MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản lý thị trường vàng bằng công cụ kinh tế?

24-02-2014 - 11:20 AM | Tài chính - ngân hàng

Công cụ chủ yếu của NHNN đối phó với thị trường vàng mới chỉ là đấu thầu vàng vật chất, mà công cụ này không thể sử dụng mãi được, vì NHNN phải mất lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng.

Ngay từ đầu năm, đa số các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đã đưa ra nhiều nhận định về triển vọng thị trường vàng trong năm 2014 một cách khá thận trọng.

Theo dự báo của người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản của Goldman Sachs - Jeffrey Currie, đến cuối năm nay, giá vàng chỉ còn 1.050 USD/oz, đồng nghĩa với việc giảm 16% từ mức giá hiện tại 1.251 USD/oz. Lạc quan hơn một chút, mới đây, Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) đưa ra dự báo giá vàng năm 2014 có thể tăng nhẹ 8,3% so với năm 2013 lên mức khoảng 1.300 USD/oz. Nhưng ngân hàng này cũng đưa ra dự báo giá vàng năm 2015 lại chỉ ở mức 1.200 USD/oz…

Thế nhưng những ngày gần đây, giá vàng thế giới bất ngờ vượt mốc 1.300 USD/oz, thị trường bỗng chốc sôi động hẳn lên sau một thời gian yên ắng. Sự tăng giá này được đánh giá chỉ là hiện tượng “bốc đồng”, không đủ tạo nên sự thay đổi mạnh về giá vàng trong dài hạn. Thực tế trên thị trường thế giới, vàng cũng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn như trước. Thế nhưng việc giá vàng thế giới tăng đã có tác động nhất định đến thị trường trong nước. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm, lại chưa tìm được kênh nào đầu tư khả dĩ hơn, nhiều người đã thử tìm vận may đầu năm ở vàng. Thị trường sôi động trở lại, một lần nữa lại đặt ra vấn đề kiểm soát chênh lệch giá vàng của cơ quan quản lý.

Phải thừa nhận rằng, hơn 1 năm qua, chính sách quản lý thị trường vàng của NHNN đã chuyển vàng từ vị thế là phương tiện thanh toán trở về trạng thái là hàng hóa đơn thuần, khiến giới đầu cơ không có nhiều đất diễn.

Một chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định: “Với việc liên tục tổ chức các phiên đấu thầu vàng, NHNN đã cân đối cung – cầu trên thị trường, đồng thời giúp các NHTM tất toán trạng thái vàng, loại bỏ nguy cơ rủi ro cho hệ thống. Thị trường vàng đã ổn định, không còn các cơn sốt vàng gây bất ổn xã hội, làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá. Nếu theo dự báo và xu hướng kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi sẽ tạo thuận lợi hơn trong điều hành chính sách của NHNN”.

Nhưng ông cũng cho rằng: câu chuyện ứng xử với thị trường mới chỉ là bước đầu. Công cụ chủ yếu của NHNN đối phó với thị trường vàng mới chỉ là đấu thầu vàng vật chất. Mà công cụ này không thể sử dụng mãi được, vì NHNN phải mất lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng vật chất, như vậy sẽ liên quan đến cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối vì vàng là một thành tố trong đó. Và khi bán vàng, NHNN sẽ thu về VND, nhưng lại cần ngoại tệ để nhập khẩu vàng.

Do vậy, bên cạnh tìm lựa chọn giải pháp thay thế cho hoạt động đấu thầu vàng thì NHNN cần phải tính đến việc nên để giá vàng trong nước và thế giới liên thông nhau. Vì theo chuyên gia, “chơi” vàng vật chất nếu không tạo dựng được một khoảng chênh lệch đủ nhỏ giữa giá vàng trong nước với thế giới thì vẫn còn “đất” cho đầu cơ buôn lậu và điều này cũng đã diễn ra dù không phải trên diện rộng. Mặt khác, muốn để bình ổn thị trường vàng thực sự không thể chỉ “giữ” trật tự thị trường mà còn phải bình ổn giá. Theo quan điểm của chuyên gia, việc liên thông giá trong nước và quốc tế sẽ giúp khả năng thu hẹp chênh lệch giá vàng.

Một số chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng đã xây dựng được một lộ trình quản lý vàng khá hiệu quả, thời gian tới, thay vì can thiệp bằng biện pháp hành chính, NHNN nên dùng các công cụ kinh tế. Cũng giống như câu chuyện ô tô, NHNN nên cân nhắc đến phương án đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng. Vì thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những sắc thuế có mức thuế suất cao, thấp nhất cũng là 20%. Nếu vàng miếng phải chịu thuế này, giá sẽ đội lên rất nhiều. Như vậy, chắc chắn người dân sẽ không còn mặn mà đối với mặt hàng này nữa.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, tùy theo quan điểm điều hành thị trường vàng, NHNN nên kết hợp với Bộ Tài chính để đưa ra chính sách thuế đối với mặt hàng đặc biệt này.

Vấn đề đặt ra nữa đối với NHNN đó là chuyển đổi tài sản tài chính này thành nguồn lực đầu tư phát triển. “Kinh tế vĩ mô dần ổn định, nhất là biến động của vàng không còn gây bất ổn cho xã hội là thời điểm thích hợp để huy động vàng trong dân”, một chuyên gia bình luận.

Dù còn nhiều dự đoán khác nhau về sự tăng giảm của giá vàng thế giới, hay chính sách nào sẽ được cơ quan quản lý đưa ra ứng xử với thị trường vàng, nhưng theo chuyên gia này, nền tảng cơ bản để đạt được mục tiêu chống vàng hóa, đô la hóa là ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố lòng tin của người dân vào đồng nội tệ…

Theo Nguyễn Vũ

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên