MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi lo sau lợi nhuận ngàn tỷ của ngân hàng

28-07-2011 - 17:26 PM | Tài chính - ngân hàng

"Lựa chọn ngược" và việc sử dụng đồng vốn chưa hiệu quả là những nguy cơ với ngân hàng.

Kinh tế còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kêu than bởi khó tiếp cận tín dụng, lãi suất cho vay cao. Trong khi đó các ngân hàng liên tục công bố những khoản lợi nhuận lên đến hàng ngàn tỷ. 

Lợi nhuận cao là tất yếu

Để kiểm soát lạm phát NHNN buộc phải áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt. Chính sách thắt chặt tiền tệ có một độ trễ nhất định và tạo cơ hội cho các NHTM tận dụng. Khi đó với lãi suất huy động tăng lên vừa phải, thì lãi suất ra đã được các NH đẩy lên mức rất cao.

“Đây là khoảng thời gian của độ trễ chính sách nên chênh lệch lãi suất lớn. Các ngân hàng chắc chắn sẽ tận dụng để thu lợi nhuận ”- Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình Fullbright nhận xét.

Cùng với đó lợi nhuận lớn của các ngân hàng được hỗ trợ từ những biện pháp hành chính được áp dụng trong thời gian qua. Với quy định áp trần lãi suất huy động, các NHTM có lợi thế đàm phán lãi suất với những người gửi tiền nhỏ lẻ.

Tuy nhiên với lãi suất cho vay thì NHTM được phép thỏa thuận dẫn đến mức chênh lệch lãi suất cao hơn mức bình thường. Thông thường chênh lệch lãi suất đầu vào – ra của ngân hàng chỉ 3-4% nhưng hiện tại mức chênh lệch này lên đến 5-6 %.

Có cùng quan điểm là chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du. Ông Du cho rằng chính sách đã vô tình tạo ra lợi thế đàm phán cho các NHTM.

Ông Du nhận định: “Ngân hàng có thể hét lãi suất cao chưa hẳn bởi chi phí vốn cao đến mức đó mà nằm ở cầu tín dụng rất cao. Chính cầu tín dụng cao, cung hạn chế tạo cùng với yêu cầu trần huy động tạo cho NHTM lợi thế đám phán lãi suất với cả người đi gửi và người vay”.

Rủi ro đến từ lợi nhuận

Như nguyên lý kinh tế thông thường, lợi nhuận lớn luôn đi kèm với gia tăng rủi ro. Trước tiên chính là rủi ro “lựa chọn ngược”, một vấn đề kinh điển của hoạt động tài chính ngân hàng.

“Khi lãi suất lên cao chỉ có những người đầu tư rủi ro mới dám đi vay. Như vậy khả năng mất vốn sẽ cao, ngân hàng thấy rủi ro mất vốn tăng lên cũng sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Dẫn đến càng làm tăng rủi ro cho khoản vay”- ông Du đánh giá.

Vòng quay rủi ro và lợi nhuận sau khi trải qua nhiều lần sẽ cho 1 hình tháp mà tại đỉnh sẽ chỉ gồm những khoản vay rủi ro cao. Đây có thể là nguy cơ.

Nợ xấu tiềm ẩn

Khi rủi ro tín dụng tăng lên thì cũng là lúc những khoản nợ xấu được bộc lộ. Nhìn lại vào tổng tín dụng của nền kinh tế có thể thấy một nghịch lý. Theo ước tính của cơ quan quản lý thì hiện nay tổng tín dụng toàn xã hội bằng 120% GDP, nhưng các doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu vốn. Nghịch lý này được giải thích bởi sự tiềm ẩn của “nợ xấu” trong nền kinh tế.

“Tín dụng bơm vào nền kinh tế được sử dụng không hiệu quả. Các doanh nghiệp đầu tư nhưng khoản thu về không đủ bù đắp khoản nợ nên phải tiếp tục đi vay để trả cho những khoản vay trước đó”- ông Du chia sẻ.

Theo ông Du thì các quốc gia thường có tỷ lệ tổng tín dụng chỉ bằng 50-70% GDP nhưng với kinh tế Việt Nam tỷ lệ này gấp 2 lần. Có thể thấy rằng một lượng lớn tín dụng đã chuyển thành nợ không thể luân chuyển. Chính nợ không luân chuyển này sẽ chuyển thành nợ xấu của ngân hàng.

Như vậy các ngân hàng sẽ phải có trích lập dự phòng hợp lý hơn. Tuy nhiên ông Thành cho rằng mức độ trích dự phòng rủi ro nhiều ngân hàng theo báo cáo tài chính quý II/2011 là chưa đủ.

“Nếu như trích dự phòng rủi ro nhiều hơn, đầy đủ hơn thì chắc chắn lợi nhuận sẽ giảm đi nhiều”, ông Thành nhận xét.

Thời điểm tế nhị và lựa chọn khó khăn

Các ngân hàng phải báo cáo lợi nhuận cao cũng bởi sức ép từ giá trị cổ phiểu ngân hàng thời gian qua đã xuống mức thấp do TTCK suy giảm. Nếu báo cáo lợi nhuận không tốt thì càng khiến giá trị cổ phiếu đi xuống, kéo theo đó là giá trị của các ngân hàng.

Ông Thành cho rằng bấy lâu nay giá trị của các NHTM ở Việt Nam chính là tốc độ tăng trưởng. Nếu tốc độ này chậm lại thì cổ phiếu ngân hàng sẽ kém hấp dẫn đi rất nhiều trong con mắt nhà đầu tư.

Tuy nhiên chính việc công bố lợi nhuận cao từ các ngân hàng cũng nhận được đánh giá thiếu thiện cảm từ cộng đồng doanh nghiệp.

T.S Lê Đăng Doanh đánh giá đây là thời điểm “tế nhị và khó khăn” đối với cả NHTM và doanh nghiệp. Về lâu dài nếu doanh nghiệp không trả được nợ và không vay vốn nữa thì NHTM cũng không thể phát triển một cách bền vững.

“Theo tôi việc siết chặt tín dụng không nên thực hiện theo hướng cào bằng. Cần cấp tín dụng cho doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp xuất khẩu được, duy trì được công ăn việc làm”- TS Doanh đề xuất.

Mối quan hệ giữa NHTM và DN là mối quan hệ hữu cơ qua lại. Lợi nhuận ngân hàng có cao, tăng trưởng có bền vững dựa trên nền tảng doanh nghiệp tốt, hoạt động hiệu quả, trả nợ đúng hạn. Nếu như lợi nhuận bắt nguồn từ tận dụng những lợi thế từ chính sách hay do sự khó khăn của doanh nghiệp thì sẽ đi kèm với nhiều rủi ro.

Cao Sơn

tungns1

Theo DDDN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên