MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó TGĐ ABBank: Cho vay đã vất vả, thu hồi nợ còn áp lực hơn

17-06-2015 - 10:13 AM | Tài chính - ngân hàng

Có những trường hợp khách hàng thiện chí phối hợp với ngân hàng xử lý tài sản để trả nợ, nhưng cũng có những trường hợp ngân hàng không nhận được sự phối hợp tốt từ khách hàng...

Hoạt động ngân hàng 2015 đã đi qua gần nửa chặng đường với nhiều tín hiệu lạc quan hơn hẳn cùng kỳ năm trước. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đến cuối tháng 5 tăng 4,81% so với cuối 2014, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 1,3%. Hoạt động huy động vốn cũng tăng trưởng tích cực, lãi suất duy trì ở mức thấp, lạm phát thấp hơn so với mục tiêu, tỷ giá duy trì ổn định dù rằng nhiều đồng nội tệ trên thế giới mất giá thảm hại.

Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng tình hình vẫn còn khá nhiều khó khăn phía trước mà các ngân hàng phải đối mặt, chẳng hạn như doanh nghiệp còn chưa mặn mà mở rộng sản xuất, thị trường bất động sản và chứng khoán hồi phục nhưng chưa có bứt phá rõ nét và đăc biệt là áp lực xử lý nợ xấu vẫn đè nặng lên ngân hàng…

Đó là một trong những nội dung được ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) chia sẻ với chúng tôi về diễn biến ngành ngân hàng thời gian qua.

PV: Xin ông cho biết kết quả hoạt động của ngân hàng An Bình 5 tháng đầu năm?

Ông Bùi Trung Kiên: Trong bối cảnh ngành ngân hàng còn nhiều khó khăn, ABBank vẫn vươn lên và đạt kết quả khá tích cực. Cụ thể kết thúc 5 tháng đầu năm 2015, Tổng tài sản của ABBank đạt 63.344 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2014; Dư nợ (thị trường vốn) đạt 24.260 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2014; Huy động vốn đạt 40.949 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014; Lợi nhuận trước thuế đạt 122,2 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh đó, hoạt động của ABBank đảm bảo an toàn và ổn định. Các tỷ lệ về an toàn về thanh khoản đều đảm bảo tốt, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 16,4% cao hơn nhiều so với mức an toàn tối thiểu 9%, điều này thể hiện sự an toàn, sẵn sàng về mặt tài chính, về vốn theo tiêu chuẩn về an toàn vốn của ABBank ở mức cao.

Trọng tâm hoạt động ngân hàng năm nay của ABBank là gì thưa ông?

Theo định hướng phát triển là ngân hàng bán lẻ thân thiện, ABBank đang thực hiện các chương trình trong nội bộ hướng tới định vị chiến lược trở thành NH TMCP hàng đầu Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực bán lẻ. Lĩnh vực bán lẻ được ABBANK tập trung là đối tương KHCN và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Đối với khách hàng cá nhân, ABBank có sự tăng trưởng về chất lượng và quy mô khách hàng thông qua loạt chương trình ưu đãi như cho vay mua nhà, cho vay mua xe, cho vay du học, cho vay tiêu dùng,…với những điều kiện cho vay rất cạnh tranh và mức lãi suất hấp dẫn. Chúng tôi cũng phối hợp với cổ đông chiến lược IFC trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh phân khúc khách hàng SME.

Về phía nhóm khách hàng doanh nghiệp, ABBank triển khai một loạt các sản phẩm dịch vụ mới kết nối tới tổng cục thuế để thu thuế nội địa, kết hợp với tổng cục hải quan trong thu thuế xuất nhập khẩu và bảo lãnh Hải quan điện tử; đẩy mạnh chương trình về thu tiền điện trên cơ sở EVN là cổ đông chiến lược..

Ông có nhắc đến đối tác chiến lược IFC hỗ trợ cho ngân hàng, cụ thể là thế nào thưa ông?

Chúng tôi cùng IFC thực hiện Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh phân khúc khách hàng SME. Dự án có mục tiêu tổng thể là làm thế nào nâng cao, tăng quy mô, hiệu quả đối với công tác cho vay doanh nghiệp SME. Dự án bao gồm một số hạng mục như thiết kế sản phẩm phù hợp nhất với doanh nghiệp SME giúp xử lý các khó khăn của DN, cho vay đúng đối tượng và quản lý hiệu quả nguồn giải ngân... Đồng thời, dự án cũng thiết kế lại khâu quản trị nội bộ trong ngân hàng để phân tích những sản phẩm, phân khúc nào mang lại hiệu quả tốt, phân khúc nào ngân hàng có thể khai thác, phát triển thêm và cách tiếp cận.

Hiện nay ở nước ta cũng có nhiều chương trình phát triển tiếp cận doanh nghiệp SME, nhưng vẫn tiềm ẩn những khó khăn, rủi ro do các doanh nghiệp này còn có nhiều vướng mắc liên quan đến tài sản đảm bảo rồi báo cáo tài chính chưa rõ ràng, minh bạch và đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên nếu ngân hàng làm tốt, hạn chế những rủi ro như vậy thì đây là một trường rất lớn.

Như ông chia sẻ, doanh nghiệp SME có khó khăn về tài sản đảm bảo và báo cáo tài chính thì ngân hàng có phương pháp hỗ trợ gì khác để tiếp cận với nhóm đối tượng này nhanh hơn?

Chúng tôi có thể cho vay trên cơ sở dòng tiền thông qua giám sát, kiểm tra thực tế hoạt động kinh doanh của họ, đánh giá các tiêu chuẩn về cho vay. Bên cạnh tài sản đảm bảo thì ngân hàng dựa vào dòng tiền thu, đây là một điểm rất có lợi đối với doanh nghiệp SME và các nhà thầu vì thay vì trước đây chỉ dựa vào tài sản đảm bảo, hiện ngân hàng có thể cho vay dựa trên dòng tiền của doanh nghiệp (Khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng, thanh toán tiền điện/ phí dịch vụ qua tài khoản, thu từ hoạt động thầu vào tài khoản đó, cam kết về luân chuyển dòng tiền…).

Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để cho ra các sản phẩm có cấu trúc khác nữa hỗ trợ doanh nghiệp SME.

Là cổ đông lớn, EVN có những hỗ trợ gì cho ABBank?

Hai bên có mối quan hệ hỗ trợ rất chặt chẽ. ABBank không chỉ cung cấp các sản phẩm cho EVN mà còn cả các khách hàng của họ, đó là khoảng hơn 20 triệu hộ dùng điện tại Việt Nam và các đơn vị nhận thầu các dự án của EVN. Cụ thể, chúng tôi cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho hộ dùng điện, gồm cả cá nhân và doanh nghiệp, bao gồm thu hộ, cho vay đóng tiền điện, cho vay các hoạt động khác của khách hàng trên cơ sở đó tiếp cận các nhà cung cấp, đầu ra của họ qua đó giúp mở rộng danh mục khách hàng cho ABBank.

Đối với EVN, chúng tôi cung cấp các sản phẩm dịch vụ trọn gói tử tiền gửi, cho vay, dịch vụ thanh toán... và tất nhiên phải đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN, quy định pháp luật liên quan đến cho vay đối với cổ đông.

Trong hoạt động, nợ xấu là gánh nặng với các ngân hàng, ABBank có nằm ngoài số đó?

Công tác xử lý nợ xấu được đặt ra là một mảng quan trọng mà chúng tôi tập trung trong năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015 cũng như trong thời gian tiếp theo. Đến hết tháng 5/2015 tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tiếp tục được kiểm soát tốt ở mức 3% xét trên tổng dư nợ trên cả thị trường 1 và thị trường 2.

Ngân hàng cũng đã tập trung xử lý nợ từ đầu năm tới nay, thu hồi được 258 tỷ đồng nợ xấu. Đây là những kết quả rất tích cực của ABBank trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo hoạt động an toàn, tăng trưởng nhưng đảm bảo bền vững, đúng theo định hướng chiến lược đã đề ra.

Lộ trình để ngân hàng giảm tiếp nợ xấu là gì thưa ông?

Chúng tôi sẽ tập trung vào các công cụ xử lý nợ xấu, bao gồm chủ động đòi nợ, hỗ trợ khách hàng và đưa ra các phương án để xử lý khoản nợ; thực hiện thủ tục liên quan tới các cơ quan pháp luật, tòa án, thi hành án; đối với một số khách hàng có thể thực hiện cơ cấu theo quy định; phối hợp với VAMC bán nợ theo quy định, nếu khoản nợ đó đáp ứng các yêu cầu của pháp luật.

Về nội bộ, chúng tôi cũng đã thành lập một ban chuyên trách về xử lý nợ, hình thành cơ chế phối kết hợp chặt chẽ với các đơn vị trên toàn hệ thống các chi nhánh để nâng cao năng lực, hiệu lực triển khai thu hồi nợ.

Ông có thể chia sẻ những khó khăn của ngân hàng thường gặp khi xử lý nợ xấu không?

Đối với ngân hàng, hoạt động cho vay đã vất vả, nhưng công tác thu hồi, xử lý nợ còn có áp lực rất là lớn.

Về phía ABBank, để đảm bảo vốn và tiền cho vay của ngân hàng, chúng tôi thực hiện các biện pháp trong khuôn khổ quy định của pháp luật để đảm bảo thu hồi được các khoản nợ ấy: tiếp xúc thường xuyên với khách hàng, đòi nợ qua các kênh, có những trường hợp tiêu cực đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải rất khéo léo xử lý nợ theo quy định của pháp luật.

Về phía ngân hàng chúng tôi, đối với các quyền như nghị định triển khai, như thu giữ, phong tỏa tài sản… là những tình huống bắt buộc, bất đắc dĩ thì tất cả các ngân hàng đều phải vận dụng. Nhưng thu giữ là một chuyện, xử lý tài sản đó cũng rất khó khăn. Có những trường hợp khách hàng thiện chí phối hợp với ngân hàng xử lý tài sản để trả nợ, nhưng cũng có những trường hợp ngân hàng không nhận được sự phối hợp tốt từ khách hàng, dẫn đến việc xử lý tài sản theo các thủ tục, quy trình của pháp luật, trên thực tế có những trường hợp mất rất nhiều thời gian mới giải quyết xong.

Hiện nay có một số kiến nghị trao quyền lớn hơn cho ngân hàng trong việc thu hồi xử lý nợ. Nếu gỡ được vấn đề này sẽ gỡ đc 1 nút thắt lớn, hỗ trợ nhiều cho các ngân hàng.

Vâng, xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

 

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên