MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 6: Đua lãi suất

02-11-2013 - 07:40 AM | Tài chính - ngân hàng

Nghịch lý khi DN vật vã đói vốn còn ngân hàng thừa tiền đua lãi suất kiếm lợi nhuận. Đặc biệt, phá những “đại án ngàn tỉ”, CQĐT còn chỉ rõ những lỗ hổng quản lý đến mức báo động từ cơ chế, chính sách...

Theo kết luận điều tra, trong tháng 7 và tháng 8.2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận được nhiều phiếu chuyển đơn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an; đơn tố cáo của nhân viên Ngân hàng ACB tố cáo Nguyễn Đức Kiên có hành vi kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, thao túng ngân hàng...

Đến nay, hầu như ai cũng nhìn nhận việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông trùm tài chính này cùng đồng phạm “là tiếng chuông cảnh báo các ngân hàng thương mại cổ phần phải hoạt động theo đúng pháp luật”.

Lách luật

Trong hàng loạt những hành vi của trùm Kiên cơ quan điều tra đã làm rõ và đề nghị truy tố ra trước TAND TP.Hà Nội để xét xử công khai, câu chuyện trốn thuế hơn 25 tỉ đồng kể ra rất bé, thậm chí không đáng nói so với con số hàng ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, cách thức của ông trùm trong phi vụ này được coi là “thủ đoạn mới, tinh vi”.

Cơ quan điều tra chỉ rõ, do biết năm 2009 Quốc hội có nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân nên sau khi việc kinh doanh vàng giữa Công ty B&B và Ngân hàng ACB thu được lãi hơn 100 tỉ đồng, Kiên đã chỉ đạo Công ty B&B không kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mà bằng thủ đoạn dùng hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa công ty này với em gái Kiên để chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp sang cá nhân, trốn toàn bộ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty B&B hơn 25 tỉ đồng. Khi vụ án được phát hiện, cơ quan điều tra đã truy vấn hàng loạt cán bộ Chi cục Thuế Q.Đống Đa và các thành viên đoàn thanh tra của Cục Thuế Hà Nội, nhưng tất cả đều khai trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao họ không phát hiện hay nghi vấn gì.

Trong phi vụ 20 triệu cổ phần của Thép Hòa Phát, ông trùm đã khiến doanh nghiệp này “ngẩn ngơ”, suýt mất trắng hàng trăm tỉ đồng cũng bằng những chiêu thức “đẩy qua đá lại”. Cụ thể, hơn 22 triệu cổ phần Thép Hòa Phát do Công ty ACBI sở hữu sau khi chỉ đạo đưa vào thế chấp tại Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành 800 tỉ đồng trái phiếu, ông trùm tiếp tục trích ra đem bán ngược lại cho Thép Hòa Phát 20 triệu cổ phần, lấy 264 tỉ đồng. Đến khi vụ án xảy ra, Thép Hòa Phát mới tá hỏa làm đơn tố đến cơ quan điều tra.

Tại Ngân hàng ACB, khi phải giải quyết nhanh bài toán “huy động nhiều mà không cho vay được” để tránh thiệt hại, ông trùm đã chọn phương án tìm những ngân hàng đói vốn, khát tiền... đổ vào để lấy lãi suất cao. Trả lời cơ quan điều tra, cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá, với tư cách Chủ tịch Ngân hàng ACB đã khai rõ, trong cuộc họp thường trực HĐQT ngày 22.3.2010 bàn về chủ trương cũng có nhiều ý kiến, trong đó ông Trần Mộng Hùng đề nghị giảm bớt lãi suất huy động để giảm số tiền huy động của dân vì thời điểm đó đã huy động được rất nhiều tiền, phải trả lãi nhưng không cho vay được. Nhưng ông Kiên đã bác bỏ phương án này để chỉ đạo làm theo “sáng kiến” lách luật của Lý Xuân Hải. Kết quả như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, chỉ trong một thời gian ngắn nguồn tiền khổng lồ xuất phát từ ACB đã ồ ạt đổ vào 26 ngân hàng, “dắt dây” hàng trăm tỉ đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.

Trong khi đó, khi bị bắt ông trùm khai trong cuộc họp mang tính quyết định ấy ông ta chỉ nói “làm gì thì làm nhưng không được giảm tổng tài sản của Ngân hàng ACB”. Và sau đó theo đề xuất của Lý Xuân Hải, thường trực HĐQT ký biên bản đồng ý thông qua chủ trương và giao cho tổng giám đốc tổ chức thực hiện. Thừa nhận “phần lớn những ý kiến” của mình đưa ra trong các cuộc họp về hoạt động kinh doanh sau đó đều trở thành nghị quyết của thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, nhưng ông Kiên vẫn đẩy trách nhiệm số tiền 718 tỉ đồng kẹt trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cho cổ đông.

Cơ quan điều tra đánh giá: “Kiên có thái độ ngoan cố, khai báo quanh co, né tránh trách nhiệm, ngụy biện đổ lỗi cho người khác, không thành khẩn, chỉ thừa nhận những sai phạm cụ thể nhưng khi áp vào các điều luật thì chối tội. Hành vi của Nguyễn Đức Kiên là đặc biệt nghiêm trọng, cần phải nghiêm trị trong quá trình truy tố, xét xử”.

Lỗ hổng quản lý

Suốt thời gian dài từ 2005 đến 2011, Ngân hàng ACB huy động được của dân lượng tiền rất lớn với lãi suất cao, trong khi việc cho vay gặp khó khăn, việc gửi tiền liên ngân hàng cũng không thực hiện được vì nhiều ngân hàng khác cũng trong tình trạng tương tự nên không có nhu cầu nhận gửi. Để giải quyết bài toán “bí đầu ra” đó, nhằm tránh thiệt hại cho tổ chức tín dụng mà mình giữ vai trò tổng giám đốc, Lý Xuân Hải theo chỉ đạo của ông trùm đã tìm cách lách luật.

Cơ quan điều tra cũng chỉ ra rằng, để xảy ra tình trạng phạm tội như trong vụ án có các nguyên nhân: Do cơ chế, chính sách, pháp luật về thành lập, quản lý và điều hành hoạt động đối với các ngân hàng thương mại cổ phần còn nhiều bất cập, lỏng lẻo; công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các ngân hàng chưa phát huy tác dụng, thậm chí bị vô hiệu hóa; các ngân hàng thương mại cổ phần đều có bộ phận thanh tra nội bộ nhưng không phát huy được hiệu quả, không phát hiện được sai phạm do bị phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của hội đồng quản trị, sai phạm ở đây là từ quyết định của hội đồng quản trị; việc ban hành Nghị định 52/2006/NĐ ngày 19.5.2006 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Thông tư số 28/2011/NHNN ngày 1.9.2011 quy định việc tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều sơ hở, điều kiện phát hành đơn giản. Thực chất phát hành trái phiếu là để rút tiền của ngân hàng sử dụng trái mục đích, kế hoạch kinh doanh.

Đặc biệt cũng chưa có quy định cụ thể để giám sát việc đầu tư, sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại cổ phần; chưa có chế tài xử lý đối với các hành vi sai phạm trong việc phát hành, sử dụng trái phiếu nhằm để đầu tư “thao túng, thâu tóm” các ngân hàng...

(Còn tiếp)

Theo Thủy Long

hangnt

Thanh niên

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên