MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu: Càng để lâu, càng nhiều di chứng

07-10-2012 - 06:39 AM | Tài chính - ngân hàng

Nợ xấu của ngân hàng phải giải quyết nhanh chóng, càng để chậm trễ sẽ càng gây ra những hậu quả lớn.

Càng chậm càng bất lợi

Thứ nhất: Việc giải quyết nợ xấu chậm sẽ dẫn đến tình trạng các bảng cân đối kế toán của các ngân hàng (NH) vẫn chiếm tỷ lệ nợ xấu cao, đồng nghĩa với việc NH sẽ không thể cho vay và các DN không tiếp cận được vốn để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển kinh tế của đất nước trong những năm tiếp theo.

Thứ hai: Khi nợ xấu càng kéo dài thì các chi phí bỏ ra về mặt hữu hình và vô hình đối với xử lý nợ xấu càng lớn. Về mặt hữu hình là việc các tài sản cầm cố tại ngân hàng sẽ ngày càng bị hao mòn, hư hỏng, giá trị và giá trị sử dụng sẽ mất dần, nếu nợ xấu được xử lý nhanh thì các tài sản này sẽ được đem ra sử dụng nhanh chóng, tạo nên giá trị và giá trị thặng dư cho nền kinh tế. Về mặt vô hình khi quá trình xử lý nợ xấu kéo dài, dẫn tới hệ số tín nhiệm của Việt Nam sẽ khó mà duy trì được mức tín nhiệm như hiện nay, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đầu tư.

Thứ ba: Tỷ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực cho vay bất động sản thương mại và bất động sản dân dụng mặc dù trong các báo cáo là không thật sự lớn, tuy nhiên có thể vì lý do nào đó trong phương án kinh doanh, số tiền cho vay lẽ ra được rót vào các lĩnh vực sản xuất nhưng kỳ thực lại được rót vào bất động sản hoặc lĩnh vực phi sản xuất.

Không thể có số liệu thống kê chính thức trong lĩnh vực này nhưng có thể dư nợ cho vay loại này không hề nhỏ đối với nền kinh tế, tình trạng bất động sản xuống giá như thời gian vừa qua càng làm cho nhu cầu đối với bất động sản giảm mạnh, hàng tồn kho về bất động sản ngày càng tăng lên, các DN bất động sản bắt buộc phải liên tục hạ giá bán nhưng vẫn không thể bán được, quá trình này diễn ra liên tục trong thời gian dài dẫn tới hiện tượng bán tháo, tuột dốc không phanh, khi đã dẫn tới tình trạng bán tháo mà vẫn không có người mua thì số tiền mà các DN bất động sản bán được cũng không thể nào trả được hết nợ gốc cho ngân hàng.

Thứ tư: Giải quyết nợ xấu nhanh sẽ cải thiện được năng lực tài chính của các NH, năng lực tài chính của các NH là tốt thì việc điều hành chính sách tiền tệ mới dễ dàng và hoạt động cung cấp tín dụng cho nền kinh tế mới thực sự tốt.

Điều trị cách nào ít tốn kém?

Một là: Nếu bơm tiền giải cứu các ngân hàng thì chi phí này sẽ vô cùng lớn, quá khứ của kinh tế thế giới đã cho thấy điều này, chẳng hạn như chi phí giải cứu các ngân hàng thương mại ở Mexico và một số nước khác trên thế giới giai đoạn từ năm 1994-1997 và giai đoạn 2001 đến 2004 đã tốn từ 14% đến 17% GDP của các nước đó. Mặc dù sau khi bảng tổng kết tài sản của các ngân hàng đã “ sạch sẽ ” , các ngân hàng vẫn không thực sự hồi phục lại nguồn cung cấp tín dụng cho các DN, điều này đã giảm tốc độ tăng trưởng của Mexico và các nước đó trong 10 năm tiếp theo.

Hai là: Trong bất kì phương án nào để xử lý nợ xấu thì Nhà nước vẫn phải chấp nhận sự thiệt thòi, vấn đề là chấp nhận ở mức độ nào và mức độ nào thì bản thân các ngân hàng phải tự gánh chịu cho những sai lầm trong quá trình họ cung cấp tín dụng cho các DN trong nền kinh tế.

Ba là: Khi tái cấu trúc nền kinh tế, không nên dùng lượng tiền này để giải cứu các NH và DN làm ăn kém hiệu quả, đã mắc không ít sai lầm trong quá khứ mà lượng tiền này cần phải tập trung vào các NH và DN kinh doanh có hiệu quả, các DN mới năng động, đủ sức cạnh tranh với các DN trong khu vực.

Phân loại để có phương án thích hợp

Phương án 1: Nhà nước sẽ mua lại toàn bộ nợ xấu cho các ngân hàng thương mại: Việc Nhà nước mua lại nợ xấu của các ngân hàng là một vấn đề cực kỳ khó giải quyết bởi vì để đảm bảo sự công bằng, minh bạch thì phải có một cơ chế đấu giá minh bạch đối với các tài sản này.

Tuy nhiên, việc đấu giá cho hàng vạn tài sản là nợ xấu tại hàng ngàn các DN, các cá nhân khác nhau trong nền kinh tế quả là rất khó khăn, quá trình này không thể giải quyết nhanh chóng, sẽ mất rất nhiều năm mới có thể thực hiện được. Vậy nếu mua lại nợ xấu thì chỉ nên dừng lại ở phạm vi hẹp và đối với các tài sản dễ dàng định giá chính xác trên thị trường.

Phương án 2: Kéo dài thời gian các DN cần phải trả nợ cho các NH. Trước mắt, các DN này sẽ vẫn duy trì được cơ bản lượng tiền, vốn nhất định đáp ứng cho nhu cầu hoạt động một cách cầm chừng, khi đã hoạt động mang tính cầm cự, các DN không thể nào đạt được lợi nhuận cao như trong điều kiện bình thường, nếu sản xuất kinh doanh có lãi, số lãi này cũng không thể nào trả đủ cho phần lãi vay ngân hàng, chứ chưa nói đến việc trả số tiền gốc, các DN vẫn tiếp tục phải gánh chịu những khoản nợ và phải tiếp tục trả lãi cao cho những món vay đó, như vậy phương án này không thực sự hiệu quả, nó chỉ kéo dài thêm ngày xảy ra viễn cảnh xấu mà thôi.

Phương án 3: Hỗ trợ để thực hiện các khoản thanh toán, chẳng hạn như Nhà nước giảm miễn thuế cho các DN, hoặc giãn thời gian nộp thuế đối với các DN, phương án này có hiệu quả, tuy nhiên nó chưa phải là liều thuốc đủ mạnh để chữa trị cho các DN trong nền kinh tế hiện nay.

Phương án 4: Giảm lãi suất cho vay: Việc giảm lãi suất cho vay từ 18% xuống 15%, 13%, 12% có ý nghĩa nhất định đối với nhiều DN trên thị trường, tuy nhiên điều này cũng không khiến cho các DN xây dựng thêm nhà xưởng mới hoặc mua thêm máy móc thiết bị mới bởi vì thực tế đã chứng mình rằng trong thời gian qua, tình trạng dư thừa năng lực sản xuất gia tăng đáng kể do lãi vay ngân hàng quá cao, một tỷ lệ không nhỏ các DN sản xuất kinh doanh trên thị trường phải thu hẹp quy mô hoạt động thậm chí phá sản, giải thể.

Phương án 5: Giảm số nợ gốc mà các ngân hàng đã cho các DN và các cá nhân vay vốn:

Việc giảm số nợ gốc này được xét theo hai trường hợp cụ thể như sau:

Trường hợp 1: Đối với những khoản nợ xấu này lại có lỗi do nguyên nhân chủ quan của ngân hàng như thẩm định dự án để cho vay sai, việc quản lý rủi ro cho vay yếu kém, sử dụng tiền đối với các nghiệp vụ nhiều rủi ro như: ủy thác đầu tư chứng khoán, cho vay kinh doanh chứng khoán, định giá cho vay bất động sản là quá cao…

Đối với những nợ xấu rơi vào trường hợp này, theo quan điểm về kinh tế học thì Ngân hàng phải tự xử lý, tức là sẽ dùng quỹ dự phòng để sạch bảng cân đối kế toán, bởi vì Ngân hàng cũng là một chủ thể, một pháp nhân trong nền kinh tế, khi họ đưa ra các quyết định không thận trọng, sai sót trong kinh doanh thì đương nhiên họ phải trả giá cho những việc làm của chính họ.

Nhà nước bơm tiền để giải quyết các khoản nợ xấu do lỗi của ngân hàng thì xét về bản chất sẽ lấy tiền đóng thuế của những DN làm ăn có hiệu quả và của người dân để giải cứu cho những việc làm sai lầm của NH. Hơn nữa nếu bơm tiền để cứu các NH thua lỗ do hoạt động yếu kém của họ, sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu và sẽ càng khuyến khích các ngân hàng này kinh doanh mạo hiểm hơn như thế sẽ gây hậu quả khó lường về sau.

Trường hợp 2: Các khoản nợ xấu do nguyên nhân khách quan, tức là các ngân hàng thương mại đã quản trị rủi ro tốt, hồ sơ thẩm định cho vay đúng mục đích, đánh giá giá trị tài sản thế chấp phù hợp theo giá thị trường và theo quy định pháp lý.

Trong trường hợp này Nhà nước và ngân hàng đều phải cùng nhau chấp nhận thua thiệt đối với các khoản nợ xấu, Nhà nước có thể gánh chịu cho các DN số tiền lãi theo mức lãi suất hiện nay, Nhà nước sẽ trả thay một phần nợ gốc hoặc toàn bộ nợ gốc đối với các DN đó, bù lại các DN phải chuyển một phần thậm chí toàn bộ cổ phần sang cho Nhà nước sở hữu.

Việc làm này nếu xét ngay ở thời điểm hiện tại cho thấy Nhà nước bị thiệt thòi, tuy nhiên xét về lâu dài để vấn đề ổn định, phát triển kinh doanh cũng như về mặt xã hội thì nó lại có hiệu quả tốt hơn rất nhiều bởi lẽ sau vài năm, kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng bền vững trở lại, Nhà nước sẽ bán số cổ phần này cho các cổ đông khác trong nền kinh tế, thu hồi số tiền vốn mà mình đã bỏ ra.

Có thể thấy trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế thì chỉ có một phần của phương án 1 và phương án 5 là tối ưu, là giải quyết được triệt để vấn đề nợ xấu trong điều kiện hiện tại của nền kinh tế. Và việc xử lý nợ xấu càng khẩn trương thì càng có hiệu quả cao và tránh được những thiệt hại lớn hơn cho nền kinh tế.
TS Trịnh Hữu Hạnh
 Học viện Tài chính
Theo VEF

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên