MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh Hóa: Ngân hàng bị buộc bồi thường bên vay

17-05-2013 - 06:52 AM | Tài chính - ngân hàng

TAND TP.Thanh Hóa vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Chi nhánh Thanh Hóa và Công ty TNHH Tây Đô.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nhiều hợp đồng tín dụng đổ bể hiện nay, phiên tòa này được quan tâm vì người ta có thể rút ra những kinh nghiệm trong vụ việc tương tự...

Dự án đẹp mắt nhưng dang dở

Dự án Trường Tiểu học và Trung học cơ sở dân lập Thanh Hoa, tại xã Đông Hương, TP. Thanh Hóa do Công ty Tây Đô (nay là Công ty TNHH Tây Đô) làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 175,6 tỷ đồng, VDB Chi nhánh Thanh Hóa đã chấp nhận cho vay vốn theo Hợp đồng số 12/2008/HĐTD-NHPT,ngày 18/7/2008 số tiền tối đa là 74,5 tỷ đồng, lãi suất 11,4%/năm, thời gian vay vốn 8 năm. Vốn đối ứng của Tây Đô là 101 tỷ đồng.

Năm 2009, Tây Đô nâng tổng mức đầu tư dự án lên 206,6 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh từ năm 2008 đến 2010. VDB Chi nhánh Thanh Hóa và Tây Đô ký Hợp đồng tín dụng số 130/2009/HĐTD ĐT-NHPT, ngày 26/12/2009, số vốn được vay bổ sung là 69,5 tỷ đồng.

Một góc dự án Trường Tiểu học và THCS Thanh Hoa

Mặc dù tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh nâng nhưng vốn đối ứng của chủ đầu tư lại giảm xuống mức 62,6 tỷ đồng, nên cơ cấu tỷ lệ vốn trong Dự án thay đổi, ngân hàng 70%, chủ đầu tư 30%. Phần lãi suất điều chỉnh giảm xuống 6,9%/năm. Như vậy là VDB Chi nhánh Thanh Hóa đã vận dụng tối đa chính sách để tạo điều kiện cho dự án được hoàn thành, đáp ứng kỳ vọng của địa phương, xây dựng một ngôi trường chất lượng cao, đẹp đẽ và khang trang cho con em Thanh Hóa.

Nhưng tiếc rằng, dự án không thể hoàn thành theo dự kiến, do Tây Đô gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng được số vốn đối ứng dù. Theo các thông báo của VDB Thanh Hoá và Tây Đô phối hợp đưa ra, từ tháng 1/2009 đến tháng 9/2009, đã có 3 lần Tây Đô vi phạm cam kết chậm giải ngân theo kế hoạch. Trong quý I/2009, Tây Đô đã đăng ký 15 tỷ đồng, nhưng chỉ thực hiện được 5 tỷ đồng; trong quý II/2009, đăng ký 24,858 tỷ đồng, thực hiện được 5 tỷ đồng và trong quý III/2009, đăng ký 21,858 tỷ đồng, nhưng chỉ thực hiện được 2,2 tỷ đồng. Tây Đô đã chịu phạt hơn 24 triệu đồng do 3 lần chậm thực hiện giải ngân này. Vì vậy, VDB Thanh Hóa cho rằng, Tây Đô đã không có đủ năng lực tài chính trong việc thu xếp vốn triển khai dự án.

Theo hợp đồng, Tây Đô phải trả nợ gốc và lãi hàng tháng bắt đầu từ tháng 10/2010, nhưng các biên bản làm việc giữa Ban chỉ đạo thu hồi nợ vay VDB với Công ty Tây Đô, từ tháng 4/2011 đến tháng 2/2012 đều thể hiện việc Tây Đô đã vi phạm việc trả số tiền gốc và lãi. Phía Tây Đô cũng đưa ra một số cam kết về thời gian để thu xếp nguồn tiền trả nợ gốc và lãi cho VDB, nhưng đều không thực hiện.

Đặc biệt, trong Biên bản thỏa thuận ngày 15/2/2012, Tây Đô còn cam kết về việc thu xếp vốn để trả nợ vay gốc và lãi vay với điều khoản “Thỏa thuận về xử lý tài sản đảm bảo”, chậm nhất là đến ngày 29/2/2012, nếu không thực hiện theo cam kết, Tây Đô đồng ý ủy quyền cho VDB Chi nhánh Thanh Hóa ký các hợp đồng liên quan đến việc xử lý tài sản đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đến thời hạn VDB Thanh Hoá thực hiện việc xử lý tài sản đảm bảo (đã được đăng ký) theo quy định của pháp luật thì Tây Đô không thực hiện bàn giao, dẫn đến VDB Thanh Hóa khởi kiện Tây Đô.

Dừng giải ngân căn cứ vào hợp đồng

Điều bất ngờ là Công ty Tây Đô có đơn phản tố, cho rằng VDB Thanh Hoá đã không thực hiện nghĩa vụ giải ngân theo đúng cam kết trong các hợp đồng tín dụng đã ký kết, gây thiệt hại cho Công ty.

 Theo Công ty Tây Đô, cơ cấu tỷ lệ vốn trong Hợp đồng số 130/2009/HĐTD là ngân hàng 70%, chủ đầu tư 30%, nhưng VDB mới giải ngân được 77,4 tỷ đồng (tỷ lệ đạt 53%), trong khi đó công trình đã hoàn thành được 80%. Tổng tài sản của Dự án được hai bên thống nhất là 139,9 tỷ đồng, nếu trừ đi khoản 77,4 tỷ đồng do VDB đã giải ngân, thì chủ đầu tư đã đầu tư 62,597 tỷ đồng, bằng 30% theo thỏa thuận trong hợp đồng. Vì thế, Tây Đô đã đề nghị VDB Thanh Hóa phải bồi thường số tiền thiệt hại là hơn 24,7 tỷ đồng.

HĐXX đã chấp nhận một phần nội dung phản tố của Tây Đô, kết luận VDB Chi nhánh Thanh Hóa đã không giải ngân cho Công ty Tây Đô theo hợp đồng đã ký trước đó, dẫn đến công trình bị đình trệ, nên buộc VDB Chi nhánh Thanh Hóa bồi thường cho Tây Đô 26,3 tỷ đồng, sau khi khấu trừ gốc và lãi, Tây Đô chỉ có trách nhiệm hoàn trả cho VDB Thanh Hóa 82 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm đã khiến dư luận quan tâm, nhất là khoản bồi thường do chậm giải ngân đối với ngân hàng. Vấn đề phải làm rõ là việc chậm giải ngân đó có vi phạm thỏa thuận hai bên đã ký kết trong hợp đồng tín dụng hay không.

Điều 5 của Hợp đồng số 12/2008, về điều kiện giải ngân nêu rõ bên VDB chỉ giải ngân khi bên Tây Đô đáp ứng đủ điều kiện không có nợ ( gốc và lãi) quá hạn, trừ trường hợp được bên VDB chấp thuận. Và “đình chỉ giải ngân khi phát sinh các yếu tố ảnh hưởng xấu đến hiệu quả dự án, khả năng trả nợ” của Tây Đô. Căn cứ vào những thỏa thuận này thì Tây Đô đã không có đủ vốn đối ứng, nhiều lần chịu phạt vì chậm thực hiện giải ngân, nhiều lần không thực hiện trả nợ theo cam kết ... thì VDB Thanh Hóa dừng giải ngân là có căn cứ.

Chưa kể, khối lượng mà Tây Đô kê có nhiều hạng mục nghiệm thu khống, hai bên đã có biên bản loại trừ các khối lượng khống kèm theo biên bản hiện trường. Hai bên tạm chấp nhận giá trị dự án đã thực hiện là 116,6 tỷ đồng, sau đó kiểm toán xác định chỉ có 112,9 tỷ đồng (chưa kể tiền lãi 13,4 tỷ đồng chưa trả cho VDB), chứ không phải 139,9 tỷ đồng như Tây Đô cung cấp.

Vì vậy, vụ án là bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng tín dụng, sử dụng vốn đầu tư, thực hiện nghĩa vụ đã cam kết trong giai đoạn hiện nay.

Theo Thái Vũ

hangnt

Công lý

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên