MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp Vietinbank xác nhận đề nghị Chính phủ cho nới room, có thể cao hơn mức 40%

28-08-2015 - 13:41 PM | Tài chính - ngân hàng

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank (mã CTG) cho biết ngân hàng đang đề nghị Chính phủ và NHNN về việc nới room. Theo đó, việc nới room có thể theo lộ trình lên 30%, 35%, 40% và những mức khác nữa.

“Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất, chưa có gì rõ ràng và việc quyết định là do Nhà nước. Vietinbank chỉ đề xuất nới room có đính hướng, mức nào là do Chinh phủ, cơ uan có thẩm quyền quyết định, nhưng ít nhất Nhà nước phải nắm giữ 51% để đảm bảo quyền chi phối, quản lý”, ông Thọ cho biết.

Theo ông Thọ, việc nới room đang là xu hướng. Vừa rồi Chính phủ quyết định cho nới room cho một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn mà không thuộc lĩnh vực kiểm soát, nắm giữ tỷ lệ nhất định. Những doanh nghiệp này cũng đã được nới room lên mức tối đa là 100%,.

“Điều này thể hiện cam kết của Chính phủ về mở cửa hội nhập, cởi mở chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để đây mạnh sản xuất hoạt động kinh doanh. Ngân hàng cũng được xem xét việc này”, ông Thọ nhận định.

Tuy nhiên, ngân hàng thì khác hơn nên mức độ, liệu lượng và thời điểm sẽ do Chính phủ quyết định. “Tôi chỉ nhận định đây là việc có tính xu thế như vậy. Còn mức độ, liều lượng cũng như thời điểm như thế nào là do Chính phủ quyết định dựa trên những yếu tố như yêu cầu về quản lý, mục tiêu của nền kinh tế…”, ông Thọ phân tích.

Ông Thọ cho rằng việc nới room sẽ tác động tích cực tới Vietinbank như thu hút thêm nhà đầu tư mới, thu hút được thêm nguồn lực tài chính, sự hợp tác của các đối tác và mức độ hợp tác sẽ sâu sắc hơn.

“Ý tôi muốn nói là sự hợp tác có cả kinh nghiệm và cơ hội kinh doanh sẽ được tăng cường nhiều hơn và có điều kiện để nâng cao năng lực tài chính với tốc độ nhanh hơn nhưng Nhà nước vẫn giữ quyền kiểm soát. Theo đó, với tỷ lệ sở hữu nhất định, Nhà nước vẫn giữ được quyền kiểm soát, chi phối, quản lý nhưng ngân hàng vẫn có điều kiện để thu hút thêm nguồn lực của xã hội trong nước và ngoài nước trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng”, ông Thọ nhấn mạnh.

Ông Thọ cũng khẳng định việc nới room chỉ mới là đề xuất, thời gian và liều lượng là do Chính phủ quyết định. Còn việc tăng vốn là do Vietinbank chủ động bằng nguồn vốn của mình. Trong phương án tăng vốn, Vietinbank có phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước để thảm mãn điều kiện về vốn tự có cấp 2.

Về kế hoạch sáp nhập PGBank vào hệ thống, ông Thọ cho biết cả hai biên đang xúc tiến khẩn trương để kết thúc vào 30/9 năm nay.

CTCK TP.HCM (HSC) cho biết theo kế hoạch, Vietinbank dự kiến sẽ phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn không có tài sản đảm bảo để tăng vốn cấp 2 trong 2015, trong đó 4.500 tỷ đồng đã được phát hành trong quý II/2015.

“Được biết, việc tăng vốn là do Vietinbank mong muốn duy trì tỷ lệ CAR trên mức yêu cầu của NHNN theo Thông tư 36 (mức hiện tại là khoảng 10,4%) và theo Basel 2 (có khả năng sẽ tác động làm giảm 1% tỷ lệ CAR so với mức quy định của Thông tư 36). Trong bối cảnh nay, việc Chính phủ cho phép nới room sẽ là một khả năng để ngân hàng xem xét phương án tăng vốn trong ba năm tới nhằm duy trì tỷ lệ CAR. Trong ngắn hạn, Vietinbank sẽ cải thiện hệ số CAR thông qua sáp nhập với PGBank, phát hành cổ phiếu thưởng và tăng vốn cấp 2”, HSC bình luận.

HSC cho rằng với những thông tin nới room của Vietinbank, nhà đầu tư đang chờ lý do để mua vào trở lại cổ phiếu ngân hàng. Sau đợt điều chỉnh mạnh của cổ phiếu ngân hàng, thị trường đang sẵn sàng đón chờ những thông tin tốt trong ngành.

“Tuy nhiên những phát biểu nêu trên được coi là một phần trong một kế hoạch chung cho vài năm tới và những kế hoạch như vậy sẽ phải xem xét tất cả các phương án hợp lý. Bao gồm cả phương án có sự thay đổi quy định pháp lý. Chúng tôi cảm thấy rằng hiện Vietinbank chưa có kế hoạch cụ thể ngay cả khi giả định là room của cổ phiếu ngân hàng sẽ được nới ở một mức độ nhất định", báo cáo của HSC bình luận.

Hiện CTG đang chịu áp lực cải thiện hệ số CAR và khả năng áp dụng hệ thống tiêu chuẩn Basel 2, nếu dự thảo thông tư sớm được ban hành, hoàn toàn có khả năng ngân hàng sẽ thực hiện những phương án tăng vốn khi có thể.

Do đó, các chuyên gia của HSC cho rằng khả năng nới room cho cổ phiếu ngân hàng (bao gồm cả Vietinbank) trước khi hết năm 2016 là khó thành hiện thực.

Theo TRẦN GIANG

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên