MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở hữu chéo đang làm méo mó và lệch lạc dòng chảy của tiền tệ

14-10-2013 - 10:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Các hạn chế về minh bạch thông tin và chuẩn mực kế toán vô hình chung đã tạo điều kiện để sở hữu chéo, đầu tư chéo phát huy các mặt tiêu cực của nó.

Sáng nay (ngày 14/10/2013) Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và Ban kinh tế Trung ương Đảng đã phối hợp tổ chức hội thảo “Cải cách thị trường tài chính trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế”.

Đặt vấn đề trước hội thảo, ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đặt câu hỏi: Đã tới lúc cần thiết phải triển khai ngay quy chuẩn an toàn theo thông lệ quốc tế trong hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm hay chưa?

Đặc biệt, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo với sự liên thông của cả 3 khu vực: ngân hàng, chứng khoán, doanh nghiệp đã làm méo mó và lệch lạc các dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế và không ít các dòng chảy đó nằm ngoài sự kiểm soát của các cơ quan quản lý.

Mặt khác, các hạn chế về minh bạch thông tin và chuẩn mực kế toán vô hình chung đã tạo điều kiện để sở hữu chéo, đầu tư chéo phát huy các mặt tiêu cực của nó.

Bức tranh thị phần tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo đánh giá của ông Con English – Ban rủi ro Nhóm hỗ trợ giám sát (Ngân hàng Trung ương Ailen), cho tới nay thị trường tín dụng vẫn chiếm vị trí thống lĩnh tại thị trường Việt Nam, nhưng các loại hình dịch vụ còn tương đối nghèo nàn; còn các loại thị trường khác mới manh nha, còn yếu ớt.

Ông Vũ Viết Ngoạn cũng thừa nhận thực trạng này và đưa ra con số dẫn chứng cụ thể như sau: Thị phần của 4 NHTM lớn đã chiếm trên 50% toàn hệ thống ngân hàng.

“Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc lựa chọn giải pháp để cấu trúc lại thị trường. Nếu cho ra đời một NHTM quy mô lớn tầm cỡ khu vực sẽ làm gia tăng tình trạng thị phần của 1 nhóm ngân hàng sẽ quá lớn, theo đó sẽ làm gia tăng rủi ro tiềm ẩn hệ thống” – Người đứng đầu Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cảnh báo.

Tái cơ cấu hệ thống TCTD chỉ mang tính chất ngắn hạn

Tự nhận mình là “kẻ ngoại đạo” trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan thì cho rằng: Đề án “Tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015” đã được thông qua và đang thực hiện.

Tuy nhiên, Đề án này mới tập trung vào 3 vấn đề cấp bách: Ổn định thanh khoản cho hệ thống ngân hàng; làm lành mạnh hóa tình trạng tài chính, xử lý nợ xấu; và tái cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị hệ thống ngân hàng.

Theo ông Vũ Khoan, những biện pháp đó chủ yếu mới mang tính chất tình thế và ngắn hạn; qua đó thấy được bức tranh tổng thể và dài hạn về quá trình cơ cấu lại một cách cơ bản và dài hạn.

Bên cạnh đó, nước ta đang đối mặt với làn sóng hội nhập đang sắp ập tới. Ông Vũ Khoan nhận định, làn sóng này là rộng về phạm vi, sâu về cam kết, trong đó có nhiều cam kết liên quan đến thị trường tài chính với những đối tác hung mạnh nhất thế giới về phương diện này.

Cụ thể, đó là sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào 2 năm tới, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Khu vực mậu dịch tự do với Liên minh châu Âu … Làn sóng này sẽ mở ra nhiều cơ hội song cũng đặt ra những thách thức mạnh mẽ hơn nhiều so với khi ký BTA và gia nhập WTO.

Ông Vũ Khoan đặt câu hỏi: Thị trường tài chính nước ta cần làm gì để tận dụng được cơ hội, ứng phó với những thách thức với làn sóng sắp tới đây?

Khánh Linh

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên