MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thận trọng khi vay vốn

23-05-2015 - 17:40 PM | Tài chính - ngân hàng

Sau vài năm vay vốn ngân hàng, khi mối quan hệ giữa ngân hàng và DN là nguyên đơn và bị đơn thì DN mới đúc rút được một số kinh nghiệm khi vay vốn.

Lãi chồng lãi

Với DN Việt Nam, khi vốn vay là nguồn tài chính quan trọng để duy trì vốn lưu động, để đầu tư mở rộng sản xuất thì việc được ngân hàng cam kết tài trợ vốn là một tin mừng. Tuy nhiên, sau những vui mừng khi được ngân hàng cho vay, quá trình vay vốn lại phát sinh nhiều vấn đề xung quanh nợ lãi khiến DN khốn đốn.

Thông thường ngoài nợ gốc, hợp đồng tín dụng đều có quy định điều chỉnh lãi suất định kỳ hoặc lãi suất thả nổi, đồng thời cũng quy định về lãi suất nợ quá hạn, lãi phạt chậm trả, bồi thường thiệt hại. Khi mới được vay vốn, DN thường chỉ tính đến nợ gốc và khoản lãi trong hạn phải thanh toán hàng tháng mà chưa lường hết rủi ro khi chẳng may có khó khăn, không thanh toán nợ đúng hạn. Vấn đề là, khi không trả được nợ đúng hạn, DN sẽ bị ngân hàng chuyển khoản nợ thành nợ quá hạn và áp dụng lãi suất nợ quá hạn, đồng thời yêu cầu DN phải trả thêm các khoản như bồi thường thiệt hại, áp lãi phạt chậm trả…

Thực tế, các tranh chấp giữa DN và ngân hàng trong việc đòi nợ cho thấy lắm khi các khoản lãi còn vượt cả nợ gốc. Đơn cử như tranh chấp giữa Eximbank và Công ty TNHH Gia Hùng. Là một công ty có quy mô vừa phải, khi được Eximbank cấp hạn mức tín dụng, chủ DN đã thở ra nhẹ nhàng bởi việc này đảm bảo là công ty có nguồn tài chính để kinh doanh với lãi suất hợp lý, ít nhất là không khắc nghiệt bằng tín dụng đen.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế chung gặp khó khăn, công ty cũng không tránh khỏi tình trạng quá hạn nợ ngân hàng. Lúc này Eximbank nhiều lần giục nợ rồi kiện DN ra tòa. Thừa nhận có vay nợ ngân hàng và đồng ý trả nợ nhưng Công ty Gia Hùng cũng trình bày thêm rằng do có khó khăn trong kinh doanh nên Công ty đề nghị Eximbank giảm bớt một phần lãi trong hạn, miễn lãi quá hạn, lãi phạt và gia hạn thời gian trả nợ.

Những đề nghị này đều không được phía ngân hàng chấp thuận. Theo Công ty Gia Hùng, hợp đồng tín dụng có quy định điều chỉnh lãi suất định kỳ 1 tháng 1 lần nhưng thực tế ngân hàng không hề điều chỉnh lãi suất cho khách hàng. Việc quy định 3 loại lãi trong hợp đồng (lãi trong hạn, lãi quá hạn, lãi phạt chậm trả) là chồng chéo, lãi chồng lãi và quy định lãi phạt là vi phạm quy định của pháp luật.

Ngân hàng không điều chỉnh lãi suất định kỳ

Một trường hợp khác, Công ty TNHH Sang Trọng được một ngân hàng TMCP cấp hạn mức tín dụng 2 tỷ đồng, lãi suất 24%/năm, điều chỉnh định kỳ 3 tháng một lần. Khi DN không trả được nợ, ngân hàng đã khởi kiện đòi DN 3,3 tỷ đồng nợ gốc và lãi. Những tranh cãi giữa DN và ngân hàng cho thấy DN đang phải gánh các khoản lãi không nhỏ. Với lãi suất 24%/năm, khi nợ quá hạn, ngân hàng chuyển sang tính lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn, tương đương hơn 36%/năm. Lãi suất quá cao này có thể khiến DN “chết ngộp” với bất cứ khoản vay nào.

Việc Công ty TNHH Sang Trọng vay vốn được thực hiện vào năm 2011, sau đó nửa cuối năm 2012, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp ban hành 2 thông tư yêu cầu các ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay lần lượt xuống còn 15% rồi 13%/năm. Chính sách của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra trong bối cảnh cầu thấp và cần hỗ trợ sản xuất. Nhưng không phải DN nào cũng được hưởng chính sách này, ít nhất là với Công ty Sang Trọng. Dù hợp đồng quy định điều chỉnh lãi suất định kỳ 3 tháng một lần nhưng ngân hàng không điều chỉnh và DN cũng không được điều chỉnh lãi suất từ 24% về mức 15% rồi 13% như quy định. Theo chủ DN, điều này khiến công ty thiệt thòi rất lớn.

Một chủ DN từng có “kinh nghiệm” về lãi suất ngân hàng khuyến cáo khi vay vốn cần thận trọng, tìm hiểu kỹ những khoản lãi, biểu phí, phạt lãi... Ngay cả các dịch vụ tài khoản cũng tốn rất nhiều loại phí: Phí nộp tiền vào tài khoản (nếu khác địa bàn tỉnh), phí chuyển tiền liên ngân hàng, phí kiểm đếm/phí khách hàng vừa nộp tiền vào đã chuyển đi... Thông thường nhân viên cho vay ít khi trình bày tỉ mỉ cho khách hàng vì e ngại khách hàng “chạy mất” khi nghe đến những khoản này. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống phát sinh nhiều vấn đề mà chúng ta không lường trước được, nên dù rằng vốn vay ngân hàng có thể giúp DN giải quyết vấn đề trước mắt nhưng cũng đem lại rủi ro. Do đó, DN cần thận trọng tìm hiểu kỹ các vấn đề phát sinh khi vay vốn ngân hàng.

Nhân viên ngân hàng tạo ra lợi nhuận gấp nhiều lần thu nhập

Theo Thiên Cầm

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên