MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh khoản và tín dụng: Chuyện ngày ấy - bây giờ

10-08-2015 - 08:44 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong khi số lượng tín dụng giảm xuống thì chất lượng tín dụng ghi nhận những cải thiện rõ rệt.

Khó khăn đã lùi xa

Những con số tăng trưởng tín dụng (TTTD) thấp trong giai đoạn 2011-2013 mặc dù được nhìn nhận là hợp lý trong bối cảnh Việt Nam đang phải tập trung cho ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM) và triển khai tái cơ cấu, nhưng thực sự đó cũng là dấu hiệu cho thấy sự giảm sút của tín dụng nếu so với suốt thời kỳ dài tăng cao của nhiều năm trước đó. Nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia tài chính NH giai đoạn đó đã nói về nguy cơ “đóng băng tín dụng”.

“Đầu nhiệm kỳ này, thanh khoản của các NH rất yếu kém, cạn kiệt nên nhiều NH nằm trong tình trạng đổ vỡ, kéo theo nguy cơ cao đổ vỡ của hệ thống” – một lãnh đạo NHNN nhìn lại. Ba biểu hiện và hệ lụy rất rõ của nợ xấu cao giai đoạn trước đó là thanh khoản yếu kém, lãi suất cao “ngất ngưởng” và tín dụng sụt giảm mạnh trong giai đoạn 2011 – 2013.

“Giải quyết nợ xấu vì thế thực sự là một vấn đề cực kỳ vất vả trong thời gian này” – vị lãnh đạo trên cho biết. Đến nay, dù xung quanh vấn đề nợ xấu vẫn còn nhiều nội dung phải nỗ lực tiếp tục giải quyết, nhưng NHNN khẳng định đã xử lý được một bước hết sức căn bản. Bởi thử nhìn lại vào các biểu hiện của nợ xấu kể trên.

Trước hết về thanh khoản, có thể nói vui là trước đây, các NH thiếu tiền đã khổ rồi, giờ thừa tiền còn khổ hơn. Bởi với các NH, trong khi huy động vẫn tốt mà tín dụng ra thì vừa phải đúng địa chỉ (khách hàng tốt, lĩnh vực ưu tiên…), vừa phải đảm bảo chất lượng nên không dễ dàng gì.

Còn ở góc độ là cơ quan quản lý và điều tiết, nếu NHNN để tiền trong lưu thông quá nhiều sẽ dẫn tới rất nhiều hệ lụy, như có thể đẩy lạm phát lên hay có thể tạo cơ hội để người ta quay ra đầu cơ ngoại tệ, dẫn đến áp lực tỷ giá…

Thế nên mới có chuyện trong thời gian vừa qua, NHNN phải liên tục hút tiền về thông qua phát hành tín phiếu để làm sao đảm bảo lượng tiền vừa đủ nhằm tạo mặt bằng lãi suất hợp lý, vừa giữ cho tỷ giá ổn định.

Biểu hiện thứ hai là lãi suất từ mức trên 20% trước đây, đã được đưa về mặt bằng lãi suất hợp lý và thấp nhất trong nhiều năm qua tại thời điểm hiện nay. Lúc này, nhiều NH đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất cạnh tranh, dài hạn và cam kết rõ về cách thức điều chỉnh lãi suất, chứ không còn mang tính câu khách, PR như trước đây.

Trong khi đó ở giai đoạn 2011-2013, mặc dù mục tiêu TTTD được NHNN hạ xuống rất thấp để đảm bảo kiên trì thực hiện ổn định KTVM và tái cơ cấu, nhưng nhờ tín dụng hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, vào nền kinh tế thực và hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) nên vẫn góp phần giúp cho tăng trưởng GDP giữ được và dần phục hồi.

Nói cách khác, trong khi số lượng tín dụng giảm xuống thì chất lượng tín dụng ghi nhận những cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, dù mục tiêu TTTD đã được hạ xuống thấp nhưng trong giai đoạn này, có thể nói các NH phải phấn đấu để TTTD đạt được chỉ tiêu mà nhiều NH vẫn không đạt.

Ngân hàng khó dám “vượt rào”

Còn năm nay, NHNN đã bắt đầu phải lo chuyện kiểm soát TTTD. Vị lãnh đạo trên giải thích, nếu tăng nhiều quá cũng không tốt bởi tín dụng khi chảy vào đúng các lĩnh vực ưu tiên, phục vụ cho hoạt động SXKD, tạo ra của cải vật chất cho xã hội là rất tốt. Nhưng nếu việc tăng này lại tạo ra đầu cơ, bong bóng như trước đây từng gặp phải lại rất không ổn.

Nhưng cơ sở nào để bảo rằng NHNN đã bắt đầu phải quan tâm đến kiểm soát TTTD trong khi thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, việc NHNN chấp thuận điều chỉnh TTTD cho một số NH (có NH lên tới trên 30%) là đang nới TTTD và có thể dẫn đến hệ lụy nợ xấu?

Trước khi trả lời câu hỏi này, có một vấn đề thiết nghĩ cần nhắc lại một chút. Vào đầu năm nay, NHNN đã đưa ra con số mục tiêu TTTD của hệ thống ở khoảng 13-15%. Nhưng ít nhất trong một số cuộc họp những tháng đầu năm với các NHTM lớn, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã đề cập đến con số TTTD của hệ thống cả năm có thể lên đến 17%, nếu các điều kiện KTVM tiếp tục giữ ổn định, khả năng tăng trưởng phục hồi tốt hơn và chất lượng tín dụng tiếp tục được nâng lên.

Như vậy có thể hiểu, mục tiêu TTTD là không thay đổi, nhưng có thể điều chỉnh tăng thêm một chút nếu nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt hơn dự báo đầu năm trong khi các ổn định KTVM vẫn giữ được.

Trở lại trả lời cho câu hỏi trên, theo tổng hợp số liệu từ các TCTD đăng ký TTTD với NHNN gần đây thì TTTD toàn hệ thống (nếu đáp ứng đúng theo đăng ký của các NH) cả năm nay sẽ xấp xỉ 20%. Xác định nếu đáp ứng đúng “nhu cầu” của các NH như vậy thì TTTD có thể lại làm phát sinh rủi ro nên NHNN đã chủ động có những điều chỉnh, cân đối từ các TCTD để kiểm soát TTTD năm nay chỉ ở mức 15-17%.

Với mức tăng trưởng như vậy, các ổn định về chính sách tiền tệ sẽ giữ được, ổn định KTVM cũng sẽ giữ được trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,2% - 6,5%. Điều này có thể giúp xua đi những lo ngại cho rằng chính sách tiền tệ đang được nới lỏng quá mức, đặc biệt với vấn đề TTTD.

Hơn nữa, ngay cả khi TTTD có cao hơn mức mục tiêu đưa ra thêm 1-2% thì cũng không lo TTTD trở lại rủi ro như trước đây, vì NHNN đã có rất nhiều giải pháp để hướng tín dụng vào lĩnh vực SXKD.

Đơn cử như Chỉ thị số 05 mới đây về việc tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án giao thông theo mô hình BT, BOT. Trong khi đó với mỗi NH, trần nợ xấu 3% và những kiểm soát ngặt nghèo hơn của NHNN thể hiện trong nhiều quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng, tỷ lệ bảo đảm an toàn… cũng đang là những chốt chặn và trong bối cảnh tái cơ cấu mạnh mẽ và quyết liệt hiện nay, dám chắc không còn NH nào dám “vượt rào” như trước đây.

 

Theo Đỗ Lê

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên