MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắp khai tử dự án thép ngàn tỷ: Các ngân hàng đau đầu

28-05-2015 - 08:13 AM | Tài chính - ngân hàng

Chủ đầu tư hứa sẽ có phương án để dự án tiếp tục thực hiện nhưng sau đó lại bỏ bê, khiến các ngân hàng đau đầu. “Nói khai tử dự án là dọa thôi, cái khó nhất bây giờ là bảo vệ tài sản trong đó”, lãnh đạo một ngân hàng than.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, các ngân hàng cho Cty Gang thép Hà Tĩnh (Cty GTHT) vay, gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (VDB Hà Tĩnh), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (BIDV Hà Tĩnh) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (Vietcombank Hà Tĩnh), đã giải ngân cho Cty GTHT hơn 800 tỷ đồng. Trong đó, VDB Hà Tĩnh giải ngân gần 700 tỷ đồng, Vietcombank Hà Tĩnh 72 tỷ đồng, BIDV Hà Tĩnh 49 tỷ đồng. Cách đây hai năm, các ngân hàng đưa khoản nợ này vào mục nợ xấu.

“Đến giờ phút này, VDB Hà Tĩnh đang cố gắng liên hệ với chủ đầu tư họp để thông báo nhưng rất khó. Giờ các cổ đông triệu tập để bàn giải pháp là rất khó”, ông Võ Tá Nam, Phó giám đốc VDB Hà Tĩnh, nói. “Nói thật, tài sản đảm bảo tiền vay ở trong nhà máy, có nhiều cái chủ đầu tư cũng không nắm được, chứ nói gì phía ngân hàng. Máy móc nhập về do tổng thầu Trung Quốc đảm nhiệm, chỉ khi nào tổng thầu sang để lắp đặt, mở ra mới biết được những gì đã đầu tư. Giờ phải kiểm toán lại toàn bộ mới có đánh giá được giá trị tài sản đã đầu tư thế nào, còn lại những gì sau nhiều năm bỏ hoang”, ông Nam nói.

Về phương án xử lý sau thu hồi, lãnh đạo VDB Hà Tĩnh cho biết, đang liên hệ với chủ đầu tư để họp bàn giải quyết. “Lâu nay tìm cổ đông mới để cơ cấu, nếu có phương án cơ cấu hợp lý, phía ngân hàng tiếp tục hỗ trợ. Tập đoàn thép Pomina vào kiểm tra để đầu tư nhưng rất khó”, ông Nam cho hay. Năm 2007, dự án là biểu tượng cho sự phát triển của tỉnh nghèo, được tọa lạc trên khu đất vàng.

“Thời điểm đó, VDB thẩm định dự án này là rất khả thi nên mới ưu ái cho vay như thế. Lúc đó Vạn Lợi đang là một điển hình của ngành thép, ngành thép đang rất thịnh”, lãnh đạo VDB Hà Tĩnh nói.

Ông Kiều Đình Hòa, Giám đốc BIDV Hà Tĩnh, cho biết, việc thu hồi được tỉnh Hà Tĩnh đưa ra tại nhiều văn bản. Theo quy định, việc giải ngân song song, nhưng đến lúc chủ đầu tư không có vốn thì dừng lại, trì trệ dẫn đến các ngân hàng “chết” theo. “Các ngân hàng họp bàn đưa ra phương án bảo vệ mà chưa được vì tình hình an ninh trong ấy phức tạp”, lãnh đạo Ngân hàng BIDV Hà Tĩnh nói.

Lãnh đạo các ngân hàng cho Cty GTHT vay như ngồi trên đống lửa, bởi tài sản thế chấp cho những khoản vay trên chính là máy móc, thiết bị của dự án. Máy móc ngày một gỉ thêm, trong khi giám đốc Cty luôn đi vắng, và không dễ liên lạc qua điện thoại. Gần 100 con em Hà Tĩnh được Cty GTHT đưa đi học luyện gang, thép nay đã học xong nhưng đang thất nghiệp.

 

Theo Minh Thùy - Việt Đức

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên