MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thận trọng “xử lý” ngân hàng!

04-08-2015 - 09:05 AM | Tài chính - ngân hàng

Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (Đề án 254) giai đoạn 2012-2015 sẽ kết thúc chỉ sau vài tháng nữa. Ngoài biện pháp cho sáp nhập, hoặc “quốc hữu hóa” 0 đồng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại đang rốt ráo tái cơ cấu ngân hàng dưới một hình thái mới.

Năm 2015 ghi nhận tới 7 trường hợp ngân hàng bị xử lý theo hướng sáp nhập vào ngân hàng lớn (MHB, MekongBank, PGBank, SouthernBank), hoặc NHNN đứng ra mua lại 100% cổ phần với giá 0 đồng (VNCB, OceanBank, GP.Bank).

Về cơ bản, mục tiêu giảm nhanh số lượng các ngân hàng đã diễn ra suôn sẻ, nhưng với những trường hợp phức tạp hơn, sẽ đòi hỏi phương án xử lý “mềm dẻo”, thực hiện một cách thận trọng.

Chuyển giao vốn nhà nước

Trong cuộc họp báo cuối tuần qua, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, xác nhận đã có tờ trình lên Chính phủ đề xuất giải pháp thoái vốn tại Ngân hàng PVcombank của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Tại đây, PVN hiện vẫn còn sở hữu 52% vốn điều lệ (VĐL: 9.000 tỷ đồng), tương ứng giá trị mệnh giá khoảng 4.680 tỷ đồng.

Quyết định thoái vốn khỏi ngân hàng của PVN là thực hiện chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Theo bà Hồng, NHNN đang phối hợp với Bộ Công Thương và PVN thực hiện lộ trình thoái vốn tại PVcombank theo đúng quy định của pháp luật.

Mặc dù không tiết lộ thông tin đề xuất cụ thể, song tại hội nghị tổng kết đầu tháng 7/2015, Bộ Công Thương đã cho biết, Đề án tái cơ cấu PVN hiện đang được điều chỉnh và sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Hiện nay, PVN đang thực hiện các thủ tục chuyển giao toàn bộ 52% vốn góp tại PVcombank về NHNN tiếp nhận, quản lý. Việc chuyển giao vốn này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2015.

Được biết, PVcombank đang thực hiện tái cơ cấu sau khi được hợp nhất từ hai tổ chức (Tổng công ty tài chính CP Dầu khí và Ngân hàng WesternBank), chính thức thành lập ngày 16/9/2013. Tại thời điểm hợp nhất, tỷ lệ vốn góp của PVN tại PVcombank đã giảm từ 76% xuống còn 52% và sẽ tiếp tục lộ trình thoái vốn.

Như vậy, sau khoảng 2 năm ra đời, PVcomBank sắp sửa có thay đổi về cơ cấu sở hữu vốn, mà vai trò người đại diện vốn nhà nước sẽ chuyển giao sang NHNN.

Nếu quá trình này hoàn tất, cơ cấu cổ đông PVcomBank sẽ gồm NHNN nắm 52%, cổ đông chiến lược Morgan Stanley (6,7%), các tổ chức và cá nhân khác nắm 41,34%. Và PVcomBank sẽ là ngân hàng thứ 4 về dưới mái nhà NHNN cùng với 3 ngân hàng 0 đồng (VNCB, OceanBank, GP Bank).

Chia sẻ tại Đại hội cổ đông vừa qua, ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch HĐQT PVcombank, đã bác bỏ thông tin ngân hàng này bị đưa vào nhóm yếu kém, xử lý theo hướng sáp nhập.

Theo ông Lâm, PVN hiện vẫn đang thực hiện thoái vốn xuống 20% theo quy định. Song, do PVcombank đang thực hiện tái cơ cấu theo đề án được phê duyệt nên mọi động thái hoạt động sẽ phải chờ báo cáo Chính phủ và NHNN.

“HĐQT muốn xin được gia hạn thực hiện Đề án tái cơ cấu ngân hàng sang năm 2016 để xử lý các vấn đề và tái cơ cấu hiệu quả hơn”- ông Lâm nói và nhấn mạnh mục tiêu ưu tiên của PVcombank là xây dựng một ngân hàng ổn định, đem lại hiệu quả cho cổ đông, chứ không làm ngân hàng “bong bóng”.

Sẽ “thay tướng” ngân hàng

Hiện nay, một số ngân hàng quy mô lớn khác cũng đang có những động thái tái cơ cấu vốn và cổ đông rõ nét, như: ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), Sacombank, ABBank….

Tại Eximbank, vấn đề thay đổi sở hữu cổ phần và cổ đông lớn vẫn chưa ngã ngũ dù đã triệu tập họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 đến lần 3. Ngân hàng này vẫn tạm hoãn việc bầu nhân sự Hội đồng quản trị.

Điều bất ngờ nhất là, nhóm cổ đông đến từ NamABank – với 2 đại diện là nguyên Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc – đã đại diện sở hữu hơn 20% vốn Eximbank. Với tỷ lệ sở hữu này, nhóm cổ đông NamABank được cho là sẽ có lợi thế trong cuộc đua giành 2 ghế vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015-2019.

Tuy nhiên, đến nay, NHNN vẫn chưa phê chuẩn danh sách nhân sự dự kiến bầu lại của Eximbank. Điều này cũng cho thấy sự thận trọng của cơ quan quản lý đối với biến động nhân sự tại Eximbank – ngân hàng có mức vốn lớn 12.355 tỷ đồng, vì nhóm cổ đông lớn sẽ có thể giành được các vị trí Chủ tịch, Phó chủ tịch ngân hàng. Nhất là nhóm cổ đông NamABank xuất hiện vào thời điểm Vietcombank lên kế hoạch thoái vốn 8,19% cổ phần Eximbank từ nay đến tháng 2/2016.

Trong khi đó, tại DongABank, mặc dù có thông tin Tập đoàn Kinh Đô (Kido) sẽ mua cổ phần chiến lược để tham gia tái cơ cấu ngân hàng này, nhưng Kido vẫn chưa có xác nhận chính thức.

Đại hội cổ đông thường niên của DongABank cũng chưa bầu lại Hội đồng quản trị. Do đó, nếu Kido trở thành cổ đông lớn thì DongABank phải trình NHNN chấp thuận, sau đó mới họp Đại hội cổ đông bất thường để bầu nhân sự chính thức.

Đi liền với các cuộc chuyển giao vốn, cổ phần, cả Eximbank và DongABank chắc chắn sẽ có sự “thay tướng” sau khi hai vị Chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng và Cao Sỹ Kiêm đều bày tỏ ý định rút lui.

Sự thận trọng về bộ máy nhân sự cấp cao của ngân hàng là rất cần thiết, không thể vội vàng, nhất là trong tình cảnh hàng loạt Thành viên HĐQT của các ngân hàng bị khởi tố, bắt giam vì sai phạm trong điều hành.

Hệ lụy của sở hữu chéo, cổ đông lớn thâu tóm cũng được phản ánh qua kết quả kinh doanh yếu kém, nợ xấu lớn, thất thoát mất vốn…

 

 

Theo Hải Hà

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên