MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phá giá tiền Đồng, lợi hay hại?

17-08-2015 - 08:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Động thái nới lỏng biên độ của SBV là cần thiết và cũng là việc đặng chẳng đừng; nhưng nếu SBV phá giá VNĐ sâu hơn nữa thì sẽ gây tác hại đến Kinh tế và xã hội của đất nước.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Đồng
Thạc sĩ Nguyễn Quang Đồng
Chuyên gia
6 bài viết

Câu chuyện Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, kéo theo một loạt các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, giảm tỷ giá đồng tiền của mình, trở thành chủ đề nóng tràn ngập các mặt báo tuần qua. Đáng ngạc nhiên là giới chuyên gia kinh tế đều đồng thanh hòa cùng một giọng thúc giục Ngân hàng nhà nước (SBV) phải phá giá sâu hơn nữa và nhanh hơn nữa, trước khi đồng Nhân dân tệ mất giá sâu hơn.

Thực ra, những tranh luận gay gắt trong việc giữ hay phá giá Việt Nam đồng đã âm ỉ lâu nay, và ý đồ chính sách của SBV là giữ tỷ giá, khi cơ quan này tuyên bố năm 2015 chỉ phá giá 2% và “room” này thì đã hết. Nhưng động thái bất ngờ của Trung Quốc khiến SBV không nới lỏng tỷ giá không được. Và phe ủng hộ phá tỷ giá, được tiếp sức bởi sự sốt sắng quá sức của giới truyền thông, đã đẩy câu chuyện tỷ giá đi quá xa, mà nếu không cẩn trọng, những tác hại của nó với nền kinh tế Việt Nam sẽ là rất nguy hiểm.

Chúng tôi cho rằng, động thái nới lỏng biên độ của SBV là cần thiết và cũng là việc đặng chẳng đừng; nhưng nếu SBV phá giá VNĐ sâu hơn nữa thì sẽ gây tác hại đến Kinh tế và xã hội của đất nước.

Thứ nhất, chúng tôi cho rằng việc kinh tế Việt Nam về tổng thể sẽ hưởng lợi nhiều hơn là bị thiệt hại khi NDT yếu đi.

Phần đông giới chuyên gia cho rằng NDT yếu đi, hàng hóa của Trung Quốc sẽ càng rẻ hơn và hàng Việt Nam càng không cạnh tranh được với hàng hóa Trung Quốc. Điều đó chỉ đúng một phần, bởi trong cơ cấu nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng tiêu dùng chỉ chiếm có 10%, còn lại, 30% là máy móc thiết bị, và 60 % là nguyên vật liệu cho sản xuất. Như vậy, chi phí đầu vào cho sản xuất của Việt Nam sẽ rẻ đi và có lợi cho các nhà sản xuất ở Việt Nam.

Cần lưu ý thêm rằng, nền kinh tế VN là nền kinh tế gia công. Việt Nam, với công nghệ phụ trợ còn quá yếu ớt, nếu không nhập khẩu từ Trung Quốc thì cũng sẽ phải nhập khẩu từ các nước khác để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Vậy NDT yếu đi, thì chúng ta có lợi nhiều hơn là có hại. Cũng vì tính chất là nền kinh tế gia công, ảnh hưởng lan tỏa từ xuất khẩu đến thu nhập ngày càng giảm, trong khi đó ảnh hưởng lan tỏa của xuất khẩu đến nhập khẩu lại ngày càng tăng. Cho nên, về lý thuyết mà nói, đồng tiền yếu thì sẽ thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Nhưng trong trường hợp Việt Nam, lợi ích của VND yếu không lợi nhiều trên thực tế. Khi khu vực FDI chiếm đến 70% xuất khẩu, VND yếu chỉ có lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, mang lợi nhuận lớn hơn cho khu vực FDI, chứ không mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho thu nhập người dân Việt Nam.

Thứ hai, việc giảm giá tiền đồng có nguy cơ kích hoạt một đợt tăng giá mới, nói cách khác, lạm phát sẽ là khó tránh khỏi. Chúng tôi ước tính, khi VND mất giá 2% thì chỉ số sản xuất (PPI) chu kỳ đầu tiên có thể tăng lên 0,43% và chu kỳ sản xuất tiếp theo chỉ số giá có thể tăng lên 0,52%. Hệ quả là CPI theo đó sẽ tăng theo. Việc tăng chỉ số tiêu dùng sẽ tác động trực tiếp và nặng nề nhất đến người nghèo và người thu nhập thấp.

Thứ ba, chi phí nợ công sẽ tăng cao hơn khi VND mất giá. Một trong những lý do ngân sách hiện nay đang rất căng thẳng, là vì nguồn thu sụt giảm vì giá dầu giảm; trong khi đó, nguồn chi tăng vì chi trí trả lãi vay tăng. Tất nhiên, điều này cũng có tính tích cực là tạo ra sức ép khiến Việt Nam sẽ phải giảm vay nợ, và đồng thời sử dụng đồng tiền đi vay hiệu quả hơn; nhưng đó vẫn chuyện tương lai, vì trước mắt, Việt Nam đã bước vào giai đoạn trả lãi vay, và phí trả lãi hàng năm của Việt Nam sẽ ngày càng cao hơn.

Thứ tư, những hô hào và dự đoán thiếu thận trọng rằng VND sẽ tiếp tục mất giá, được thổi phồng qua truyền thông sẽ tác động đến thị trường và người dân, kích hoạt một đợt đầu cơ mới vào tài sản vàng và USD. Lo lắng tiền đồng mất giá, lẽ đương nhiên người dân sẽ chuyển tài sản tiết kiệm sang vàng và ngoại tệ. Lúc đó, áp lực cung ngoại tệ sẽ càng tăng cao và tạo thành vòng xoáy tăng áp lực lên tỷ giá.

Vì những lý do trên, giới chuyên gia kinh tế, thay vì ‘đổ dầu vào lửa’ cho sự sốt sắng quá mức của truyền thông, cuối cùng khơi mào cho tâm lý đám đông và đẩy tình hình đi xa hơn mức cần thiết, hãy thận trọng và đưa ra những cảnh báo và góp ý mang tính xây dựng. Nên nhớ, tỷ giá là con dao hai lưỡi, nhóm hưởng lợi từ thay đổi tỷ giá nhiều nhất là những nhóm thuộc về ‘lớp trên’ xã hội, trong khi đó, túi tiền, miếng cơm manh áo của người dân lại bị sứt mẻ đầu tiên.

 

 

Bùi Trinh, Nguyễn Quang Đồng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên