MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu vẫn chưa thông

21-03-2016 - 17:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Đến hết năm 2015, nợ xấu của toàn hệ thống NHTM đã được đưa về dưới 3% như mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, thực tế nợ xấu chỉ mới bị “xích” lại, chưa có giải pháp xử lý nợ triệt để và đáng chú ý là trong quá trình phấn đấu giảm nợ xấu các NHTM vẫn tiếp tục phát sinh nợ xấu mới.

Nợ mới chồng nợ cũ

Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 2,9%, xấp xỉ 200.000 tỷ đồng so với năm 2014 là 3,7%. Theo mục tiêu NHNN đề ra, nợ xấu đã được kéo giảm đúng như kế hoạch. Tuy nhiên, thực chất một phần nợ xấu mới được đưa ra khỏi bảng cân đối kế toán của NHTM thông qua việc “gửi gắm” tại Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC).

Giá trị nợ xấu VAMC thu hồi được là không đáng kể, phần lớn nợ xấu VAMC mua về vẫn chưa có hướng giải quyết và các NHTM phải trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản này. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, cho đến thời điểm này nợ xấu chỉ mới được “xích” lại tại VAMC, một cách giải quyết mang tính ngắn hạn và nợ xấu vẫn còn đó.

Cần xem lại tư duy dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ xử lý nợ xấu. Về nguyên tắc, NH gây ra nợ xấu phải gánh lấy nhưng NH lại đang đóng vai trò trung gian tài chính phân bổ vốn cho nền kinh tế nên để NH tự xử lý nền kinh tế phải trả giá, nhất là về lãi suất. Chính phủ hỗ trợ NHTM xử lý nợ xấu không phải là những khoản hỗ trợ cho không mà có thể mua nợ với giá thấp hơn giá trị gốc hoặc cho vay tái cấp vốn với lãi suất hợp lý để ngành NH giảm gánh nặng nợ xấu, phục hồi nhanh hơn.

Ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN

Trong khi giải pháp xử lý các khoản nợ xấu cũ vẫn còn chưa thông, lo ngại nợ xấu phát sinh ngày càng gia tăng. Nợ có nguy cơ mất vốn của 10 NH lớn và trung trong năm 2015 đạt gần 22.700 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ của 7 NH nhỏ.

Theo một số dự báo, năm nay chi phí trích lập dự phòng rủi ro tại các NH sẽ lên khoảng 91.374 tỷ đồng, so với 74.828 tỷ đồng năm 2015 và 59.287 tỷ đồng năm 2014.

Mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đã đưa ra cảnh báo khi năm 2015 nợ xấu lại tiếp tục phát sinh thêm 45.000 tỷ đồng. Theo ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dù con số này chưa bộc lộ rõ ở thời điểm hiện nay, nhưng là nguy cơ tiềm ẩn cho các năm tiếp theo khi tín dụng tiếp tục tăng, tạo nguồn thu ngắn hạn. Trước đó cũng đã có một số lo ngại nợ xấu sẽ quay trở lại khi tăng trưởng tín dụng năm 2015 ở mức cao nhưng dòng vốn chủ yếu chảy vào lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng.

Trong giai đoạn tái cơ cấu hệ thống NHTM, xử lý nợ xấu là một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra. Tuy nhiên, các NH vẫn ách tắc trong việc định giá và gặp khó khăn khi thu giữ tài sản đảm bảo để thu hồi và giảm nợ xấu do các văn bản pháp luật liên quan vừa chồng chéo vừa thiếu hụt. Cách đây hơn 2 năm, khi VAMC ra đời, kỳ vọng của thị trường vào vai trò xử lý nợ xấu của VAMC rất lớn.

Tuy nhiên, đến nay VAMC vẫn chưa tạo ra chuyển biến tích cực nào trong việc hỗ trợ NHTM thu hồi nợ xấu. Ở các quốc gia khác, các công ty tương tự VAMC vận hành theo phương thức nhà nước bỏ tiền mua nợ, giữ khoản nợ đó một thời gian, sau đó khi kinh tế phục hồi, thị trường tài chính, bất động sản ấm lên sẽ bán ra thị trường.

Nhưng tại nước ta, VAMC không có động lực để thúc đẩy nhanh việc bán nợ xấu. Lý do, công ty này hoàn toàn không chịu rủi ro nào khi mua và giữ nợ xấu, vì các NH đã bán nợ nhưng vẫn gánh trách nhiệm trích lập dự phòng hàng năm đối với trái phiếu đặc biệt. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nếu cứ kéo dài tình trạng này, hậu quả là lãi suất phải nuôi nợ xấu, NH phải duy trì việc trích lập dự phòng rủi ro dẫn đến việc lãi suất khó có cơ hội giảm.

Cân nhắc dùng ngân sách

Mới đây, thông tin NH Trung ương Trung Quốc đưa ra ý tưởng cho phép các NHTM đổi nợ xấu lấy cổ phần trong chính công ty mắc nợ thu hút sự quan tâm của giới tài chính trong khu vực. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có thể áp dụng hình thức này để giải tỏa nợ xấu đang tồn đọng.

Thực tế, hình thức này cũng đã được một số NHTM tại Việt Nam thực hiện như SHB chuyển nợ thành vốn góp tại Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco), VietinBank với kế hoạch chuyển nợ thành vốn góp tại các thành viên Tổng công ty Hàng hải (Vinalines)… nhưng sau đó không lan tỏa rộng.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, khi chuyển nợ thành cổ phần, NH sẽ chuyển khoản vay thành vốn đầu tư dài hạn, điều này đòi hỏi NH cũng phải có đủ điều kiện về cơ cấu vốn chủ sở hữu trong cơ cấu bảng cân đối tài sản của NH, có đủ quỹ lợi nhuận, đủ phần vốn chủ sở hữu để bù trừ khoản đó. Còn nếu NH không có lãi, không có vốn chủ sở hữu đáp ứng điều kiện theo luật định sẽ không thể cân đối phần vốn đó thành vốn đầu tư dài hạn được.

Mặc dù Nghị định 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1-9-2015 cho phép phát hành cổ phiếu để đổi lấy phần vốn góp của doanh nghiệp tại doanh nghiệp khác (không phải công ty cổ phần), đồng thời phát hành cho chủ nợ để chuyển nợ thành vốn góp, song các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ không có hiện tượng ồ ạt chuyển nợ thành cổ phần, vì không phải cơ cấu ngành nghề của doanh nghiệp muốn chuyển nợ thành vốn nào cũng phù hợp với chiến lược đầu tư của NH.

Đến nay, xử lý nợ xấu vẫn không được ngân sách hỗ trợ. Trong khi muốn xử lý nợ trong điều kiện không có ngân sách thì phải bán được nợ và muốn bán nợ cần có thị trường mua bán nợ. Những năm trước, đề xuất giải pháp tạo lập thị trường mua bán nợ đã được kiến nghị, nhưng những yêu cầu đặt ra như xây dựng hệ thống xác định giá bán nợ, thống nhất việc phân loại và xếp hạng nợ xấu, chính sách ưu đãi thuế, ổn định và lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài, mở rộng phạm vi hoạt động của các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của các NHTM, hoàn thiện khung pháp lý… trong môi trường kinh doanh của Việt Nam rõ ràng không dễ thực hiện và đến nay vẫn chưa có nền móng nào cho thị trường mua bán nợ.

Theo Đỗ Linh

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên