MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Vũ Văn Tiền: Nên nới "room" nước ngoài cho các ngân hàng

06-05-2013 - 06:59 AM | Tài chính - ngân hàng

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình cho rằng, khi các tổ chức tài chính Việt Nam còn non nớt, thiếu kinh nghiệm, năng lực tài chính yếu thì sự góp mặt của các đối tác nước ngoài là rất cần thiết.

Cuối tháng 4 vừa qua, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã chính thức công bố phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Maybank, sau khi 2 tổ chức này thực hiện việc chuyển đổi bắt buộc trái phiếu thành cổ phiếu phổ thông ghi danh vào ngày 18/04/2013 theo hợp đồng ba bên ký hồi tháng 12/2010.

Việc chuyển đổi giúp IFC trở thành cổ đông lớn của ABBank với tỷ lệ sở hữu 10% và Maybank sở hữu 20% vốn điều lệ, bên cạnh các cổ đông lớn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và CTCP XNK Tổng hợp Hà Nội (Geleximco). ABBank cũng đã sử dụng hết “room” dành cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của NHNN là 30%.

Giới tài chính ngân hàng đều cho rằng, việc lựa chọn được những đối tác chiến lược lớn mạnh như IFC và Maybank của ABBank là “mơ ước” của nhiều TCTD trong nước. Cá nhân chủ tịch HĐQT ABBank Vũ Văn Tiền cũng thừa nhận đúng là ABBank đã có may mắn khi có được những đối tác như vậy, và trong tương lai, nếu được, ABBank mong muốn có thêm “room” cho nhà đầu tư nước ngoài.

Xoay quanh vấn đề liên quan đến cổ đông chiến lược nước ngoài, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Vũ Văn Tiền.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về sự hỗ trợ của các đối tác chiến lược nước ngoài đối với ngân hàng nội?

Ông Vũ Văn Tiền, chủ tịch ABBank: Các tổ chức, đối tác nước ngoài đều là những định chế tài chính có uy tín, có hệ thống hoạt động chuyên nghiệp theo thông lệ quốc tế. Việc hỗ trợ của họ đối với các ngân hàng nội sẽ giúp nâng cao chất lượng quản trị của các ngân hàng trong nước theo hướng chuyên nghiệp hóa, đến gần hơn với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Việc hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức, đối tác uy tín nước ngoài đối với ngân hàng nội đặc biệt trong các lĩnh vực đối tác nước ngoài có ưu thế cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng đáp ứng nhu cầu dịch vụ đa dạng của khách hàng.

Tôi tin tưởng với thiện chí từ cả hai phía, cùng với việc NHNN luôn tạo điều kiện thuận lợi trong cơ chế, chính sách điều hành cho hoạt động tài chính ngân hàng, việc hợp tác giữa các định chế tài chính quốc tế và nội địa sẽ tạo nên diện mạo mới tích cực cho ngành tài chính ngân hàng Việt Nam.

Việc tìm kiếm đối tác nước ngoài của các TCTD là không dễ dàng songABBank lại rất thành công, vậy ông có chia sẻ gì về điều này?

 Chúng tôi thực sự rất thành công trong việc bán cổ phần. Năm 2008, khi chúng tôi vừa nhận tiền của Maybank thì khủng hoảng kinh tế. Giá hồi đó chúng tôi bán được là 5 “chấm” – rất cao.

Nhiều người có hỏi vì sao bán được giá cao và chọn được đối tác lớn như vậy, tôi có trả lời rằng đó là nhờ uy tín của ABBank. Hồi đó ABBank còn rất nhỏ, vốn điều lệ khiêm tốn, nhưng tư tưởng của HĐQT, chiến lược phát triển của ngân hàng tốt nên được các đối tác tin cậy.

Đến lượt IFC vào ABBank cũng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm sâu, nhưng chúng tôi vẫn được lựa chọn.

Suy cho cùng, cái tên An Bình nó có nhiều ý nghĩa, không những an toàn, an bình, hiệu quả mà đó còn là một cái cơ duyên để chúng tôi nhận được sự quan tâm của đối tác.

Cùng với Maybank (giữ 20% vốn điều lệ) và IFC (10% vốn), ABBank còn có cổ đông lớn là EVN (24,3% vốn) và Geleximco (20%), vậy các đơn vị này đã hỗ trợ cho hoạt động quản trị của ABBank ở những phương diện nào? 

EVN tiếp tục là cổ đông chiến lược trong nước lớn nhất của ABBank và luôn hỗ trợ sát sao cho mọi hoạt động tại ABBank như tham gia quản trị ngân hàng, hợp tác xây dựng các sản phẩm dịch vụ đặc thù phục vụ cho ngành điện... Mối quan hệ hợp tác chiến lược với EVN không chỉ nâng cao năng lực quản trị ngân hàng, đem lại hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, mà còn giúp ABBank phát triển thương hiệu trên thị trường tài chính.

Maybank, ngân hàng lớn nhất Malaysia trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của ABBank từ năm 2008. Là ngân hàng lớn, uy tín tầm cỡ khu vực và thế giới, Maybank cũng đã tích cực hỗ trợ, mang lại hiệu quả thiết thực cho ABBank thông qua việc cử người tham gia HĐQT, tham gia quản lý rủi ro, tư vấn phát triển về công nghệ, hỗ trợ đào tạo cán bộ, xây dựng cơ cấu tổ chức...

Trong thời gian tới, Maybank sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ ABBank, cử chuyên gia đảm nhận các vị trí quan trọng tại ABBank mà Maybank có năng lực chuyên sâu, và hỗ trợ đào tạo cán bộ. Đặc biệt, trong 50 năm thành lập và hoạt động, Maybank đã trải qua những cuộc cải tổ sâu sắc và đạt vị trí số 1 trên thị trường nội địa như hiện nay, tôi tin rằng với những kinh nghiệm đó, Maybank sẽ chia sẻ và hỗ trợ chúng tôi trong việc thực hiện chuyển đổi, tái cơ cấu hệ thống thành công.

Về phía cổ đông lớn mới là Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), bên cạnh các chương trình hợp tác, tư vấn phát triển dịch vụ ngân hàng dành cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ, cấp hạn mức tài chính cho ABBank, hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng quản trị, điều hành..., IFC tiếp tục giúp ABBank thực hiện đánh giá và nâng cao năng lực quản trị theo thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam. IFC cũng sẽ hỗ trợ ABBank trong hoạt động quản lý nợ và xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Trong cuộc gặp đầu tháng 3 vừa qua, tôi và đại diện HĐQT, Ban điều hành ABBank với lãnh đạo cấp cao của Maybank và IFC tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác giữa Maybank, IFC với ABBank. Và tại ĐHCĐ vừa tổ chức cuối tháng 4/2013, cùng với Maybank, IFC đã chính thức cử đại diện tham gia vào HĐQT ABBank.

Việc hợp tác chặt chẽ giữa Maybank và IFC với ABBank thể hiện sự đánh giá tích cực và niềm tin của các tổ chức tài chính-ngân hàng lớn này vào tiềm năng phát triển của ABBank. Tôi cũng tin rằng, với sự hỗ trợ của các cổ đông chiến lược, An Bình sẽ có những bước phát triển vững chắc trong thời gian tới.

Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên nới “room” cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thay vì hạn mức 30% như hiện nay. Quan điểm của ông ra sao?

Về quan điểm cá nhân, tôi cũng đã đề nghị với NHNN, nên nới room cho các NHTMCP lên tới 49%. Bởi lẽ, trong thời buổi hiện nay, các tổ chức tài chính Việt Nam còn non nớt, thiếu kinh nghiệm, năng lực tài chính yếu. Chúng ta nên sử dụng năng lực từ nước ngoài, song không nên từ bỏ quyền làm chủ của mình. Tôi đề xuất 49% cho nước ngoài, chúng ta sở hữu 51% và chúng ta vẫn có quyền kiểm soát.

Nếu được NHNN nới “room”, có đối tác muốn mua ABBank với tỷ lệ đó, chúng tôi rất sẵn sàng bán.

Cá nhân tôi nhận định, việc nới room là rất cần, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đối tác nước ngoài sẽ giúp chúng ta về vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh; đưa chuyên gia sang hỗ trợ, tư vấn về tài chính cũng như hỗ trợ và chia sẻ về kinh nghiệm quản trị chuyên nghiệp, hiện đại, và hiệu quả. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, quan trọng là chúng ta tìm được đối tác chiến lược tốt thì sẽ phát triển bền vững, hiệu quả.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!

Nguyễn Hằng (thực hiện)

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên