MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Sình lầy" nợ xấu, đại gia ngân hàng vẫn đua nhau “ôm” công ty tài chính?

23-10-2015 - 08:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù các công ty tài chính làm ăn thua lỗ, nợ xấu dâng cao đến hàng chục phần trăm nhưng các ngân hàng vẫn tính chuyện sáp nhập, mua lại.

“Mua đứt” một công ty tài chính được xem là bước “đi tắt đón đầu” của các ngân hàng nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển bán lẻ, khai thác tiềm năng lớn của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam và hướng tới mục tiêu cao nhất: xây dựng mô hình tập đoàn tài chính đa năng, cung cấp các giải pháp tài chính trọn gói, chuyên sâu cho khách hàng.

Các nhà băng cho rằng việc mua hoặc sáp nhập lại các công ty tài chính là góp phần hỗ trợ các cổ đông nhà nước tại các công ty này triển khai thoái vốn ngoài ngành theo định hướng của Chính phủ về tái cơ cấu các TCTD.

Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là các công ty tài chính được mua lại trong thời gian gần đây đều làm ăn thua lỗ và có tỷ lệ nợ xấu rất cao đã khiến cổ đông các ngân hàng không khỏi lo ngại.

Tại ĐHCĐ bất thường của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) diễn ra cách đây không lâu, hàng loạt câu hỏi đã đươc cổ đông đưa ra chất vấn như: Hiện nay Công ty Tài chính Sông Đà (SDFC) có tỷ lệ nợ xấu tới hơn 80% (khoảng hơn 500 tỷ), cơ sở nào để SDFC có thể cải thiện? Việc định giá cổ phiếu công ty tài chính là bao nhiêu? Theo đánh giá của cổ đông thì có thể giá trị của SDFC chỉ còn 0 đồng…

Trước những câu hỏi này, lãnh đạo MB chỉ nói chung chung về tình hình của SDFC, và rằng MB tin tưởng công ty hoạt động sẽ tốt, có lợi nhuận ngay năm đầu tiên. Rồi năm sau sẽ có nhà đầu tư chiến lược vào và sẽ cùng MB hỗ trợ cho công ty tài chính...

Báo cáo tài chính mới nhất của SDFC cho thấy, đến 30/6/2015 công ty có tổng tài sản 999 tỷ đồng, trong đó riêng các khoản nợ phải thu là 726 tỷ đồng – chiếm hơn 72% tổng tài sản. Khoản nợ phải thu này đã giảm tương đối so với mức hơn 960 tỷ phải thu hồi cuối năm 2014. Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo là 12% trên dư nợ cho vay. Lợi nhuận sau thuế của SDFC trong 6 tháng đầu năm cũng sụt giảm mạnh khi chỉ đạt 653 triệu đồng, giảm 75% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, thương vụ sáp nhập giữa Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Công ty Tài chính Vinaconex - Viettel (VVF) cũng đang là mối quan tâm của thị trường khi chỉ còn một ngày nữa là diễn ra ĐHCĐ bất thường.

Phía SHB thừa nhận, tỷ lệ nợ xấu của VVF tăng mạnh trong 5 năm từ năm 2010 đến năm 2014, điển hình là năm 2014, tỷ lệ nợ xấu lên đến ngưỡng 70,12% và giảm còn 35,25% vào cuối tháng 6 năm nay trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm 54 tỷ đồng.

Sau khi tăng trưởng khởi sắc vào năm 2011, VVF bắt đầu hoạt động không hiệu quả thông qua khối tài sản liên tục tăng trưởng âm. Đến năm 2014, tổng tài sản của công ty này giảm 55% so với năm 2012 còn 1.150 tỷ đồng. Đến thời điểm 30/6/2015, quy mô tổng tài sản của VVF là 1.230 tỷ đồng.

Kết quả lợi nhuận của VVF cũng liên tục trượt dốc kể từ năm 2011. Đến năm 2014, lỗ sau thuế của VVF là 12,1 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thua lỗ là sự gia tăng của chi phí dự phòng cho các khoản trái phiếu và tiền gửi quá hạn cùng chi phí dự phòng cho vay khách hàng.

Trước đó, ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT ngân hàng SHB cho biết, giá trị tài sản và lợi nhuận của của VVF khi sáp nhập vào SHB cao hơn mệnh giá 10.000 đồng chính vì thế đây là món “hời” mà SHB “may mắn” có được. Người đứng đầu ngân hàng SHB thậm chí đã ví von hóm hỉnh “VVF như một cô gái đẹp, lành mạnh được SHB ‘cưới’ về và ngay sau khi ‘cô con dâu” VVF về SHB đã có lãi luôn...

Các ngân hàng sẽ gánh nợ như thế nào?

Trước quan ngại của các cổ đông khi ngân hàng đứng ra mua lại một công ty làm ăn đi xuống và nợ xấu lớn, phía các ngân hàng trấn an rằng họ sẽ hỗ trợ để vực dậy các cá thể yếu kém này.

Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng MB, liên quan đến khoản vay, khoản phải thu lớn của SDFC mà MB sẽ phải “ôm” về khi áp nhập, ông Lưu Trung Thái cho biết, đã làm việc với 2 tổ chức là Sudico và Sông Đà Thăng Long. Hiện Sudico còn dư nợ vay hơn 200 tỷ đồng, chủ yếu vay đầu tư bất động sản, tài sản còn sở hữu 49.500m2 đất tại Nam Khánh và được định giá hơn 450 tỷ đồng.

Còn Sông Đà Thăng Long có nợ vay 450 tỷ đồng thì khó khăn thu hồi hơn. MB đã tìm kiếm một vài đối tác để thay thế Sông Đà Thăng Long để tái cơ cấu và đánh giá vào giá trị doanh nghiệp.

Sau khi sáp nhập VVF, HĐQT SHB xác định cùng với lãnh đạo của VVF và các cá nhân có liên quan có trách nhiệm tiếp tục phối hợp SHB xử lý, thu hồi các khoản nợ tồn đọng, nợ xấu của VVF sau sáp nhập vào SHB, đặc biệt là khoản VVF đầu tư mua 150 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Tập đoàn Vina Megastar được Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) bảo lãnh.

Nhìn trước được khó khăn, các ngân hàng cũng lần lượt kiến nghị miễn thuế. MB xin miễn 20% thuế TNDN trong 3 năm tài chính đầu tiên sau khi sáp nhập. Đối với công ty tài chính tiêu dùng MB mới thành lập được miễn 100% thuế TNDN trong 3 năm đầu tiên kể từ ngày thành lập và được miễn 50% thuế TNDN trong 2 năm tài chính tiếp theo.

SHB cũng xin miễn 100% thuế TNDN từ năm 2013 đến năm 2017 và miễn 20% thuế TNDN trong 3 năm tiếp theo sau khi nhận sáp nhập VVF và Habubank hồi năm 2012. Được biết cho đến nay SHB vẫn đang mòn mỏi chờ đợi được miễn thuế theo đề xuất khi nhận nhập Habubank.

Trước đây khi nhận sáp nhập với Habubank, tỷ lệ nợ xấu của SHB ở mức thấp (năm 2010 là 1,4%, 2011 là 2,23%). Sau khi sáp nhập, tỷ lệ này đã tăng lên 8,81% vào năm 2012, tuy nhiên đã giảm xuống còn 4,06% vào năm 2013. Tại thời điểm 30/6/2015, tỷ lệ này là 2,48%. Lợi nhuận trước thuế năm 2012 của SHB là 1.825 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế và sau khi bù đắp lỗ lũy kế của Habubank do nhận sáp nhập là 26 tỷ đồng.

Như vậy, để sở hữu riêng một công ty tài chính trong thời gian ngắn các ngân hàng đã phải trả chi phí cơ hội khá lớn bao gồm hỗ trợ tái cơ cấu, gánh nợ, cân nợ hộ các tổ chức này, bù đắp lỗ lũy kế…Các ngân hàng đang tự mình mở ra những cơ hội lớn để mở rộng lĩnh vực kinh doanh mới nhưng khó khăn trước mắt phải đương đầu quả là thách thức không hề nhỏ.

Việt Trung

Tài chính Plus

Trở lên trên