MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ căng thẳng mùa ĐHCĐ

26-01-2015 - 12:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Mùa ĐHCĐ NH năm nay được dự báo sẽ có nhiều tình tiết gay cấn khi các thương vụ M&A dự kiến được đệ trình cổ đông thông qua, các kế hoạch tăng vốn, niêm yết bất thành, nợ xấu tăng, lợi nhuận thấp, cổ tức không còn… là những điểm nóng được cổ đông, nhà đầu tư quan tâm.

Nóng từ các thương vụ MA

Một số nhà băng cho biết sẽ tiến hành ĐHCĐ ngay sau tết Nguyên đán. Mở màn có lẽ là Nam A Bank dự kiến sẽ tiến hành đại hội vào tháng 3-2015. Một trong những điểm đáng chú ý được HĐQT Nam A Bank dự kiến đệ trình cổ đông thông qua là việc sáp nhập NH khác và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào tháng 6-2015.

Thông tin về việc Nam A Bank sẽ M&A với một NH khác được dư luận và thị trường quan tâm trong thời gian gần đây, nhưng đối tác của Nam A Bank là ai và liệu sau M&A thương hiệu của nhà băng này có còn tồn tại vẫn là dấu chấm hỏi.

Lãnh đạo Nam A Bank chỉ cho biết đang xây dựng văn kiện để trình ĐHCĐ trong kỳ họp, đồng thời đã có một vài đối tác tìm đến để đặt vấn đề. Tuy nhiên, thông tin về đối tác tạm thời chưa tiết lộ vì phải đợi phê duyệt cuối cùng của NHNN. Việc niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE cũng sẽ xin ý kiến các cổ đông tại kỳ họp này.

Một trong những điểm nhấn trong quá trình tái cấu trúc hệ thống TCTD năm nay là kiên quyết xử lý pháp nhân đối với những đơn vị yếu kém, kể cả phải sử dụng biện pháp giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc. Do đó, với những nhà băng nợ xấu cao, lợi nhuận thấp, cổ tức không còn sẽ phải tính đến M&A và tiến hành trình ĐHCĐ thông qua.

Ông Nguyễn Phước Thanh,Phó Thống đốc NHNN

Tuy nhiên, không phải tất cả những vấn đề được NH đệ trình ĐHCĐ cũng sẽ được thông qua, mọi thứ đều phụ thuộc vào việc chấp thuận của ĐHCĐ cũng như các cơ quan, ban ngành. Điển hình thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank cũng từng gây xôn xao dư luận khi ĐHCĐ kỳ họp năm 2014 của 2 nhà băng này khiến nhiều cổ đông bức xúc.

Mặc dù sau đó thương vụ sáp nhập đã được NHNN chấp thuận về mặt chủ trương, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua chính thức sau gần 1 năm công bố. Kỳ ĐHCĐ năm nay của Sacombank cũng dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 3-2015 và nhiều vấn đề được HĐQT NH đệ trình cổ đông thông qua, trong đó có việc sáp nhập Southern Bank, tỷ lệ cổ tức và chỉ tiêu lợi nhuận 2015.

Năm 2014, Sacombank là một trong những NH hoàn tất được chỉ tiêu lợi nhuận ở mức cao 3.000 tỷ đồng trước thuế và chỉ tiêu dự kiến đưa ra cho năm 2015 cao hơn mức này. Do vậy cổ đông chờ đợi ở kỳ ĐHCĐ Sacombank là tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu khi chính thức sáp nhập. Đây chính là vấn đề gay cấn trong thương vụ sáp nhập, bởi Sacombank không hề hào hứng “ôm” thêm nợ xấu Southern Bank, sáp nhập Southern Bank sẽ kéo lùi sự phát triển của Sacombank ít nhất 2 năm.

Ngoài các thương vụ đã lộ diện như: Sacombank sáp nhập Southern Bank, MaritimeBank sáp nhập MDB, Vietcombank sáp nhập Saigonbank hay BIDV sáp nhập MHB, VietinBank cũng phải ôm thêm một NH nhỏ khác theo chủ trương NHNN.

Trên thị trường còn xuất hiện thông tin DongA Bank có khả năng về chung nhà ABBank và không loại trừ NH Xây dựng (VNCB), NH Đại Dương (Oceanbank) cũng bị sáp nhập khi chủ tịch của các nhà băng này rơi vào vòng lao lý. VNCB vừa tổ chức ĐHCĐ bất thường nhưng không thành do tỷ lệ tham dự không đủ.

Chủ trương của NHNN đưa ra năm nay là giảm khoảng 6-7 NH trong hệ thống. Vì thế, lãnh đạo NHNN cho hay sẽ có ít nhất 6 thương vụ M&A NH sẽ được xem xét và sớm thông qua trong 6 tháng đầu năm để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu.

Đến nợ xấu, lãi thấp, cổ tức không còn

Trên thực tế, lợi nhuận của các NH quy mô vừa và nhỏ dần sụt giảm trước áp lực nợ xấu tăng đòi hỏi trích lập cao, trong khi biên lợi nhuận cho vay - huy động dần thu hẹp đang là thách thức cho các NH. Phó Chủ tịch HĐQT một NH có quy mô vốn trên 10.000 tỷ đồng cho biết, nếu tính theo biên lợi nhuận 3% với hơn 88.000 tỷ đồng dư nợ cho vay khách hàng trong năm qua, nhà băng này sẽ thu về khoảng 260 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trước trích lập dự phòng.

Thế nhưng, do nợ xấu, nhất là nợ nhóm 3-5 tăng mạnh nên đòi hỏi trích dự phòng lớn, lợi nhuận còn lại của NH phụ thuộc vào khoản trích lập dự phòng rủi ro, dự kiến vài chục tỷ đồng so với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra ban đầu gần 2.000 tỷ đồng; tỷ lệ cổ tức dự kiến đưa ra 8,5% khả năng cũng khó thực hiện nên HĐQT sẽ trình ĐHCĐ việc xin không chi trả cổ tức năm 2014.

Tại DongA Bank, lợi nhuận trước thuế (trước dự phòng rủi ro) ước đạt gần 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT DongA Bank, khả năng sau trích lập dự phòng rủi ro lợi nhuận còn lại còn hơn 200 tỷ đồng, hoàn tất khoảng 50% chỉ tiêu lợi nhuận nhà băng này đưa ra cho năm 2014.

Bởi nợ xấu của DongA Bank đã tăng khá mạnh trong năm 2014, chỉ 9 tháng đầu năm đã tăng đến 6,8%. Cho dù DongA Bank đã nỗ lực bán trên 3.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, song vẫn phải trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt nhận lại. Vì thế, khoản dự phòng rủi ro đã “ăn” hết lợi nhuận của DongA Bank nên nhiều khả năng mức cổ tức đưa ra khiêm tốn 5-6% cho 2014 cũng khó thực thi.

Bên cạnh đó, với kế hoạch tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng trong năm qua của DongA Bank cũng bất thành trong việc huy động 1.000 tỷ đồng vốn của cổ đông hiện hữu… Đây là những vấn đề nóng phải được HĐQT thẳng thắn thừa nhận và cần sự chia sẻ với các cổ đông trong kỳ đại hội này.

Trên thực tế, việc nói “không” với cổ tức trước tình hình hiện nay không phải là chuyện mới với một số NH, vì mọi nguồn lực đều phải tập trung cho quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu. Đơn cử như SCB, lợi nhuận năm 2014 hoàn thành kế hoạch 121 tỷ đồng trước thuế, nhưng cho biết vẫn không chia cổ tức năm 2014 và cả năm 2015.

Do vậy, trong kỳ ĐHCĐ lần này, SCB dự trình tiếp kế hoạch tăng vốn thêm 1.500-2.000 tỷ đồng khó lòng được cổ đông thông qua, cho dù nhà băng này đang trong quá trình hoàn tất việc tăng vốn.

Bên cạnh đó, để đáp ứng lộ trình của Thông tư 36, các NH đang sở hữu chéo trên 2 TCTD khác cũng phải tính đến chuyện thoái vốn theo lộ trình trong 1 năm về mức tối đa 5%. Đây cũng là một trong những vấn đề sẽ được nhiều HĐQT NH đệ trình ĐHCĐ năm nay.

Cụ thể, Vietcombank sẽ lên kế hoạch thoái vốn 8% tại Eximbank, vì hiện ngoài Eximbank, Vietcombank còn chi phối tại 4 TCTD khác với tỷ lệ trên 5%. Trong tình thế ngược lại, Eximbank thoái bớt vốn tại Sacombank bởi hiện Eximbank nắm giữ 9,7% vốn tại Sacombank. Trong kỳ ĐHCĐ năm nay, khả năng nhân sự cấp cao tại một số NH sẽ tiếp tục biến động trước làn sóng M&A đang ngày một sôi động.

>>> Kịch bản sáp nhập ngân hàng 2015: Khả năng nào từ Vietinbank?

Theo Bảo Lâm

PV

Sài Gòn đầu tư

Trở lên trên