MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở hữu chéo “lỗi đâu phải tại chúng tôi!”

08-10-2013 - 08:14 AM | Tài chính - ngân hàng

Sẽ không có gì bất ngờ nếu vào cuối tháng 12 tới, các giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn cổ phiếu ngân hàng sẽ “tái xuất giang hồ”!

Trong bảng tổng sắp 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất quí 3-2013 trên Hose do Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM vừa công bố, hai cái tên chứng khoán Rồng Việt và chứng khoán ngân hàng TMCP Phương Nam đã biến mất. Những quí trước thị phần của cả hai đã đột biến tăng tốc nhờ một số giao dịch thỏa thuận khủng lên tới hàng ngàn tỉ đồng liên quan tới cổ phiếu EIB, STB.

Thông thường các khoản tín dụng được cầm cố bằng cổ phiếu có kỳ hạn sáu tháng. Khi đáo hạn, nếu người vay không trả được, khoản vay sẽ được gia hạn hoặc được đổi chủ như một hình thức đảo nợ. Lúc đó các giao dịch thỏa thuận lại xuất hiện.

Sẽ không có gì bất ngờ nếu vào cuối tháng 12 tới, các giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn cổ phiếu ngân hàng sẽ “tái xuất giang hồ”!

Ước gì VAMC mua nợ cho vay chứng khoán

Trả lời phỏng vấn báo chí, một quan chức cao cấp của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết không mua nợ chứng khoán vì phải ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất để góp phần phục hồi kinh tế.

Câu trả lời này đã được đoán biết từ trước. Những chủ nợ cho vay chứng khoán, nhất là cầm cố cổ phiếu ngân hàng, chẳng dại gì mang nợ ra bán vì như thế có khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”. Thay vào đó, các tài sản thế chấp là cổ phiếu, giờ đây được thay thế bằng bất động sản. Cổ phiếu niêm yết có giá trên sàn, cổ phiếu chưa niêm yết có thể lấy bằng mệnh giá, nhưng định giá tài sản đảm bảo bằng bất động sản thì không có giới hạn nào. Giá dự án, khu đất, nhà cửa…bao nhiêu, do thỏa thuận giữa ngân hàng cho vay và người vay. Cứ thế, những khoản vay cầm cố cổ phiếu đang loãng dần, và rồi sẽ chìm dần mà không để lại dấu vết.

Bóng vẫn trong chân cầu thủ

Thị trường chuyển nhượng cổ phiếu ngân hàng thời gian qua nhìn bề ngoài khá phẳng lặng. ACB sau khi thoái hết vốn khỏi Eximbank, Đại Tín, Kiên Long, không còn là cổ đông lớn tại những ngân hàng này. Trong số các tài sản thế chấp cho khoản vay hơn 7.000 tỉ đồng của ông Nguyễn Đức Kiên tại ACB, khoảng phân nửa là cổ phiếu các loại, trong đó có cổ phiếu ngân hàng. Giả sử ACB muốn xử lý những cổ phiếu thế chấp này để thu hồi vốn, phải được sự đồng ý của người vay cũng như cơ quan chức năng.

Các nhóm cổ đông đã mua lại cổ phiếu ngân hàng từ ACB hầu như không có động tĩnh cho tới cách đây hai tuần, dàn lãnh đạo mới của một ngân hàng đã quyết định phải thu hồi bằng được khoản vay từ một nhóm khách hàng, đã dùng để đầu tư cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác. Lý do là nhóm khách hàng đã không trả được lãi khoản vay đúng hạn và ngân hàng chủ nợ không thể gia hạn tiếp được nữa.

Những người vay đáng ra phải bán cổ phiếu trả nợ. Nhưng bán cho ai bây giờ? Đó không phải là vài chục ngàn cổ phiếu để có thể mang ra đặt lệnh chuyển nhượng trên sàn hay nhờ cậy các công ty chứng khoán tìm người mua ngoài sàn. Tìm địa chỉ mới trú chân cho hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu cổ phiếu hiện tại khó như lên… trời!

Phương án khả thi nhất sẽ là chuyển nhượng lòng vòng. Bóng vẫn trong chân các cầu thủ trên sân, không ở khu vực cầu môn đội này, thì ở bên đội kia. Tiền mua sẽ được giải ngân từ một số ngân hàng mới, tiền bán trả cho một số ngân hàng cũ.

Vắng bóng dòng tiền

Các doanh nghiệp sản xuất e ngại nhất là không có doanh thu, dòng tiền không về. Những nhóm nhà đầu tư buôn bán cổ phiếu ngân hàng, đúng hơn là buôn bán ngân hàng, cũng đang trong tình trạng vắng bóng dòng tiền. Đã thế họ còn bị áp lực phải trả lãi hàng ngày, hàng tháng, hàng quí và sức ép nặng hơn là giá cổ phiếu không tăng. Ngược lại càng để lâu, chúng càng có xu hướng giảm giá.

Khi người mua trong nước “im hơi lặng tiếng”, nguồn hy vọng là khách hàng nước ngoài. Một tập đoàn quốc tế đang là cổ đông của một ngân hàng lớn, mới đây đã đánh tiếng về khả năng mua 15% cổ phần một ngân hàng khác với mức giá mà họ đưa ra tương đối thích hợp. Điều kiện của họ là cổ đông trụ cột trong nhóm cổ đông muốn bán cổ phiếu đó phải ra đi khỏi ngân hàng sau khi bán. Tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng đó của nhóm nhà đầu tư này lớn hơn 15%, làm sao họ ra đi được? Vì thế, thương lượng xem ra bế tắc.

Luân chuyển vốn

Cách đây chưa lâu, một quan chức Ngân hàng Nhà nước thừa nhận tiến trình tái cơ cấu ngân hàng gặp phải một số trở ngại, trong đó có sự chống đối của một số nhóm cổ đông lớn. Ông không dẫn chứng cụ thể ngân hàng nào,.

Hợp nhất, sáp nhập không phải là điều các nhóm nhà đầu tư buôn bán ngân hàng mong muốn. Do nguồn vốn tự có hạn hẹp, họ phải vay ngân hàng và do không thể vay mượn tất cả tại một ngân hàng, họ cần nhiều ngân hàng để luân chuyển vốn. Vì thế, họ sẵn sàng đầu tư để có tiếng nói đủ sức can thiệp việc nội bộ của một số ngân hàng, sau mở rộng ra càng nhiều càng tốt. Khi dòng vốn luân chuyển gắn kết các ngân hàng với nhau, uy lực của họ sẽ mạnh hơn bởi lúc này nếu cơ quan quản lý nhà nước có muốn ra tay xử lý sở hữu chéo, cũng phải cân nhắc vì mối quan hệ chằng chịt và ảnh hưởng dây chuyền có thể xảy ra.

Giá thành đầu tư của một thương vụ thâu tóm ngân hàng, đặc biệt thâu tóm thù địch, thường cao hơn so với giá thị trường, vì để nắm được số cổ phần chi phối, phải thương thảo với các cổ đông tổ chức và với mức giá hấp dẫn, thì các tổ chức mới đồng ý chuyển nhượng. Giá thành đó còn phải cộng thêm lãi vay ngân hàng. 

Thương vụ thâu tóm chỉ có thể mang lại lợi nhuận trong trường hợp thị trường chung khởi sắc. Còn trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang ảm đạm, giá rớt, chuyển nhượng ngân hàng lúc này chắc chắn lỗ. Chuyển nhượng sẽ lộ ra khoảng trống tài sản âm, các ông chủ đầu tư ngân hàng đương nhiên không muốn điều này. Cách tốt nhất để trả lời dư luận rằng họ không phải không có thiện chí trong tái cơ cấu ngân hàng là cứ đưa ra giá bán thật cao. “Không phải chúng tôi không muốn bán, chúng tôi bán đấy, có giá đây này, nhưng không có người mua. Vậy lỗi đâu phải của chúng tôi!”.

Thành Long

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên