MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phí ATM "đánh úp" người nghèo

29-05-2008 - 10:12 AM | Tài chính - ngân hàng

Sử dụng thẻ đang dần trở nên quen thuộc với mỗi người dân. Tuy nhiên mọi chuyện sẽ thay đổi nếu ngân hàng thu phí ATM trong thời gian tới.

ATM lại thành chuyển tiền qua bưu điện

Theo một cán bộ trẻ của tòa án quận Đống Đa cho biết, chị bắt đầu nhận lương qua tài khoản từ hồi đầu năm với số tiền xấp xỉ 1 triệu đồng. Số tiền này để chi tiêu tằn tiện bao gồm các khoản: thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày…
 
Vì vậy nếu thu phí giao dịch ATM, nếu mỗi lần khoảng 2000 đồng (mức trung bình theo tính toán của Hội thẻ ngân hàng vừa qua) thì cũng là chắc chị sẽ rút tiền một lần và cất tiền ở nhà.
 
Như vậy chằng khác nào việc tiền lương bị “ăn bớt” một cách hợp lý. Thay vì lên lĩnh kế toán như bình thường thì phải từ nhà chạy xe ra cây rút thẻ, với 5000 tiền xăng và lại phải trả thêm tiền cho ngân hàng, với mức phí “đánh cắp”.

Cán bộ hưu trí quận Cầu Giấy, sau khi nghe tin việc thu phí giao dịch ATM bức xúc: "Nếu thu phí ATM tôi sẽ trả lại thẻ cho ngân hàng. Ngân hàng đã nuốt thẻ của tôi nhiều lần nên lần này tôi sẽ tự nguyện trả lại. Tiền lương hưu đã chẳng đáng bao nhiêu, khi không nhờ được con cháu, phải tự đi lại rút tiền, lại thêm phí thì không được”.

Còn đối với sinh viên xa nhà, lâu nay việc nhận tiền gửi của bố mẹ qua tài khoản của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn đã trở nên quen thuộc, tiện dụng.

"Thay vì trước đây, phải nhờ người gửi từ quê lên, hay gửi kèm xe khách với mức phí 5000 đồng/lần, thì sinh viên nghèo đã được nhận tiền từ bố mẹ qua thẻ mà không tốn kém gì ngoài chi phí làm thẻ một lần (50.000 đồng) coi như “đầu tư lâu dài”- sinh viên này hồ hởi kể.

Tuy nhiên nếu thu phí thì chẳng khác nào gửi nhờ xe khách hay chuyển tiền qua bưu điện như trước cả.

Chất lượng thẻ bao giờ được tính đến

Tính đến hết quý I/2008, toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam có hơn 4500 máy ATM, gần 15.000 điểm chấp nhận thẻ (POS) và phát hành hơn 10 triệu thẻ thanh toán.

Trước thời điểm quy định trả lương qua tài khoản, tức vào cuối năm 2007, Việt Nam mới có hơn 4.000 máy ATM, 12.500 điểm chấp nhận thẻ và 8,4 triệu thẻ phát hành.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2008, số lượng người dùng thẻ đã tăng thêm 1,5 triệu thẻ. Dự báo với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam sẽ đạt 14 triệu thẻ ATM đến cuối năm nay.

Song song với sự tăng trưởng về số lượng, phàn nàn của khách hàng về trục trặc liên quan đến ATM xuất hiện ngày càng nhiều.

Giữa tháng năm, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), một trong những ngân hàng chiếm thị phần thẻ ATM lớn nhất công bố: số lượng khiếu nại phản ảnh của khách hàng trung bình xấp xỉ 1.200 giao dịch trong tổng số trên 3.000.000 giao dịch rút tiền mặt/tháng trong hệ thống ATM của liên minh thẻ Vietcombank (chiếm khoảng 0,04%).

Chưa nói đến chuyện tính phí giao dịch ATM thì hiện tại, vô hình chung khách hàng đã chịu  khoản tiền làm thẻ trung bình từ 50.000-100.000 đồng (miễn phí làm thẻ tùy theo chiến lược khuyến mãi, cạnh tranh của ngân hàng),  số dư tài khoản tối thiểu (khoảng 50.000-100.000 đồng). Điều này đồng nghĩa với việc mỗi khách hàng đã phải chịu khoảng 200.000 đồng tiền dịch vụ.

 “Thu phí, song hàng với chất lượng dịch vụ, chứ không chỉ đơn thuần là “ bù vào khoản chi mua máy ATM” - khoản thu mà khi làm thẻ, khi thực hiện chủ trương trả lương qua tài khoản khách hàng chưa bao giờ được nhắc đến.” Đó là tâm sự của một khách hàng và có lẽ cũng là mong muốn chính đáng của đa số khách hàng đang sử dụng thẻ ATM.

Vũ Minh

tuyetminh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên