MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài chính ngân hàng tuần từ 17-23/9: 4 "sếp" lớn từ nhiệm và những tin đồn

23-09-2012 - 16:41 PM | Tài chính - ngân hàng

Chỉ trong 1 ngày, thị trường đón nhận thông tin từ nhiệm của 4 "sếp lớn" thuộc ngân hàng ACB và Eximbank. Cổ phiếu ACB được giao dịch thỏa thuận một lượng "khủng" cũng là "hiện tượng" của tuần.

Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố

Cơ quan điều tra ngày 18/9 khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Kiên – Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165- Bộ Luật Hình sự và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139- Bộ Luật Hình sự.

Nguyên nhân là do “Bầu Kiên” và 2 cấp dưới tại công ty CP Đầu tư ACB đã dùng hàng chục triệu cổ phần đã thế chấp cho Ngân hàng ACB rồi lại bán cho một công ty thép trị giá hàng trăm tỷ đồng. 

Sau thông tin về nguyên nhân bầu Kiên bị bắt giữ, ngân hàng ACB khẳng định vẫn đang giữ số cổ phần mà công ty của ông Kiên đã thế chấp. 

4 "sếp lớn" của ngân hàng ACB và Eximbank từ nhiệm

Ông Trần Xuân Giá, chủ tịch HĐQT ACB, ông Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang, phó chủ tịch ACB đã từ nhiệm trong ngày 19/9 với lý do sức khỏe và lý do cá nhân.

Còn một nguyên nhân khác được ACB thông báo là các thành viên này có liên quan đến việc đồng ý cho ông Lý Xuân Hải, nguyên TGĐ, ủy thác cho 19 nhân viên ngân hàng ACB mang 718 tỷ đồng của ACB đi gửi tại ngân hàng khác.

Các vị trí từ nhiệm tại ACB cũng đã có vị trí thế chỗ ngay lập tức, với ông Trần Hùng Huy lên làm chủ tịch, ông Julian Fong Loong Choon và ông Lương Văn Tự là phó chủ tịch. Trước đó, cả 3 người là thành viên HĐQT. Đại hội cổ đông của ACB dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 để thông qua quyết định bãi nhiệm và bổ nhiệm này.

Ông Phạm Trung Cang phó chủ tịch Eximbank cũng từ nhiệm trong ngày 19/9 vì việc riêng cá nhân. Tuy nhiên theo chủ tịch Eximbank ông Lê Hùng Dũng, việc ông Cang từ nhiệm có thể có liên quan đến một số trách nhiệm trong thời kỳ ông Cang còn giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT ở ACB.

Tin đồn bị khởi tố

Sau khi từ nhiệm, có tin đồn ông Trần Xuân Giá bị khởi tố điều tra, tuy nhiên ông Giá đã phủ định. Ông Giá cho biết ông rất buồn vì tin đồn này và còn “tâm sự” về việc ACB đã “làm ơn nhưng mắc oán”.

Tin đồn bị khởi tố cũng ập đến với ông Phạm Trung Cang sau khi ông từ nhiệm hai chức vụ quan trọng là phó chủ tịch Eximbank và chủ tịch HĐQT Tân Đại Hưng. Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Cang cho biết ông vẫn hoàn toàn bình thường.

"Hiện tượng" cổ phiếu ACB trên sàn chứng khoán

Thị trường liên tục đón nhận thông tin liên quan đến ngân hàng ACB trong vòng 1 tháng trở lại đây nhưng việc giao dịch thỏa thuận bất ngờ của 3,4% số lượng cổ phiếu của ACB đang niêm yết trong ngày 19/9 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.

Cụ thể, trong phiên này đã có 2 giao dịch thỏa thuận tổng cộng 34 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 534 tỷ đồng - lượng giao dịch trong một phiên lớn nhất kể từ khi ACB niêm yết trên sàn HNX.

Những câu hỏi đặt ra như ai đã bán, ai đã mua? bán tháo của nhà đầu tư lớn? hay chỉ là một giao dịch cá biệt…? được đưa ra vẫn chưa có lời giải.

Cho dập lại hơn 350.000 lượng vàng phi SJC và SJC móp méo

Do nguồn cung trên thị trường khan hiếm, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép công ty SJC gia công dập lại 13 tấn vàng tương đương hơn 350.000 lượng là vàng phi SJC và vàng SJC móp méo để cung ra thị trường. Dự kiến việc dập này sẽ mất 7 ngày và sẽ ra thị trường từ 27/9 tới.

Sau tin này, giá vàng hạ nhiệt và người dân đổ xô đi bán vàng.

Ngân hàng chuẩn bị thanh khoản cuối năm

Tăng trưởng tín dụng không cao, các ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất huy động đối với kỳ hạn trên 12 tháng, khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đang có xu hướng giảm và các TCTD thận trọng trong việc đầu tư vào loại tài sản này, cho thấy các TCTD đang có xu hướng chuẩn bị thanh khoản nhằm đủ lượng tiền giải ngân vào những tháng cuối năm.

Ngân hàng Nhà nước công bố số liệu mới nhất về “sức khỏe” của các ngân hàng. Theo đó, tổng tài sản, vốn điều lệ và vốn tự có của hệ thống đồng loạt tăng, riêng tổng tài sản của các NHTMCP và ngân hàng liên doanh, nước ngoài giảm so với cuối năm 2011.

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành lãi suất cao đang là “vũ khí hủy diệt” doanh nghiệp, doanh nghiệp không thể sống sót với lãi suất 15%/năm. Ông đề xuất ngân hàng nhà nước đóng vai trò tiên quyết trong việc cân đối nguồn lưu lượng tiền tệ cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp. Cụ thể là NHNN có thể cho NHTM vay với lãi suất 2-3% và chỉ đạo NHTM cho doanh nghiệp vay với lãi suất 6-7%.

Thành Hưng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên