MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Đỗ Quang Hiển: Đừng nghĩ chủ tịch ngân hàng là sướng!

24-10-2015 - 09:40 AM | Tài chính - ngân hàng

Có cổ đông đã đề cập đến những lo ngại sau khi SHB nhận Habubank và VVF có đến mức bị mua lại 0 đồng hay không. Ông Đỗ Quang Hiển trả lời rằng việc nhận VVF chỉ có tốt với SHB.

Sáng nay (24/10), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để nhận sáp nhập Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF).

9h10’: Đại hội bắt đầu với 401 cổ đông đăng ký đại diện 607.261.690 cp tương ứng 64% vốn điều lệ. Trong đó có hơn 100 cổ đông tham gia trực tiếp.

9h30’: Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB lên đọc tờ trình về giao dịch sáp nhập.

Theo báo cáo gửi đến cổ đông do ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc trình bày trước đại hội, vốn điều lệ của SHB tăng 1.000 tỷ đồng sau sáp nhập, chính bằng số vốn trước đó của VVF. Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1 (tức 1 cổ phần của VVF sẽ được hoán đổi 1 cổ phần SHB).

Giao dịch sáp nhập sẽ được thực hiện thông qua việc hoán đổi các cổ phần của VVF và SHB. Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành cổ phần theo quy định của pháp luật và sử dụng số cổ phần này để hoá đổi lấy toàn bộ số cổ phần đang lưu hành của công ty tài chính.

Theo dự kiến, năm 2015, ngân hàng sau sáp nhập sẽ đạt 200.000 tỷ đồng tổng tài sản, 1.120 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận sau đó sẽ tăng lên 1.391 tỷ và 1.596 tỷ đồng vào năm 2016 và 2017. Lũy kế 9 tháng đầu năm SHB lãi trước thuế 727,6 tỷ đồng.

Sau khi thực hiện sáp nhập VVF, ngân hàng này sẽ có vốn điều lệ 10.486 tỷ đồng và một cổ đông lớn duy nhất là CTCP Tập đoàn T&T.

Ngay sau khi giao dịch sáp nhập hoàn tất, SHB xin lập công ty tài chính tiêu dùng SHB (SHB Finance), vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Đồng thời, SHB kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến với Bộ Tài chính, cơ quan thuế và các đơn vị có liên quan chấp thuận cho SHB được miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm từ 2013 đến 2015 theo kiến nghị trong Đề án nhận sáp nhập Habubank (HBB) vào SHB; miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm 2016, 2017 (50% miễn theo đề án sáp nhập HBB vào SHB, 50% miễn thuế do nhận sáp nhập VVF); miễn 20% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm từ 2018 đến 2020 sau khi nhận sáp nhập VVF và miễn toàn bộ thuế thu nhập cá nhân có thể phát sinh liên quan đến việc phát hành hoặc phân bổ lại cổ phiếu cho cổ đông SHB.

Với Công ty tài chính tiêu dùng TNHH MTV SHB, SHB xin được miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm tài chính đầu tiên sau thành lập và miễn 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm sau đó.

Sau phần báo cáo của ông Nguyễn Văn Lê, ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch HĐQT SHB cho biết, thời gian qua, NHNN rất quan tâm và hỗ trợ các ngân hàng nhận sáp nhập. Năm 2012, SHB nhận Habubank, sau 3 năm để đánh giá lại đề án sáp nhập Habubank, NHNN có thể sẽ kiến nghị trình Chính phủ chỉnh sửa lại đề án nhận sáp nhập Habubank vì có những nội dung chưa nắm bắt hết được và bộc lộ trong 3 năm qua.

Trong đề án có đề cập thông tin về Habubank nhưng chưa rõ. Ông Hiển cho biết ngân hàng sẽ sẵn sàng trả lời mọi thắc mắc về SHB hay Habubank.

Sau phần phát biểu của ông Hiển, đại diện Ngân hàng Nhà nước lên phát biểu cho biết, thị trường tài chính rất tiềm năng là một khoảng trống các TCTD cần khai thác, tận dụng để nâng cao hiệu suất kinh doanh.

Liên quan đến các đề xuất thuế, NHNN cũng sẽ có những kiến nghị với Bộ Tài chính, cơ quan thuế để xem xét các đề xuất mà SHB đưa ra. NHNN sẽ cùng SHB xử lý theo đúng pháp luật và tiếp tục đồng hành cùng SHB.

Ông Đỗ Quang Hiển tái khẳng định, "VVF là cô gái đẹp thật. Trong nước nhiều chàng trai to cao đẹp trai nhảy vào cưa cẩm cô gái này, chúng tôi đã phải vô cùng quyết liệt, quyết tâm tích cực mới đến ngày hôm nay. Tôi đã nhận rất nhiều câu hỏi về nợ xấu nên sẽ trả lời hết sức minh bạch về cô gái này".

Ông Hiển nói thêm, "Sau khi loại các đối thủ trong nước, cổ đông hiện nay chàng rể to cao hơn ở nước ngoài đang đến gạ gẫm. Nhưng cứ để cô gái này về nhà đã đàng hoàng theo đúng pháp luật, ổn định rồi tính sau".

10h17’: Đại hội bước vào thảo luận

Cổ đông hỏi: Đề nghị Đại hội báo cáo về tình hình tài chính của VVF, nợ xấu những khách hàng nợ xấu lớn nhất và đưa ra đánh giá?

Ông Đỗ Quang Hiển trả lời: Tổng tài sản của VVF có hơn 1.000 tỷ đồng, về tài chính là không ảnh hưởng đến SHB. Tuy nhiên chúng tôi vẫn phải minh bạch cho dù lớn hay nhỏ. Nợ xấu của VFF có 65 tỷ đồng trên tổng dư nợ là 157 tỷ đồng. Tỷ lệ là 35% nhưng giá trị tuyệt đối của VVF chỉ có 65 tỷ đồng đến ngày 30/9/2015.

Cổ đông hỏi: Nếu sáp nhập tiếp liệu có đến mức NHNN mua lại với giá 0 đồng không?

ông Đỗ Quang Hiển: VVF có hơn 1.000 tỷ đồng sáp nhập "chàng khủng long" – SHB hơn 183.000 tỷ đồng, tất nhiên có ảnh hưởng nhưng ảnh hưởng tốt. Tuy nhiên sao lại nghĩ 0 đồng ở đây. Cổ đông này mất phương hướng. SHB có một số khó khăn và đang được NHNN quan tâm, SHB kiến nghị chỉnh sửa một số nội dung đề án sáp nhập với Habubank.

Nhiều cổ đông sẽ quan tâm về thuế thu nhập sau khi nhận sáp nhập, SHB đã làm việc cùng các ngân hàng khác trong diện tái cấu trúc và chúng tôi đều căn cứ vào nghị định của Chính phủ số 254 ngày 1/3/2012 trong đó trách nhiệm của Bộ Tài chính phối hợp NHNN ban hành về chính sách miễn giảm thuế liên quan mua bán nợ xấu, đảm bảo tiền vay; miễn giảm thuế TNDN sau khi mua lại sáp nhập hợp lý đối với các tổ chức vi mô.

Cổ đông: Tôi không mắc bệnh hoang tưởng vì tài sản của chúng tôi ở đây. Qua những lần sáp nhập, Habubank các chỉ tiêu báo cáo tốt nhưng về hiệu quả đi xuống.Tôi lo sợ vấn đề sau sáp nhập VFF càng đi xuống nữa, NHNN có thể mua 0 đồng là có khả năng còn khả năng đến đâu là do chúng ta đánh giá. Tôi lo vấn đề đấy.

Ông Hiển: Tôi cũng lo, nhưng phải nhìn vào thực tế.

Cổ đông: Tôi có nhìn thực tế nhiều ngân hàng đã bị mua 0 đồng. Ông Hiển hứa với cổ đông, nếu không thực hiện các chỉ tiêu mà Đại hội đề ra thì ông nên để người khác làm hiệu quả hơn.

Ông Hiển: Tôi tôn trọng quyền của cổ đông. Tôi là người điều hành có trách nhiệm trả lời các thắc mắc nhưng ý kiến của cổ đông phải có tính chất xây dựng, thiện chí phát triển ngôi nhà chung. Phát biểu mà phê phán thì dễ lắm mà quan trọng là đóng góp. Tôi mà không có khả năng làm được tôi cũng xin thôi. Anh hay ai mà có năng lực tôi sẽ mời anh.

Đừng nghĩ Chủ tịch ngân hàng là sướng. Họ lo nghĩ bạc tóc, lo lắng quản trị. Cổ đông lo 1 thì họ lo 3.

Cổ đông: Ngân hàng đang đánh đổi lợi ích ngắn hạn cho dài hạn vậy thì liệu cổ tức chúng tôi nhận được có cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng không? 2014 cổ phiếu SHB trên 10.000 đồng, trong khi cổ phiếu ngân hàng khác tăng mạnh nhưng hiện cổ phiếu SHB tụt xuống còn 6.800 đồng. Xin lý giải cho cổ đông về điều này và triển vọng trong thời gian tới.

Ông Hiển: Tôi cũng là 1 cổ đông, cũng buồn khi cổ phiếu SHB dưới mệnh giá. Tôi là Chủ tịch ngân hàng vừa điều hành phát triển ngắn hạn và dài hạn. Cổ phiếu xuống do nhiều yếu tố chứng khoán thế giới, trong nước. 5 năm qua, cổ phiếu SHB luôn có thanh khoản tốt nhất, do có uy tín, minh bạch, luôn luôn trong top 30. Đây chính là thương hiệu và niềm tự hào của ngân hàng.

Tôi cũng xót ruột khi cổ phiếu xuống thực sự có lúc tôi nhìn rất ngon nhưng không được tham gia, giữ khách quan độc lập. Chúng tôi xác định mục tiêu quản trị ngân hàng tốt, phát triển an toàn bền vững.

Cổ đông: Giá cổ phiếu SHB liên tục dưới mệnh giá phổ thông vậy có lộ trình gì đưa giá trở về 10.000 đồng?

Ông Hiển: Nếu làm được thì tôi là vua chứng khoán rồi, khó quá. Tôi chỉ hứa sẽ làm tất cả sức mình. Tôi ngày nào cũng 11, 12h đêm mới về nhà và luôn cống hiến, gắn bó với ngân hàng.

Cổ đông: Sáp nhập với 1 cô gái đẹp nhiều người muốn ngỏ lời, là điều tuyệt vời nhưng với góc độ cổ đông lợi nhuận VVF là bức tranh đi xuống rất thảm khốc từ năm 2011 đến nay liên tục giảm và 2014 âm 12,1 tỷ đồng, là hình cầu vồng đi xuống dài hạn. Cô gái này đẹp nhưng nhan sắc xuống nhanh quá. Mô hình chuyển đổi là 1: 1. Tổng tài sản của VVF là 1000 tỷ đồng là nhỏ nhưng với cổ đông là 1 biển lớn, nếu tính USD cũng không nhỏ. Nếu chuyển đổi giá trị sổ sách có cụ thể không?

Ông Hiển: Tỷ lệ 1:1 đánh giá trên vốn điều lệ và giá trị sổ sách. Lợi nhuận VVF đi xuống, âm 12,1 đến tháng 9/2015 lãi 15 tỷ đồng. Họ lỗ 12 tỷ tôi thấy còn là mừng. Nợ xấu của họ là 62 tỷ đồng mà trích lập 58 tỷ đồng. Khi ký hợp đồng nguyên tắc, SHB yêu cầu VVF 1 năm nay dừng giải ngân mà xử lý nợ, chính vì thế lợi nhuận từ tín dụng không có cộng với trích lập thì lợi nhuận đi xuống.

Theo tôi quan sát, doanh thu của Công ty tài chính sau sáp nhập với ngân hàng sẽ tăng mạnh mà chỉ có công ty tài chính mới có lợi thế cho vay tiêu dùng.

Chúng ta cần cổ đông chiến lược nước ngoài, chuyên nghiệp về công nghệ tham gia vào quản trị công ty tiêu dùng.

Cổ đông: Kế hoạch lợi nhuận 2015 liệu có đạt được không?

Ông Hiển: Từ nay đến cuối năm, còn hơn 300 tỷ đồng lợi nhuận là sẽ hoàn thành được kế hoạch kinh doanh đề ra tại ĐHCĐ thường niên. Tôi nghĩ kế hoạch này sẽ khả thi.

Cổ đông: Quyền lợi của cổ đông thì được gì ngoài cổ tức mà vừa rồi cổ tức bằng cổ phiếu mà giá cổ phiếu thì lại xuống giá. Vậy chúng tôi được lợi gì sau khi sáp nhập với Habubank từ đó đến nay, giá trị cổ phiếu không thể tăng thêm nay sáp nhập thêm VFF, nợ xấu 35% ?

Ông Hiển: Tỷ lệ là 35% nhưng giá trị tuyệt đối của VVF chỉ có 65 tỷ đồng đến ngày 30/9/2015.

Nợ xấu chủ yếu là các công ty xây dựng của Vinaconex với những dự án đang thi công nên không đáng lo về vấn đề nợ xấu.

Về vấn đề cổ tức, quyền lợi của các cổ đông là muốn được chia nhiều, SHB cũng xác định mục đích chính vì lợi ích của cổ đông. Cổ tức năm 2014 là 7% cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhưng chưa chia bằng tiền mặt, chia bằng cổ phiếu bổ sung vào vốn, nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng, cơm không ăn gạo còn đấy, có chạy đi đâu đâu.

Cổ đông: Xin ông nói thêm về khoản nợ xấu 150 tỷ đồng trái phiếu của CTCP tập đoàn Vina Magastar và quá trình đàm phán với SeaBank như thế nào? Ngoài ra còn khoản nợ của công ty tài chính Công ty Tài chính cổ phần Handico (Hafic) hơn 70 tỷ đồng,

Ông Hiển: Về khoản nợ 150 tỷ đồng trái phiếu với CTCP Tập đoàn Vina Megastar, VVF cũng đang khởi kiện Seabank. Họ có tài sản đảm bảo là khu đất rất đẹp và giá trị; sau khi sáp nhập, chúng ta sẽ làm việc trực tiếp với Seabank với mối quan hệ và tình thần hợp tác rất tốt giữa hai ngân hàng thì cơ bản sẽ xử lý được nên không cần băn khoăn.

Về khoản tiền gửi hơn 70 tỷ đồng tại Công ty tài chính Hafic. Công ty này sắp tới có tập đoàn tài chính Nhật Bản Aeon vào đầu tư và có đưa ra lộ trình trả cho nợ cho VVF như sau quý IV trả 1 nửa và đợt 2 là quý IV/2016...

12h20, đại hội công bố kết quả biểu quyết với kết quả cổ đông đồng thuận nhận sáp nhập VVF và lập công ty tài chính.

 

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên