn 2 lần với tổng cộng gần 580 tỷ đồng…

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, việc trích lập dự phòng rủi ro cho nhóm nợ có khả năng mất vốn là 100%. Thế nhưng, qua theo dõi báo cáo tài chính kỳ này thì không thấy điều đó. Chẳng hạn như ở Eximbank có tới 1.458 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn nhưng tổng dự phòng chỉ dừng ở mức chưa đầy 200 tỷ đồng; hay ở Sacombank dự phòng 305 tỷ đồng nhưng có hơn 1.300 tỷ đồng nợ nhóm 5; Vietcombank có nợ nhóm 5 hơn 4.700 tỷ nhưng tổng dự phòng chưa đầy 2.000 tỷ; ACB hơn 2.600 tỷ đồng nợ nhóm 5 nhưng tổng dự phòng cũng chỉ gần 580 tỷ…

Vì đâu nên nỗi?

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng gửi về Ngân hàng Nhà nước thì nợ xấu đến cuối tháng 5 chiếm hơn 4% trên tổng dư nợ và tăng liên tục từ đầu năm tới nay. Với kết quả kinh doanh các ngân hàng vừa công bố, chắc chắn nợ xấu sẽ còn tăng nữa trong các kỳ báo cáo tiếp theo.

Nợ xấu tăng cao là vấn đề đáng lo ngại đối với toàn hệ thống, nó không chỉ bào mòn lợi nhuận của mỗi nhà băng mà còn làm giảm niềm tin vào hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, theo ông Vijay Maheshwari, giám đốc Tài chính của ngân hàng ACB, chi phí dự phòng và nợ xấu tăng cao là một điều khó có thể tránh khỏi khi ngân hàng chú trọng yếu tố minh bạch và nghiêm túc tuân thủ các quy định của NHNN về việc trích lập và phân loại nợ.Việc nợ xấu tăng cao là thách thức nhưng cũng là cơ hội trong tương lai khi kinh tế phục hồi trở lại, kéo theo giá trị tài sản đảm bảo tăng và khả năng trả nợ của khách hàng được cải thiện thì các ngân hàng sẽ có nguồn thu lớn từ dự phòng được hoàn nhập.


Tùng Lâm

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên