MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản lý thị trường vàng và ngoại hối : Có thực mới vực được đạo

21-03-2011 - 11:21 AM | Tài chính - ngân hàng

Với một quy mô kim ngạch XNK hàng năm xấp xỉ 150 tỉ USD, mà lượng dự trữ ngoại hối của NHNN chỉ vài chục tỉ USD thì khó có thể đối trọng lại với nhu cầu thị trường.

Đó là nhận định của TS Nguyễn Trọng Tài - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng khi trao đổi với pv xung quanh vấn đề quản lý thị trường vàng và ngoại hối.

- Thời gian vừa qua, việc thực hiện các chính sách quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng đã có những hiện tượng tạm ngừng hoạt động ở thị trường USD tự do còn thị trường vàng liên tục đi xuống. ông có nhận xét gì về những điều này ?

Trên nguyên tắc khi chúng ta lựa chọn mô hình kinh tế thị trường thì việc vận hành nền kinh tế về căn bản phải dựa trên các mối quan hệ cung cầu nhằm quyết định xu hướng biến động của các loại thị trường.

Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh cụ thể thì Nhà nước có thể và rất cần phải can thiệp vào thị trường nhằm “uốn nắn” những biểu hiện lệch lạc của thị trường.

Đối với thị trường hối đoái, do đây là thị trường trao đổi các “hàng hóa đặc biệt” nên càng cần thiết phải có sự điều chỉnh của Chính phủ, thậm chí phải rất mạnh tay nhằm thiết lập lại các xu hướng biến động của thị trường và răn đe sự đầu cơ.

- Hiện nhiều người dân vẫn cất giữ vàng miếng, USD trong nhà. Nếu cấm kinh doanh vàng miếng, DN và người dân đang lo lắng tài sản đó có được nhà nước bảo vệ. Ông nghĩ sao về điều này ?

Theo tôi thì cần tiếp cận theo hướng là: Khi trên thị trường có yếu tố cầu, cho dù là cầu tiêu dùng (cho kinh doanh hay chi tiêu phục vụ cho các quan hệ kinh tế đối ngoại hay du lịch, du học, chữa bệnh,...) hay cầu đầu cơ đi nữa, thì phải có yếu tố cung làm cho cân bằng, lúc này thì tỉ giá sẽ được xác lập.

Vấn đề là ở chỗ, nếu thị trường chính thức không đáp ứng được đầy đủ và kịp thời các nhu cầu của dân chúng hay các DN, tổ chức, thì lúc đó thị trường tự do sẽ có cơ hội phát triển.

Theo hướng tiếp cận như vậy có thể thấy rằng: nếu các nhu cầu về ngoại tệ không được đáp ứng đầy đủ và kịp thời trên thị trường chính thức (các TCTD) càng nhiều, thì thị trường tự do càng “có giá” và tất yếu giá trên thị trường tự do sẽ cao.

Vậy là mấu chót lúc này chính là ở chỗ làm thế nào để thị trường chính thức có thể “dẫn dắt” thị trường ngoại hối mà thôi. Muốn làm được điều này thì các TCTD phải “tích trữ” đủ số lượng ngoại hối cần thiết.

Tuy nhiên, theo Luật các TCTD sửa đổi thì mục tiêu của các TCTD là lợi nhuận, nên đừng quá hi vọng các tổ chức này sẽ “tự nguyện” đi theo mong muốn của NHNN. Vậy thì lúc này chỉ có thể là làm thế nào để NHNN có đủ lực lượng dự trữ ngoại hối trong tay?

Với một quy mô kim ngạch XNK hàng năm xấp xỉ 150 tỉ USD, mà lượng dự trữ ngoại hối của NHNN chỉ chưa đến vài chục tỉ USD thì làm thế nào có thể đối trọng lại với nhu cầu thị trường. Ai cũng hiểu rằng “có thực mới vực được đạo”. Vậy làm thế nào để NHNN có đầy đủ sức mạnh trong tay ?

- Vậy với chính sách quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng đang được thực hiện, thị trường vàng, USD sẽ bình ổn trong thời gian tới, thưa ông ?

Tâm lý của người dân VN từ xưa đến nay là “tích cốc phòng cơ”. Đây là tâm lý rất tốt để phục vụ cho phát triển kinh tế. Chúng ta nên quan niệm rằng vấn đề tích lũy của cư dân là để “tăng cường tiêu dùng trong tương lai”.

Vì vậy công cụ nào tốt phục vụ cho những yêu cầu chính đáng này thì cư dân sẽ tìm đến để bảo toàn cho số thu nhập của mình.

Từ xưa đến nay, vàng vốn được xem là một công cụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu này. Hơn nữa, thực tế cũng minh chứng rằng, hễ có bất cứ cú sốc tài chính nào thì người dân sẽ tìm nơi “trú ẩn” là vàng. Tuy nhiên, tâm lý này diễn ra hơi thái quá ở VN.

Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác chống lạm phát. Bởi nếu điều này được thực thi tốt thì sẽ giảm bớt tâm lý của dân chúng lo ngại tìm chỗ trú ẩn.

Nên có các cách thức giải thích để dân chúng hiểu rằng việc mua vàng là rất rủi ro và phần nhiều người dân bị thua thiệt, bởi vàng chỉ tăng giá tạm thời, một khi khủng hoảng tài chính toàn cầu được xử lý triệt để ở các nước, thì vàng lại quay trở về đúng với giá trị vốn có của nó mà thôi.

Tôi có một niềm tin rằng, nếu chúng ta chống lạm phát thành công thì người dân sẽ tự nhận thấy rằng nắm giữ vàng đâu tạo ra thu nhập, hoặc sự tăng giá vàng trong tương lai là không thể thì họ sẽ tìm cách chuyển nó sang nắm giữ các công cụ khác mang lại lợi ích cho họ nhiều hơn.

Vấn đề là hệ thống TCTD hay thị trường chứng khoán... cần cho họ hiểu rõ điều này và tìm đến các công cụ phù hợp, vừa thu lợi ích cao hơn, vừa thiết thực phục vụ cho sự phát triển kinh tế đất nước.

- NHNN đang dự thảo nghị định thay thế Nghị định 202/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trong đó, nâng mức xử phạt tối đa bằng tiền từ 70 triệu đồng lên 500 triệu đồng, tăng 714% (trên 7 lần). Việc sửa đổi nghị định trong thời điểm này có phù hợp, liệu mức sử phạt ấy có tác động được tới việc thực hiện bình ổn vĩ mô của nền kinh tế, thưa ông ?

Một khi lợi ích thu được lớn hơn so với chi phí phải bỏ ra, thì hoạt động đầu cơ lũng đoạn thị trường vẫn diễn biến phức tạp.

Từ đó có thể thấy rằng việc nâng mức xử phạt của các nhà chức trách tiền tệ là để làm tăng mức phí tổn của hoạt động đầu cơ là cần thiết hiện nay.

Mức tăng đến đâu phải tính cho cụ thể, tốt nhất là tăng thật nặng và xử lý phải quyết liệt, các cơ quan chức năng liên quan phải có sự vào cuộc đồng bộ và rốt ráo.

- Là chuyên gia nghiên cứu sâu về lĩnh vực này, theo ông để ổn định lâu dài cho thị trường ngoại hối, thị trường vàng, thị trường tài chính cần có những giải pháp gì ?

Chúng ta đang trong lộ trình hội nhập tài chính ngày càng sâu rộng với các thị trường khu vực và quốc tế. Thị trường ngoại hối phải ổn định thì mới mong ổn định ngoại thương, cái “lợi” chúng ta thu về mới ổn định.

Thực tế những năm qua cho thấy, thị trường ngoại hối của chúng ta chưa ổn định, thị trường liên ngân hàng hoạt động chưa hiệu quả, chưa đủ sức dẫn dắt thị trường, bởi quy mô giao dịch còn khá nhỏ, các TCTD chưa đáp ứng được các nhu cầu đa dạng của người dân và tổ chức kinh tế - xã hội.

Giải pháp theo tôi vẫn là nhà nước phải nắm trong tay một lực lượng dự trữ ngoại tệ hùng hậu, tốt nhất làm thế nào để phần lớn nguồn thu về ngoại tệ tập trung trong tay NHNN. các nhu cầu về ngoại tệ thông qua các trung gian tài chính (chủ yếu là các NHTM) sẽ được phản hồi về NHNN thông qua một đầu mối nào đó để xử lý tập trung (thực tế cho thấy rằng mặc dù NHNN đã có nhiều chủ trương quyết sách đúng về quản lý ngoại hối, song rất khó đi vào thực tế, do các quan hệ lợi ích rất phức tạp giữa các TCTD và DN, nên có không ít giao dịch nằm ngoài tầm kiểm soát của NHNN).

Về lâu dài, cái gốc của vấn đề nằm ở cán cân thương mại của VN hiện nay có bất cập triền miên. Làm thế nào để thăng bằng tiến tới thặng dư cán cân thương mại vẫn là một vấn đề lớn. Việc điều chỉnh tỉ giá cũng là một giải pháp đúng để xử lý bất cập này.

Song căn bản phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế, rà soát lại các chiến lược kinh doanh nhằm hướng tới khai thác, phát triển các lợi thế so sánh mới. Bởi suy cho cùng, việc điều chỉnh tỉ giá cũng có hai mặt.

Hơn nữa, ở VN, việc điều hành tỉ giá cũng rất khó khăn do các công cụ lãi suất và tỉ giá chưa được gắn kết nhau. Làm thế nào để gắn kết được hai công cụ này trong điều hành vẫn là một vấn đề lớn.

Khi đó, chỉ cần điều chỉnh lãi suất là tỉ giá sẽ có sự chuyển động ngay, không cần phải có sự hiện diện của NHTƯ trên thị trường ngoại hối hoặc có can thiệp thì hiệu quả cũng sẽ là tức thời.

- Xin cảm ơn ông !

Theo Thanh Xuân
DDDN

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên