MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Cao Sỹ Kiêm: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khốn khó”

28-09-2014 - 17:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Các doanh nghiệp vay nợ nhiều, trong khi đó, nguồn ngân sách để giải cứu và giải quyết nợ xấu thì lại không có. Có thể nói, cái lầm than trong doanh nghiệp vẫn đang còn.

Theo ông Kiêm, qua quá trình thực hiện tái cơ cấu vài năm qua, việc tái cơ cấu có chuyển biến tốt hơn và cũng đã có những kết quả bước đầu. Ví dụ các địa phương, các ngành đã cụ thể hóa hơn các đề án của mình. Một số địa phương, doanh nghiệp đã bước đầu tập trung xây dựng mô hình quản trị hiện đại.

Tuy nhiên, ông Kiêm cho rằng, thực tại bình bình như vậy thì kỳ vọng về chuyển biến mạnh mẽ chưa rõ và cũng chưa mạnh.

“Thực tế, tái cơ cấu trong thời gian qua cũng chỉ mới là giải pháp tình thế, chứ chưa phải là giải pháp căn bản, có tính đột phá theo mục tiêu để chuyển đổi mạnh mẽ nền kinhh tế. Hay nói cách khác 3 đột phá chiến lược mà chúng ta đưa ra là: Nợ công, sắp xếp doanh nghiệp và ngân hàng… hiện khó có thể tạo ra đột phá được!”, ông Kiêm khẳng định.

Cụ thể, về tái cơ cấu lĩnh vực đầu tư công, qua 3 năm Chính phủ đã ra nhiều chính sách và biện pháp để chặn nợ công như giảm, giãn nợ…

Tuy nhiên, theo ông Kiêm, dù đã chặn được đầu tư công nhưng mới chỉ dừng lại ở việc chặn những yếu tố có thể phát sinh, còn việc tạo ra giải pháp lâu dài hữu hiệu hơn, mạch lạc hơn để giải quyết nợ công thì thực sự chưa rõ.

Trở lại câu chuyện ngân hàng, trong giai đoạn vừa qua, nhiều ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 đều nhìn nhận, thành công của ngành ngân hàng là tránh được đổ vỡ bằng cách sắp xếp lại các ngân hàng yếu kém.

Tuy nhiên, theo ông Kiêm, cách sắp xếp ngân hàng hiện nay, hệ thống ngân hàng còn lại, kể cả ngân hàng quốc doanh cũng nên cần sắp xếp lại cả về công nghệ, quản lý…. thì mới tạo ra đột phá được.

Đồng quan điểm đó, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, thực tế chúng ta chưa hề tái cấu trúc được đầu tư công mà cũng chỉ mới là giải pháp tình thế.

“Bởi lẽ, nếu đã tái cấu trúc thực sự thì tại sao lại có tình trạng dư cung đủ loại dự án, thậm chí cả những siêu dự án như sân bay, cảng biển….”, ông Doanh dẫn dụ.

Không những thế, theo ông Doanh, các đề án tái cơ cấu của chúng ta hiện nay đều không có lộ trình, chương trình hành động cụ thể, rõ ràng, thời gian biểu rõ ràng… thì các đề án tái cơ cấu của chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu.

Nhiều nguyên nhân đã được TS. Cao Sỹ Kiêm đưa ra cho tiến trình tái cơ cấu đang hạn chế như vừa qua.

Trong đó, theo ông Kiêm, đáng chú ý là chúng ta đã rất chủ động đưa ra các giải pháp hàng năm nhưng vấn đề lớn đã tồn tạinhiều năm nay: Các định hướng, chủ trương đều bị triển khai chậm, không được cụ thể hóa nhanh. Nhiều vấn đề cứ đưa ra rồi lại rụt lại, không thực hiện được.

Đồng thời, các kỷ cương, kỷ luật thực hiện không rõ ràng, không quyết liệt trong việc áp đặt cá nhân tự chịu trách nhiệm. Do đó, rất nhiều vấn đề dù đã chỉ ra cũng vẫn không giải quyết được.

Theo ông Kiêm, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn rất khốn khó. Các doanh nghiệp vay nợ nhiều, trong khi đó, nguồn ngân sách để giải cứu và giải quyết nợ xấu thì lại không có. Có thể nói, cái lầm than trong doanh nghiệp vẫn đang còn.

Ông Kiêm cũng cho rằng, việc sắp xếp lại các doanh nghiệp, tập đoàn trong thời gian qua cũng chưa rõ, kết quả chưa cao.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc sáp nhập lại một số ngân hàng yếu kém vừa qua là khá tốt. Tuy nhiên, những thông tin tiếp theo hầu như không được rõ về sức khỏe thật sự của các ngân hàng sau khi sắp xếp, sáp nhập.

“Các ngân hàng sau khi sắp xếp đó hoạt động ra sao? Yếu hay mạnh? Sáp nhập 2 ngân hàng yếu vào liệu có tạo ra một ngân hàng mạnh hơn hay tạo ra cái gì…”, bà Lan thắc mắc.

Nhiều ý kiến tại Diễn đàn đều đồng tình với cách nhìn nhận, những chuyển biến, vận động vừa qua trong việc tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ dừng lại ở việc giải pháp tình thế.

Chất lượng hoạt động của ngân hàng, doanh nghiệp, đầu tư công… vẫn chưa tìm ra được giải pháp để giải quyết dứt điểm hoặc gần như dứt điểm. Có tạo ra được những giải pháp căn bản để giải quyết các vấn đề khó, gỡ các nút thắt thì mới có năng lực cạnh tranh hội nhập được.

Qua đó, ông Kiêm kiến nghị, trong thời gian tới, các vấn đề đã được đưa ra phải được cụ thể hóa nhanh. Đồng thời, phải đưa ra những điều kiện thực hiện cụ thể, tạo ra sự thống nhất toàn xã hội; đảm bảo điều hành phải công khai minh bạch và kịp thời.

Đặc biệt, theo ông Kiêm, phải tạo nên được một lớp người có nhận thức nhưng phải có trách nhiệm với sự phát triển của nền kinh tế của đất nước.

Chỉ khi có những cá nhân có nhận thức và có trách nhiệm, biết tự chịu trách nhiệm thì mới có thể tạo nên được sự đột phá.

>>>Diễn đàn kinh tế mùa Thu 2014

Theo Vũ Minh

hangnt

Diễn đàn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên