MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tác động hai mặt khi tỷ giá USD giảm

21-06-2011 - 10:36 AM | Tài chính - ngân hàng

Tỷ giá USD xu hướng giảm liên tục, tỷ giá USD BQLNH dần ổn định, LS ngoại tệ giảm dần làm tăng tính hấp dẫn của VND, hạn chế tình trạng đô la hóa trong giao dịch, kinh doanh.

Gần một tháng nay, tỷ giá USD hình thành xu hướng giảm liên tục và trong khoảng gần mười ngày trở lại đây thì tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng đi vào ổn định, không tăng cũng chẳng giảm, dù Ngân hàng Nhà nước không tung ra biện pháp trực tiếp nào.

Giá mua và bán USD được ngân hàng Vietcombank sáng nay (21/6) niêm yết tương ứng ở mức 20.600 đồng và 20.670 đồng một USD. Mức giá mua giảm 50 đồng và đặc biệt giá bán giảm 100 đồng so với hôm qua. Còn so với thứ 6 tuần trước thì giá USD tại các ngân hàng thương mại hôm nay đã hạ đáng kể, khi giá mua giảm 100 đồng và giá bán ra giảm 150 đồng.

Trong khi đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 21/6 tiếp tục ổn định ở mức 20.618 đồng.

Hồi đầu tháng 6, tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng ở mức 20.638 đồng một USD, đến ngày 3/6 thì tỷ giá giảm 5 đồng, còn 20.633 đồng. Tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm và đến ngày 10/6 còn 20.523 đồng. Ngày 13/6, tỷ giá này giảm tiếp 5 đồng, về mức 20.618 đồng. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 3 tháng qua, kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm tỷ giá để hạ nhiệt thị trường USD. Và mức giá này được giữ ổn định cho đến hiện nay.

Theo giải thích của một phó tổng giám đốc Ngân hàng An Bình, việc tỷ giá USD giảm là tác động từ việc nguồn cung tăng trong nhiều tháng qua. Nguồn cung tăng khiến cho các ngân hàng dồi dào ngoại tệ và như môt lẽ tất yếu, tỷ giá bước vào một giai đoạn điều chỉnh giảm kéo dài. Điều này khiến VND lên giá một cách đáng kể so với USD. Điều này giúp niềm tin của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp vào VND gia tăng, giảm những tác động tiêu cực lên nền kinh tế.

Một trong những điểm sáng của chính sách tiền tệ của Nhà nước trong nửa đầu năm nay là lộ trình chống đô la hóa trong nền kinh tế.

“Tôi cho rằng, chính sách chống đô la hóa và kiểm soát thị trường vàng là một trong những điểm sáng của chính sách điều hành tiền tệ của Nhà nước trong nửa đầu năm nay”, vị này nói.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, cho rằng, việc tỷ giá USD giảm dần và đặc biệt đi vào ổn định là một dấu hiệu tích cực với nền kinh tế và với hoạt động của các doanh nghiệp. Tỷ giá USD cùng với lãi suất ngoại tệ giảm dần càng làm tăng tính hấp dẫn của VND, hạn chế tình trạng đô la hóa trong giao dịch, kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Phong cũng chỉ ra một số tác động không mong muốn của việc tỷ giá USD giảm lên nền kinh tế. Đó là xu hướng doanh nghiệp vay USD ngày càng gia tăng. Nguyên nhân bởi giá USD và lãi suất huy động USD xuống thấp và được dự đoán là có sự ổn định khá dài, khiến lãi suất cho vay USD cũng giảm đáng kể, trong khi lãi suất vay VND vẫn quá cao, khiến doanh nghiệp chuyển hướng sang vay USD.

Theo báo cáo về hoạt động ngân hàng 5 tháng đầu năm từ Ngân hàng Nhà nước, xu hướng doanh nghiệp chuyển sang vay ngoại tệ được thể hiện rõ rệt. Tín dụng bằng ngoại tệ tăng ở mức khá cao. Tính đến 23/5, lượng vốn ngoại tệ các ngân hàng cho vay với nền kinh tế tăng tới 18,9% trong khi tín dụng nội tệ (cho vay bằng VND) chỉ tăng 2,59%.

Ông Phong cũng lo ngại, xu hướng tỷ giá USD giảm không chắc là có duy trì được lâu dài hay không, vì thời gian tới, rất có thể nguồn cung USD sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng bởi một số nguyên nhân. Thứ nhất, từ cuối quý 3 trở đi, nhu cầu mua USD của các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tăng mạnh, gây sức ép lên cân đối cung – cầu ngoại tệ. Tiếp đó là việc Ngân hàng Nhà nước mới đây tiếp tục hạ lãi suất huy động USD, khiến lượng USD ngân hàng huy động giảm mạnh, dẫn tới nguồn cung hạn chế. Thông thường, “cú sốc” USD thường rơi vào thời điểm cuối năm. Chẳng hạn, năm 2009, cán cân tổng thể bị thâm hụt 8,8 tỷ USD, năm 2010, dù nhiều ngành nổ lực ngăn chặn nhập siêu, song con số thâm hụt vẫn lên tới 3,059 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo bài trả lời phỏng vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu với báo chí mới đây, ông cho biết: “Theo tính toán của chúng tôi, năm 2011, có khả năng cán cân thanh toán tổng thể có thể thực dương khoảng 1 tỷ USD. Nhiều năm qua, mặc dù Nhà nước có nhiều nỗ lực quản lý thị trường ngoại tệ nhưng do cơ cấu bất hợp lý của nền kinh tế, khiến cho năm nào cũng nhập siêu nên việc điều hành, quản lý thị trường ngoại tệ rất khó khăn. Năm nay, Quốc hội giao chỉ tiêu nhập siêu ở mức dưới 18% so với kim ngạch xuất khẩu nhưng Chính phủ quyết tâm duy trì tỷ lệ này dưới 16%”.

Ăn theo đà giảm của USD, lãi suất huy động tại các ngân hàng cũng đang ngày càng hạ thấp, không còn đồng loạt ở mức trền 14% một năm như nhiều tháng qua.

Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), mức lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng cho đến 11 tháng đã tuột khỏi mốc 14% một năm, chỉ còn dao động từ 13 đến 13,9% một năm. Thậm chí với kỳ hạn 10 và 11 tháng, mức lãi này chỉ còn 12,95%. Với tất cả kỳ hạn dài (từ 1 năm trở lên) thì lãi suất huy động giảm “không phanh”, đồng loạt về mức 11,95% một năm.

Ngân hàng Á châu (ACB) cũng mới có thông báo giảm lãi suất huy động xuống khỏi mức trần 14% một năm được niêm yết trong suốt thời gian dài qua. Các kỳ hạn từ 1 tháng tới 12 tháng, lãi suất tiền gửi chỉ còn dao động từ 13,08 đến 13,88% một năm. Các kỳ hạn dài thì giảm xuống còn từ 10,4 đến 11,1% một năm.

Hiện chỉ còn một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Sacombank là giữ mức lãi suất huy động ở mức trần 14% một năm cho hầu hết những kỳ hạn dưới 12 tháng. Với các kỳ hạn trên 12 tháng thì lãi suất cũng đã hạ đáng kể.

Tiến sĩ Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cấp cao cho hay, nguyên nhân của việc lãi suất huy động giảm gần đây là do sức ép từ biện pháp hành chính thì đúng hơn, chứ không phải do diễn biến thực của thị trường. Cụ thể, đó là việc mới đây Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng không được tăng trưởng tín dụng quá 20% một năm, bên cạnh đó, có thể các nhà băng bắt tay nhau để cùng hạ lãi suất do sức ép từ các cơ quan chức năng. Vấn đề quan trọng là lãi suất cho vay tới tay doanh nghiệp đã giảm hay chưa, hay vẫn cao “ngất ngưởng” như trước. Về lý thuyết thì việc hạ lãi suất huy động sẽ tạo tiền để cho việc giảm lãi suất cho vay, một tin vui cho nền kinh tế. Song hiện nhiều ngân hàng vẫn có nhiều hình thức huy động chui nhằm cạnh tranh khách hàng gửi tiền, do đó họ khó mà hạ ngay lãi suất cho vay VND.

Theo Đông Nhiên

Đất Việt

kyanh

Trở lên trên