MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lãi suất huy động: Nỗi lo của doanh nghiệp cuối năm

12-11-2015 - 08:26 AM | Tài chính - ngân hàng

Để tăng nguồn tiền phục vụ nhu cầu tín dụng cuối năm, hàng loạt ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động nhằm thu hút khách hàng gửi tiền. Tuy nhiên, động thái này đang khiến những người đi vay, nhất là các DN lo lắng khi có nhiều khả năng lãi suất cho vay cũng theo chiều tăng lên.

Lãi suất cho vay sẽ tăng?

Tính đến thời điểm 9-11, khá nhiều ngân hàng đã nâng trần lãi suất huy động tiền gửi. Cụ thể, từ ngày 28-10, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) tăng lãi suất huy động tiền đồng lên 0,5%. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên tới 7-7,2%/năm. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng tăng trần lãi suất huy động tiền đồng thêm từ 0,2-0,5%/năm, tập trung ở các kỳ hạn ngắn.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn trên 3 tháng từ 0,1-0,3%. Hiện lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này là 6,90%/năm ở kỳ hạn 36 tháng đối với gói tiết kiệm Phát Lộc. Các ngân hàng như Bản Việt, Sacombank, Eximbank, SCB, ACB… cũng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất từ 0,1-0,2%/năm.

Ông Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng và Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để lãi suất cho vay không có những biến động theo lãi suất huy động, các ngân hàng phải duy trì mức chênh lệch lãi suất ròng tối thiểu giữa lãi suất cho vay và huy động, khoảng 2,5%. Nếu mức này chưa đến tối thiểu hoặc trong một số trường hợp, các ngân hàng có khả năng chủ động đưa mức này xuống thấp hơn thì có thể giữ nguyên lãi suất cho vay.

Cũng theo ông Đức, nếu các ngân hàng chuyển đổi được các kỳ hạn do cơ cấu vốn với các nguồn huy động ở mức chi phí thấp hơn thì cũng không ảnh hưởng đến lãi suất cho vay. Một vấn đề khác là lãi suất chi phí đầu vào bao gồm chi phí tiền lãi và chi phí ngoài lãi, nên nếu các ngân hàng có thể tiết kiệm, cắt giảm được các khoản chi phí cố định như về lao động, hành chính… thì lãi suất cho vay cũng không ảnh hưởng.

Trong tình hình hiện nay, ông Đặng Ngọc Đức đưa ra nhận định, lãi suất cho vay sẽ tăng vì các ngân hàng thương mại vẫn đang gặp khó khăn về nguồn vốn nên phải tăng lãi suất để huy động nguồn, nhưng trong trường hợp như vậy thì khả năng dự trữ vẫn không nhiều lên nên cần phải tăng lãi suất cho vay để bù lại. Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam thời điểm này đã bắt đầu phục hồi, lạm phát cuối năm quay đầu tăng nên việc các ngân hàng tăng lãi suất là điều tất yếu. Tuy nhiên, việc lãi suất cho vay có tăng tương ứng với lãi suất huy động hay có sự đồng đều giữa các nhóm khách hàng hay không thì vẫn cần phải xem xét và có sự tính toán kỹ lưỡng.

DN lo lắng

Theo tìm hiểu, mặt bằng lãi suất cho vay đối với DN tại các ngân hàng dao động từ 6-9%/năm, tùy theo mức độ, tiềm lực, “lịch sử” vay vốn mà DN có những mức vay khác nhau.

Theo đánh giá của nhiều DN, mức lãi suất cho vay của Việt Nam hiện nay đang cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Chính vì thế, mặc dù việc tăng lãi suất cho vay thời điểm này vẫn chỉ là dự báo nhưng nhiều DN đã như “ngồi trên lửa”, vì cuối năm thường là thời gian cao điểm cho các kế hoạch sản xuất, giải quyết hết các hợp đồng trong năm cũng như chuẩn bị nguồn lực cho năm tới.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Nho Lý, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và XNK An Phong- Đắk Nông (DN chuyên chế biến và XK nông sản, nhiều nhất là cà phê và hồ tiêu) cho hay, thông thường, các DN sẽ có nhu cầu vay vốn nhiều nhất vào các tháng cuối năm để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, phía Công ty đang có nhu cầu chuyển đổi từ sản xuất nguyên liệu thô sang chế biến thành tinh dầu hồ tiêu nên rất cần đến nguồn lực tài chính để mua nguyên liệu, máy móc. Vì thế, nếu lãi suất tăng thì Công ty sẽ gặp nhiều khó khăn, khi đây là lĩnh vực mới, cần nhiều chi phí thực hiện.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Lượng, Giám đốc Công ty TNHH da giày Phong Châu, dù lãi suất cho vay tăng hay không tăng theo mức lãi suất huy động thì DN cũng đang gặp nhiều khó khăn với mức lãi suất cho vay như hiện tại. Thậm chí, lãi suất cao nhưng không phải DN nào cũng vay được. Chính vì điều này nên hiện DN không đủ tài chính để nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh, doanh thu cuối năm và cả năm 2015 có thể không đạt được như kế hoạch đã đề ra.

Mặc dù lo lắng nhưng ông Nguyễn Nho Lý vẫn cho rằng: “Lãi suất huy động phải tăng hơn 1% mới có thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, nên DN đang chờ đợi động thái mới của thị trường để quyết định mức vay hợp lý”. Đặc biệt, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định và theo xu hướng giảm trong thời gian tới nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Về những lo ngại về việc tăng lãi suất cho vay sẽ làm tăng nợ xấu của DN, ông Đặng Ngọc Đức cho rằng, nếu lãi suất cho vay tăng thì chỉ tăng đối với các khoản nợ mới, các khoản nợ cũ đã được hợp đồng hóa nên không thể thay đổi, trừ trường hợp các điều kiện trong hợp đồng ghi là lãi suất thả nổi hay lãi suất điều chỉnh theo thị trường. Tuy nhiên, lãi suất không bao giờ là nguyên nhân của nợ xấu mà do DN sử dụng vốn không đúng kế hoạch, không hiệu quả hoặc đầu tư sai hướng.

 

Theo Hương Dịu

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên