MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thất thoát 966 tỉ tại Agribank: ngưng tuyên án, quay lại xét hỏi

04-11-2015 - 11:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Sau gần 2 tuần xét xử, dự kiến sáng 4-11, HĐXX TAND TP.HCM tuyên án 11 bị cáo trong vụ thất thoát 966 tỉ đồng tại Agribank CN6 nhưng bất ngờ chủ tọa cho biết sẽ quay lại phần xét hỏi.

Thẩm phán Vũ Phi Long, chủ tọa phiên tòa cho biết có một số nội dung chưa được làm rõ nên HĐXX sẽ quay lại phần xét hỏi, tranh luận.

Sau khi tuyên bố quay lại phần xét hỏi, HĐXX đang hỏi ý kiến của những người tham gia phiên tòa, những người tiến hành tố tụng.

Thẩm phán Vũ Phi Long cũng cho biết việc quay trở lại phần xét hỏi của phiên tòa là để xem xét lại một vấn đề chưa rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn của Agribank Việt Nam và quyền lợi của Agribank trong vụ án này.

Ký hợp đồng hợp tác để lấy tài sản mang đi thế chấp

Theo diễn biến phiên tòa, Dương Thanh Cường (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc tập đoàn Bình Phát) là người từng bị kết án 20 năm tù cho các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ, trốn thuế... với mức án 20 năm tù.

Sau khi thụ án xong vào năm 2005, Cường ra tù và bắt đầu lập các công ty tư nhân: Thanh Phát, Bình Phát, Tấn Phát … và thuê người làm giám đốc nhưng Cường vẫn là người chỉ đạo mọi hoạt động của công ty.

Thực hiện việc di dời những nhà máy, cơ sở sản xuất độc hại ra khỏi thành phố, năm 2006 Công ty dệt kim Đông Phương (thuộc tập đoàn Dệt may Việt Nam) được Bộ Tài chính đồng ý cho chuyển đổi hơn 17.000 mét vuông đất (trụ sở cũ tại 10 Âu Cơ) để lập dự án đầu tư xây dựng khu thương mại và dịch vụ chung cư cao cấp.

Thực hiện chủ trương này, ông Lê Thành Công (59 tuổi, nguyên tổng giám đốc dệt kim Đông Phương) đã ký hợp đồng liên doanh với công ty bất động sản Phương Nam để hợp tác kinh doanh và xây dựng dự án này theo phương thức Phương Nam đầu tư tiền bạc (90%).

Đến tháng 5-2007, Phương Nam thông báo cho Đông Phương và tập đoàn Dệt may Việt Nam về việc Phương Nam chuyển 80% vốn góp cho công ty Bình Phát (do Dương Thanh Cường lập).

Từ đây, Dương Thanh Cường gặp Hồ Đăng Trung (62 tuổi, giám đốc Agribank CN6) để vay tiền, Trung đồng ý cho công ty Tấn Phát vay tiền và chỉ đạo cấp dưới là Hồ Văn Long, Trương Nhật Quang và Nguyễn Hoàng Quốc Thụy làm hồ sơ cho vay với mục đích góp vốn đầu tư căn hộ tại số 10 Âu Cơ, tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính tại địa chỉ này.

Sau khi Agribank chi nhánh 6 giải ngân cho Tấn Phát vay 170 tỷ đồng, Dương Thanh Cường chỉ đạo cho Thái Cường đến Agribank chi nhánh 6 mượn lại giấy tờ đã thế chấp và nói rằng làm sổ mới.

Sau khi mượn được sổ, Dương Thanh Cường sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi thế chấp tại ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) để tiếp tục vay tiền và vàng.

Quá trình xét xử cho thấy, hiện lô đất số 10 Âu Cơ đã được chuyển quyền sử dụng sang tên một công ty tư nhân, không còn là của Dệt kim Đông Phương nữa.

Tại phiên tòa, HĐXX cũng làm rõ số tiền 170 tỷ đồng do Dương Thanh Cường vay (thế chấp số 10 Âu Cơ) sau này đã được Dương Thanh Cường thanh toán và đưa 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác bù vào số 10 Âu Cơ. Đến thời điểm khởi tố vụ án, hợp đồng vay này Cường còn chiếm đoạt của Agribank CN6 44,5 tỷ đồng.

Tiếp tục “chiêu” mượn giấy tờ

Tương tự như vậy, năm 2007, Dương Thanh Cường có ý định thực hiện dự án căn hộ và khu biệt thự vườn Thanh Phát, tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM, Cường tiếp tục đến gặp Hồ Đăng Trung đề nghị được vay 700 tỷ đồng để thực hiện dự án này.

Trung đồng ý và giao cho cấp dưới thực hiện hồ sơ thủ tục vay vốn để Thanh Phát đền bù giải tỏa mặt bằng với toàn bộ tài sản thế chấp là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân nằm trong dự án.

Sau khi Agribank chi nhánh 6 giải ngân cho Thanh Phát vay 628 tỷ đồng, Dương Thanh Cường biết dự án của mình không thể thực hiện nên Cường đã ký công văn mượn lại 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp tại Agribank CN6 rồi mang các giấy tờ này đi thế chấp tại ngân hàng Phương Nam để vay tiền và vàng, đến khi không còn khả năng thanh toán, Cường đồng ý cấn trừ các tài sản thế chấp này cho ngân hàng Phương Nam.

Quá trình xét xử tại tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng Phương Nam chứng minh rằng toàn bộ hợp đồng được ký giữa công ty của Dương Thanh Cường vay tiền của Ngân hàng Phương Nam đã được tất toán.

Đồng thời HĐXX cũng làm rõ số tiền mà Dương Thanh Cường chiếm đoạt của Agribank CN6 trong hợp đồng này là 520 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, các bị cáo Lê Thành Công cho rằng mình bị truy tố, xét xử oan bởi bản thân không gây thiệt hại gì cho Đông Phương.

Bị cáo Dương Thanh Cường cũng cho rằng việc bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không thỏa đáng và còn nhiều tình tiết của vụ án vẫn chưa được làm rõ.

Bào chữa cho bị cáo Hồ Đăng Trung, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng Trung bị cấp dưới làm sai và Trung không biết nên dẫn đến sai phạm và đề nghị HĐXX chuyển tội danh cho bị cáo Hồ Đăng Trung.

Việc làm cho Agribank CN6 thất thoát 966 tỷ đồng nằm ngoài ý muốn của bị cáo và sau khi vụ việc được cơ quan điều tra phát hiện, Trung đã nỗ lực hợp tác để giúp đỡ cơ quan điều tra thực hiện công việc.

Tài sản là của ai?

Agribank CN6 và Ngân hàng Phương Nam là hai ngân hàng mà Dương Thanh Cường lựa chọn để vay tiền, theo đó, Agribank Việt Nam tham gia phiên tòa với tư cách nguyên đơn dân sự đã đề nghị HĐXX xem xét tuyên buộc Dương Thanh Cường và các đồng phạm phải hoàn trả số tiền là 1.500 tỷ đồng. Nếu Cường không có khả năng trả thì phải xử lý tài sản bảo đảm là tài sản tại số 10 Âu Cơ và 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Bình Chánh.

Tuy nhiên, theo luật sư bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng Phương Nam thì cả 2 loại tài sản đảm bảo này đã được thế chấp tại ngân hàng Phương Nam một cách hợp pháp và các hợp đồng vay và cho vay giữa ngân hàng này và các công ty của Dương Thanh Cường đã được tất toán. Do đó, việc cơ quan điều tra thu giữ 23 giấy chứng nhận tại Bình Chánh là không hợp lý bởi đây là tài sản của ngân hàng Phương Nam.

Các bị cáo trao đổi với luật sư bào chữa trước giờ tuyên án - Ảnh: Hoàng Điệp

Theo HOÀNG ĐIỆP

Tuổi trẻ

Trở lên trên