MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy định không rõ, án tù lửng lơ

10-07-2015 - 12:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Có những quy định pháp luật khiến toà xử phạt hành chính hay án tù đều được

Trong khi Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì các điều luật, đặc biệt là Điều 210 Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), dường như hướng đến sự trói buộc nguồn vốn này. Sự “lập lờ” trong những quy định khiến rất khó phân định rõ ràng vi phạm nào sẽ bị xử lý hành chính, vi phạm nào cần xử lý hình sự. Đồng thời, nó bỏ ngỏ khả năng tăng nặng trong xử lý các vi phạm hoạt động tín dụng của TCTD, làm “nhụt chí” cán bộ tín dụng.

Lập lờ quy định

Điều 210 về tội vi phạm quy định trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài tại Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu quy định mức phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 - 7 năm cho một số tội danh. Với quy định tăng nặng, nếu phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm; phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ 1 - 5 năm.

Các chuyên gia trong lĩnh vực NH cho rằng, các quy định tại Điều 210 đưa ra hình thức phạt không rõ ràng về ranh giới giữa hành chính và hình sự, đồng thời rất “mơ hồ” về xác định mức độ tăng nặng của vi phạm. “Quy định như thế này thì chết. Luật cần cụ thể hoá, cần có ranh giới rõ ràng giữa hành chính và hình sự”, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực NH thảng thốt.

Cũng có chung băn khoăn như trên, Hiệp hội NH Việt Nam đặt câu hỏi, trường hợp nào hành vi phạm tội được xem là gây hậu quả nghiêm trọng? Đương nhiên, để xác định mức độ thế nào là nghiêm trọng cần căn cứ trên nhiều khía cạnh, nhất là hậu quả thiệt hại về tài sản.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự, trên thực tế các trường hợp cán bộ nhân viên NH khi bị xét xử về hành vi vi phạm quy định cho vay đều căn cứ vào thiệt hại thực tế, như số tiền của NH bị chiếm đoạt, tài sản đảm bảo bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại trái phép. Các thiệt hại phi vật chất cũng chỉ xem xét để đánh giá khi lượng hình, định tội trong một số trường hợp phạm tội cụ thể.

Chính vì vậy, Hiệp hội cũng cho rằng: “Quy định như vậy là khá chung chung, không có ranh giới để phân biệt giữa lỗi cố ý và rủi ro kinh doanh”.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, TS. Nguyễn Đình Quyền thừa nhận, việc thiếu định lượng hậu quả trong Điều 210 và không phân biệt ranh giới giữa chế tài xử lý hành chính, xử lý hình sự dễ tạo kẽ hở để các cơ quan thực thi pháp luật lạm quyền.

Dòng tín dụng có bị cản lại?

Trên thực tế, nhiều trường hợp chỉ cần cán bộ NH cho vay vi phạm quy định của NH cũng đã có thể bị tố cáo ra cơ quan điều tra. Từng có trường hợp, cán bộ tín dụng phụ trách một khoản vay và sau đó không thể thu hồi vốn. Sau khi rà soát quy trình, NH phát hiện cán bộ này không đi kiểm tra kho hàng định kỳ theo đúng quy trình đề ra. Cán bộ này đã bị quy kết là vi phạm trong hoạt động cho vay và đưa ra cơ quan điều tra để buộc phải chịu trách nhiệm hình sự…

Theo các chuyên gia NH, những vụ việc như vậy không nên viện dẫn đến Bộ luật Hình sự, bởi lỗi nhân viên chỉ vi phạm quy định nội bộ của NH. Trong trường hợp muốn buộc tội ai đó thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải chỉ ra một cách rõ ràng người đó vi phạm điều nào, khoản nào, luật nào, chứ không thể quy kết phạm tội chỉ vì vi phạm quy định nội bộ của một DN. Đây là quan hệ dân sự và trong trường hợp này, cán bộ tín dụng chỉ có thể bị xử lý kỷ luật, buộc thôi việc và yêu cầu bồi thường dân sự nếu có thiệt hại…

Cũng vì những lẽ nêu trên, điều đáng lo là nếu không được xem xét lại, quy định này sẽ cản trở hoạt động vay tín chấp, vốn được xem là nguồn tài chính quan trọng hỗ trợ phát triển kinh tế trong thời gian tới. Bởi khi cho vay tín chấp, nếu khách hàng không trả được nợ thì cán bộ NH có nguy cơ bị khép tội vi phạm quy định cho vay và có thể bị phạt tù từ 1 - 7 năm. Vậy, liệu cán bộ NH có mặn mà với hoạt động cho vay tín chấp hay không?

Đặt vấn đề trong bối cảnh NH rộng cửa cho vay nhưng DN vẫn đang khát vốn, ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT CTCP tập đoàn Thái Bình Dương cảnh báo, việc cán bộ NH lo án treo trên đầu có thể “ngại” cho vay tín chấp.

Đó sẽ là tình huống bất lợi cho DN, khi nhiều dự án đang cần khởi động lại để đón đầu xu hướng phục hồi kinh tế, nhưng chủ đầu tư không còn tài sản tín chấp để vay vốn. Mà thực tế là mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị và Thống đốc NH Nhà nước Việt Nam đã có văn bản khuyến khích các TCTD cho vay tín chấp, nhưng các TCTD vẫn ngại mở rộng cho vay tín chấp do các quy định của pháp luật hiện hành chưa rõ ràng và đồng bộ, trường hợp Điều 210 nêu trên là ví dụ.

 

Theo Dương Công Chiến

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên