MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi lo trái phiếu

10-10-2015 - 09:26 AM | Tài chính - ngân hàng

CTCK HSC cho biết Chính phủ đang muốn bán tiếp 1 tỷ USD trái phiếu cho Vietcombank. Công ty này cũng cho rằng vấn đề ngân sách hiện là vấn đề quan tâm hàng đầu của Chính phủ hiện nay.

Báo cáo mới đây của CTCK TP.HCM (HSC) nhận định, từ đầu năm trái phiếu phát hành thấp hơn nhiều so với thông thường và thay vào đó nhiều ngân hàng tìm cách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo đó hệ số LDR đã tăng lên mức khá cao. Trong khi đó Bộ Tài chính hy vọng sẽ giảm được áp lực huy động vốn ngắn hạn.

Theo nghị quyết được thông qua tại cuộc họp thường kỳ của chính phủ, chính phủ muốn nối lại hoạt động phát hành trái phiếu ở tất cả các kỳ hạn theo như quy định trong Luật Quản lý nợ công và Nghị định 01/2011/NĐ-CP ngày 5/1/2011.

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội diễn ra vào tháng 10 - tháng 11/2014, Quốc hội đã thông qua nghị quyết chỉ phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên.

Ý tưởng ban đầu của nghị quyết trên là nhằm tăng kỳ hạn của trái phiếu. Tuy nhiên phương pháp này là thiếu linh hoạt. Lý do đằng sau nghị quyết kể trên là nhằm đẩy mạnh hoạt động phát hành trái phiếu kỳ hạn dài do phần lớn trái phiếu chính phủ được phát hành trước đó có kỳ hạn 2-3 năm. Và với lãi suất ở mức thấp thì việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất coupon thấp có vẻ có lý trong việc kiểm soát được lãi phải trả.

"Tuy nhiên việc cấm phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn được nhiều chuyên gia cho là quá chặt chẽ. Kể từ đó, Bộ Tài chính đã liên tục đề nghị thay đổi quyết định cấm phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn vì lo ngại sẽ hạn chế khả năng huy động vốn của Bộ trong năm nay. Và điều này thực tế đã xảy ra", HSC nhận định.

Chính phủ cũng đang muốn bán tiếp 1 tỷ USD trái phiếu cho VCB

Bộ Tài chính đã gặp khó khăn khi chỉ được phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Năm nay, sau khi có nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính dự kiến phát hành 250 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ gồm: 180 nghìn tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm; 50 nghìn tỷ đồng kỳ hạn 10 năm và 20 nghìn tỷ đồng kỳ hạn 15 năm. Trong 9T đầu năm, Bộ Tài chính chỉ phát hành được 127,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu; tương đương bằng 51% mục tiêu cả năm và giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trái phiếu kỳ hạn trung bình với kỳ hạn đến 10 năm khó phát hành thành công nhất. Theo báo cáo của UBGSTCQG, chỉ có phát hành trái phiếu kỳ hạn 15 năm là vượt kế hoạch đề ra (đạt 133,8%) trong khi kỳ hạn 5 năm và 10 năm chỉ đạt 29,4% và 12,8% kế hoạch.

Theo HSC, cho đến nay vẫn không có nhiều trái phiếu kỳ hạn dài được phát hành; không có nhiều trái phiếu kỳ hạn 15 năm và theo đó các công ty bảo hiểm rõ ràng sẵn sàng mua vào số trái phiếu kỳ hạn dài được phát hành.

Tuy nhiên kỳ hạn trung bình chẳng hạn 5-10 năm phổ biến hơn nhiều. Và do đó việc phát hành trái phiếu kỳ hạn này sẽ khó khăn hơn vì: (1) quy mô dự kiến phát hành lớn hơn; (2) ngân hàng ưa chuộng trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn vì lý do thanh khoản; và (3) các công ty bảo hiểm cũng không mấy mặn mà.

Để bù vào phần vốn không huy động được theo kế hoạch, Bộ Tài chính đã phải vay NHNN. Ý tưởng vay từ NHNN đã được đề xuất từ vài tháng nay. Theo ông Đào Xuân Tuế - Vụ phó Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính), NHNN đã quyết định cho Bộ Tài chính vay ngắn hạn 30 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ Bộ Tài chính đảm bảo thanh khoản ngắn hạn cho đến khi chương trình phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn đươc nối lại. Ý định ở đây là Bộ Tài chính sẽ phát hành đủ trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm để trả khoản nợ nói trên trước cuối năm.

HSC cho biết thêm Chính phủ cũng đang muốn bán tiếp 1 tỷ USD trái phiếu cho VCB với lãi suất coupon là 3-4%. Trước đây truyền thông đưa tin Chính phủ đã bán 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 5-10 năm cho VCB với lãi suất coupon là 4,8%.

Trái phiếu kỳ hạn ngắn sẽ được phát hành trở lại

Giả định nghị quyết của Chính phủ được Quốc hội thông qua và trái phiếu kỳ hạn 1,2,3 năm được phát hành trở lại, có lẽ là trước cuối tháng này hoặc muộn nhất là tháng 11 ngay sau khi Quốc hội thông qua vào kỳ họp sắp tới (dự kiến bắt đầu từ ngày 20/10).

Theo đó Bộ Tài chính còn nhiều thời gian để phát hành đủ trái phiếu để có tiền trả cho NHNN và bù đắp vào phần thanh khoản thiếu hụt từ phát hành trái phiếu trước cuối năm.

Tuy vậy rõ ràng Bộ Tài chính sẽ không phát hành đủ 250 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong năm nay. Và điều này đã khiến Bộ Tài chính thận trọng trong chi tiêu trong những tháng gần đây và đã yêu cầu cắt giảm chi ngân sách trong 2016; và điều này được nhiều người ủng hộ.

Có thể một động lực đằng sau quyết định hạn chế không phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn có lẽ là do Quốc hội lo ngại (1) nợ công đang tăng lên (2) tỷ lệ chi phí lãi vay trên tổng chi ngân sách tăng lên. Quốc hội hiện đã khiến Chính phủ chú ý và có vẻ đang rất nghiêm túc trước vấn đề này. Mục đích chính là đảm bảo tỷ lệ nợ công trên GDP không vượt mức trần đặt ra là 65%.

“Chúng tôi lưu ý gần đây đã có sự tranh luận giữa một cơ quan thuộc Bộ KHĐT và các lãnh đạo Bộ Tài chính về quy mô nợ công tại thời điểm cuối 2014. Cơ quan thuộc Bộ KHĐT cho rằng nợ đã ở mức rất cao. Điều này khẳng định thêm quan điểm của chúng tôi là vấn đề ngân sách hiện là vấn đề quan tâm hàng đầu của Chính phủ hiện nay”, báo cáo HSC viết.

Mai Ngọc

HSC

Trở lên trên