MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức ép từ ngân hàng ngoại

29-08-2016 - 09:33 AM | Tài chính - ngân hàng

Hiện thị phần của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam vẫn ở mức thấp. Song trước làn sóng mở cửa thị trường và gia tăng mức độ thâm nhập của ngân hàng ngoại, các ngân hàng thương mại trong nước sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
287 bài viết

Gia tăng hiện diện

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa chấp thuận về mặt nguyên tắc việc Ngân hàng Woori (Hàn Quốc) thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (Woori Việt Nam). Nếu được cấp phép Woori Việt Nam sẽ là ngân hàng 100% vốn nước ngoài thứ bảy tại Việt Nam. Hiện Việt Nam đã có 6 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, gồm có Citi, HSBC, ANZ, Standard Charted, Hong Leong Berhad và Shinhan.

Nhiều ngân hàng nước ngoài khác như Citi, E.SUN (Đài Loan) cũng từng bày tỏ ý định thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Qua đó cho thấy các ngân hàng nước ngoài đang rất quan tâm tới thị trường Việt Nam. Theo thống kê, số lượng chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài hiện đã đạt tới 50 điểm từ mức 31 điểm vào năm 2006, chưa kể tới 50 văn phòng đại diện và các ngân hàng liên doanh. Cùng với đó, số vốn của các ngân hàng ngoại cũng liên tục tăng lên trong những năm gần đây.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đánh giá, so với các ngân hàng trong nước, ngân hàng nước ngoài có 3 lợi thế vượt trội hơn hẳn. Trước tiên là hiệu quả sử dụng vốn điều lệ và vốn huy động của các ngân hàng nước ngoài rất tốt. Thứ hai, dù thị phần huy động vốn và cho vay của các ngân hàng nước ngoài còn ít, chỉ chiếm chưa tới 12%, nhưng độ an toàn vốn lại rất cao, khả năng khai thác tài sản cao. Cùng với đó, các ngân hàng nước ngoài cũng có ưu thế vượt trội về quy mô, sản phẩm phong phú và chất lượng cao… Vì vậy, ông Minh cho rằng các ngân hàng nước ngoài sẽ là những đối thủ tiềm tàng của ngân hàng thương mại trong nước thời gian tới.

Để giữ vững vị thế trước sự cạnh tranh của các ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng thương mại trong nước cần nâng cao thương hiệu đồng thời cải thiện hoạt động theo hướng bám sát 3 thế mạnh của các ngân hàng nước ngoài như đã phân tích ở trên.

Gia tăng sức ép

Theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), trước đây, ngân hàng ngoại chỉ tập trung tìm kiếm các DN FDI để cấp vốn và tương đối e dè với các DN Việt Nam. Nhưng nay, họ đang ngày càng mở rộng tiếp cận các khách hàng trong nước. Những ngân hàng này đang tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng cách tăng trưởng tín dụng thay vì chủ yếu tìm kiếm lợi nhuận từ dịch vụ ngoại hối và phí như trước. Điều này thể hiện qua những mức lãi suất rất cạnh tranh từ các ngân hàng nước ngoài trong thời gian gần đây.

Điển hình như lãi suất vay mua nhà tại Ngân hàng Hong Leong Berhad (Malaysia) chỉ ở mức 6,99%/năm cố định trong 12 tháng đầu tiên hoặc 7,5% trong 24 tháng; lãi suất vay mua ô tô cũng ở mức 6,75% cố định trong 12 tháng đầu tiên hoặc 8% trong 24 tháng. Tại các ngân hàng như Shinhan (Hàn Quốc), UOB (Singapore) cũng có mức lãi suất hết sức cạnh tranh.

Ngoài ra, việc Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đặt ra những thách thức đối với ngành ngân hàng Việt Nam. Theo cam kết trong TPP, nếu Việt Nam cho phép các tổ chức tài chính trong nước cung cấp dịch vụ tài chính mới (mà không cần phải xây dựng mới hoặc sửa đổi luật) thì cũng phải cho phép các tổ chức tài chính của các nước TPP cung cấp dịch vụ tương tự. Việt Nam cũng cho phép các nước TPP cung cấp qua biên giới các dịch vụ tài chính vào Việt Nam. Việt Nam cũng cam kết mở cửa thị trường thẻ có mã quốc tế, cho phép nhà cung cấp nước ngoài cung cấp qua biên giới các dịch vụ thanh toán bù trừ (không mở cửa thị trường thẻ nội địa).

Theo bà Vũ Minh Châu, Vụ Hợp tác quốc tế - NHNN, với việc Việt Nam cam kết cho phép các tổ chức tài chính nước ngoài được cung cấp dịch vụ tài chính mới, sức ép cạnh tranh từ các ngân hàng nước ngoài đã hiện diện tại Việt Nam sẽ ngày càng lớn bởi sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng trong nước còn chưa đa dạng.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực cũng cho rằng việc các ngân hàng nước ngoài gia tăng hiện diện tại Việt Nam là xu thế tất yếu của quá trình hội nhập, mở cửa thị trường tài chính - ngân hàng của Việt Nam. Kéo theo đó, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng sẽ ngày một tăng lên. Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng không nên quá quan ngại về sức ép từ các ngân hàng ngoại đối với ngân hàng Việt Nam. Bởi lẽ các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đều rất thận trọng và chủ yếu chỉ tập trung vào phân khúc khách hàng mục tiêu và các mảng thế mạnh của họ. Hơn nữa, các ngân hàng nước ngoài cũng đặt ra những tiêu chuẩn hết sức khắt khe so với ngân hàng trong nước.

Các chuyên gia cũng đánh giá các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo cầu nối thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và là nguồn tài chính không nhỏ bổ sung cho thị trường tài chính của Việt Nam. Đồng thời, những ngân hàng này cũng giúp mang tới cho Việt Nam những công nghệ ngân hàng hiện đại, những sản phẩm, dịch vụ ưu việt, cùng với đó là những thông lệ quốc tế về quản trị từ đó giúp minh bạch hóa thị trường.

Theo Khải Kỳ

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên