MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cấu trúc ngân hàng: Mới chỉ “khởi động”

25-10-2012 - 16:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong cuộc họp Quốc hội lần này, vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế cũng được rất nhiều đại biểu quan tâm và phê là “quá chậm”.

Quả vậy, soi lại thực tế, chúng ta phải nhìn nhận rằng, công cuộc tái cấu trúc kinh tế như mới chỉ vừa bắt đầu, nếu không muốn nói còn đang trong thời kỳ “thai nghén chính sách”.

CafeF xin giới thiệu loạt bài đánh giá quá trình tái cấu trúc nền kinh tế trên 3 mũi giáp công được nêu rõ tại Nghị quyết Trung ương 3, khóa XI là: Tái cấu trúc ngân hàng; tái cấu trúc đầu tư công; và tái cấu trúc DNNN.

Bài 1 - Tái cấu trúc ngân hàng: Mới chỉ “khởi động”

Cuối năm 2011, việc hợp nhất ba ngân hàng thương mại cổ phần (Ficombank, TinNghiaBank, SCB) "hoạt động không tốt" được coi là bước đi cụ thể đầu tiên trong nỗ lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, quá trình tái cấu trúc ngân hàng vẫn chỉ là “khởi động”.

Toàn cảnh bức tranh ngân hàng Việt Nam

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cả nước hiện có 52 ngân hàng thương mại được cấp phép hoạt động và 50 chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài, đưa tổng số lên hơn 100 ngân hàng. Do số lượng tăng lên quá nhanh trong thời gian qua, nên tính chất và mức độ cạnh tranh giữa các ngân hàng cũng ngày càng trở nên gay gắt.

Bên cạnh việc cạnh tranh với nhau, thì các ngân hàng còn chịu sự cạnh tranh củacác định chế tài chính khác. Hiện tại, ởViệt Nam có sự hiện diện của 17 công ty tài chính;13 công ty cho thuê tài chính;105 công ty chứng khoán;78 công ty môi giới chứng khoán; 2 công ty bảo hiểm nhà nước;16 công ty cổ phần bảo hiểm; 3 công ty liên doanh bảo hiểm; 17 công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài; 1 công ty cổ phần tái bảo hiểm quốc gia;10 công ty môi giới bảo hiểm. Các định chế tài chính này đã và đang có sự cạnh tranh khá quyết liệt với các ngân hàng thương mại trong một số lĩnh vực dịch vụ ngân hàng truyền thống như huy động vốn và cho vay.

Điều đáng nói là, sự cạnh tranh chỉ hạn hẹp trong lĩnh vực truyền thống này đã mang lại hiệu ứng ngược, khi tạo ra những sản phẩm tín dụng chất lượng không cao, các ngân hàng chạy đua lãi suất huy động, dẫn đến chi phí vốn tăng cao, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Tình trạng này thể hiện ở tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao (thường ở mức khoảng trên dưới 30%). Các tư liệu công bố gần đây cho thấy, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế là 125 tỷ USD, tương đương 120% GDP. Đây được xem là dư nợ cho vay quá cao, trong khi các nước đều dưới 100% (Thái Lan 100%, Hàn Quốc 80%). Dư nợ tín dụng cao trong khichất lượng tín dụng lại khá thấp.

Đó cũng là những nguyên nhân khiến môi trường tín dụng trong nhiều giai đoạn rất bất ổn.

Lộ trình tái cấu trúc

Thực tế, vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở Việt Nam đã được đặt ra trước đó. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến việc tái cấu trúc không được thực thi triệt để. Trong 2 năm gần đây, đặc biệt, sau Nghị quyết Trung ương 3 - Khóa XI, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mới được đặt ra và có lộ trình cụ thể.

Sảng 25/11/2011, trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã đưa ra 4 mục tiêu của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là: (i) Phải làm lành mạnh hệ thống ngân hàng; (ii) Phải làm cho hệ thống ngân hàng có đủ sức cạnh tranh trong và ngoài nước, trong môi trường thế giới hết sức biến động. (iii) Phải cấu trúc lại cơ cấu hoạt động của hệ thống ngân hàng để đảm bảo giữa cấp tín dụng và cung ứng dịch vụ cho nền kinh tế một cách hợp lý. (iv) Phải làm sao đáp ứng được hệ thống ngân hàng của chúng ta ngoài việc có tình hình tài chính lành mạnh nhưng cũng phải hòa nhập và có sức cạnh tranh với quốc tế

Để thực hiện được 4 mục tiêu này, NHNN sẽ tiến hành những giải pháp lớn. Theo đó, NHNN sẽ phân nhóm hệ thống ngân hàng Việt Nam thành 3 nhóm lớn:

Nhóm thứ nhất, gồm các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có năng lực, có quy mô đủ lớn để tiếp tục phát triển thành những ngân hàng làm trụ cột trong hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian tới cũng như vươn lên đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế.

Nhóm thứ hai là nhóm các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh nhưng có quy mô còn nhỏ, không có nhu cầu hoặc không có điều kiện để phát triển quy mô cao hơn nữa.

Đối với các tổ chức tín dụng loại này, NHNN sẽ có những quy định để đảm bảo quy mô hoạt động trong tầm kiểm soát phù hợp với năng lực của tổ chức tín dụng và cũng có những quy định để đảm bảo sự phân khúc của thị trường cho các tổ chức tín dụng này có thể phát huy được nhưng trên nền tảng hoạt động an toàn và hiệu quả.

Nhóm thứ ba là nhóm tổ chức tín dụng mà đang có tình hình tài chính khó khăn cần phải được tái cấu trúc lại. Đối với nhóm các tổ chức tín dụng này, NHNN sẽ thông qua các biện pháp như thay đổi lại cổ đông, nâng cao năng lực của cổ đông hoặc cho các tổ chức tín dụng trong nước khác tham gia cổ đông, mua lại hoặc sáp nhập vào các tổ chức tín dụng khác. Theo phương châm không để tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, đảm bảo tối đa quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng của ngân hàng.

Thống đốc cho biết, dự kiến đến năm 2015, Việt Nam có được 15 ngân hàng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và có từ 1 đến 2 ngân hàng có thể đảm bảo được tính cạnh tranh và tầm cỡ quy mô của khu vực.

Lộ trình từ nay đến quý I/2012, phải hoàn thành xong 2 nội dung: định hình rõ 3 nhóm ngân hàng và giải quyết tốt những vấn đề thanh khoản của những ngân hàng yếu kém.

Từ quý II/2012 đến hết năm 2013, sẽ hoàn thành việc tái cấu trúc lại các ngân hàng thuộc nhóm III.

Từ năm 2013 đến năm 2015 tập trung vào việc nâng cao các hiệu quả an toàn, việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và củng cố xây dựng. Đặc biệt, xây dựng các nhóm ngân hàng lành mạnh để có đủ sức làm trụ cột cho hoạt động ngân hàng trong nước và phấn đấu để có thể có từ 1-2 ngân hàng đạt tiêu chuẩn khu vực.

Đến năm 2015, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục được tái cấu trúc và khi đó số lượng các tổ chức tín dụng có khả năng tham gia cạnh tranh trong khu vực có thể nâng lên đến 4 tổ chức tín dụng.

Và, thực tế thực hiện thế nào?

Nhìn lại gần 1 năm, từ khi Thống đốc công khai kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng trước Quốc hội, thì thấy, công cuộc tái cấu trúc này mới dừng ở hai chữ “nhúc nhích”.

Thành tích đáng kể nhất của NHNN trong năm qua là hành động sáp nhập và hợp nhất của các ngân hàng nhỏ, và các ngân hàng có vấn đề.

Cụ thể, tháng 12/2011, Ngân hàng Nhà nước công bố việc hợp nhất ba ngân hàng có mức nợ xấu cao (SCB, Tín Nghĩa, Ficombank), trong đó BIDV đóng vai trò hỗ trợ, tư vấn (dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của NHNN).

Trong quý I/2012, NHNN cũng tuyên bố quyết tâm tái cơ cấu mạnh mẽ 8 ngân hàng thương mại yếu nhất nằm trong nhóm 4 theo phân loại ngân hàng. Tuy nhiên, cho đến nay, mới có một trường hợp sáp nhập. Đó là Ngân hàng SHB, một ngân hàng tầm trung mua lại Habubank, một ngân hàng nhỏ gặp khó khăn nghiêm trọng về nợ xấu.

Một nỗ lực về mặt pháp lý quan trọng nhất, cho tới nay, trong việc tái cấu trúc ngân hàng là Quyết định 254 của Thủ tướng về Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”. Quyết định này tạo ra một hành lang rộng để xử lý các ngân hàng yếu kém, và đề ra một loạt chỉ tiêu cần phải đạt được cho đến năm 2015. Thế nhưng, việc thực hiện Đề án này trên thực tế,cũng như việc cân nhắc phương án tái cơ cấu nào,cùng những hàm ý liên quan hiện nay vẫn còn đang bàn thảo. Có lẽ vì vậy, mà quá trình tái cấu trúc ngân hàng vẫn mới chỉ ở trong giai đoạn khởi động.

Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành một loạt chính sách để “cải tổ hệ thống ngân hàng”, cùng nhiều biện pháp hành chính để “áp đặt” lãi suất huy động trần, lãi suất cho vay trần, phân loại các ngân hàng thành các nhóm để ấn định mức rủi ro…

Tuy nhiên, những kết quả ban đầu còn khá khiêm nhường, vì chưa có được các cải tổ toàn diện như kỳ vọng, nhất là các rủi ro hệ thống vẫn còn “treo lơ lửng”, và một cuộc khủng hoảng thanh khoản vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, do ảnh hưởng của vấn đề nợ xấu.

Và theo lộ trình được công bố, thì NHNN thất bại trong mục tiêu đến quý I/2012, phải hoàn thành xong 2 nội dung: định hình rõ 3 nhóm ngân hàng và giải quyết tốt những vấn đề thanh khoản của những ngân hàng yếu kém.

Trí An

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên