MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Theo dấu trái phiếu chính phủ

28-02-2011 - 13:53 PM | Tài chính - ngân hàng

Đã lâu rồi lại mới thấy các tổ chức tài chính hăm hở mua trái phiếu chính phủ, và mua với lãi suất 11-11,3%/năm trong khi ngân hàng đang huy động tiền gửi 14%/năm.

Chỉ trong vòng một tuần từ 11 đến 18-2-2011, hai đợt phát hành trái phiếu chính phủ đã bán được tổng cộng 10.534 tỉ đồng, tức là một lượng tiền lớn đã được hút về. Cái gì đang tạo hấp lực cho trái phiếu?

“Lỗ hổng” lãi suất tái chiết khấu

Cũng trong ngày 17-2-2011 khi thông tin về lượng trái phiếu bán ra được công bố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lập tức có Quyết định số 271 nâng lãi suất tái cấp vốn từ 9% lên 11%/năm. Tuy nhiên lãi suất chiết khấu vẫn được giữ ở mức 7%.

NHNN giải thích rằng việc tăng lãi suất tái cấp vốn sẽ làm giảm nhu cầu vay từ NHNN của tổ chức tín dụng, đồng thời làm tăng nhu cầu vay giữa các thành viên thị trường liên ngân hàng, đẩy lãi suất thị trường này lên, góp phần hạn chế tăng trưởng tín dụng, kiềm chế lạm phát.

Lãi suất tái cấp vốn được áp dụng khi nào? Khi ngân hàng XYZ mang bộ hồ sơ tín dụng với khách hàng thế chấp cho NHNN và được NHNN cho vay tiền đồng. Lãi suất áp dụng cho khoản vay này là tái cấp vốn. Nay lãi suất tái cấp vốn tăng lên, về lý thuyết có thể nhu cầu vay kiểu này giảm đi.

Nhưng lãi suất tái chiết khấu thì khác. Muốn vay được tiền từ NHNN theo hình thức tái chiết khấu bắt buộc tổ chức tín dụng phải có trái phiếu chính phủ, kho bạc, tín phiếu NHNN. Được vay tái chiết khấu 7%/năm là ngân hàng có lợi vì lãi suất thấp.

Tuy nhiên không phải ngân hàng nào muốn vay tái cấp vốn, tái chiết khấu là cũng vay được. Phải là những ngân hàng có vấn đề về thanh khoản, chẳng hạn thiếu thanh khoản thực sự và bộ phận thanh tra-giám sát của NHNN vào kiểm tra thực trạng.

Việc vay vốn theo hai dạng trên có kỳ hạn, thông thường 3-6 tháng, và được NHNN duyệt từng trường hợp một. Năm ngoái đã có một số ngân hàng được vay. Các tổ chức tín dụng quốc doanh thường được duyệt vay những khoản tái cấp vốn, tái chiết khấu giá trị lớn. Đấy là một trong những lý do vì sao các ngân hàng quốc doanh là người mua nhiều trái phiếu chính phủ hơn cả.

Khoảng cách 4%/năm giữa lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu, như vậy, vẫn là một lỗ hổng, và vẫn được các ngân hàng tận dụng. Lẽ ra khi tăng lãi suất tái cấp vốn, NHNN đồng thời phải tăng lãi suất tái chiết khấu.

Tiếp tục “tuyệt chiêu”

Mua trái phiếu rồi mang lên thị trường mở giao dịch với NHNN lấy tiền đồng, hưởng chênh lệch lãi suất là “tuyệt chiêu” được các tổ chức tín dụng áp dụng suốt năm 2010.

Để hạn chế việc này NHNN mãi đến cuối năm ngoái mới tăng lãi suất mua - bán giấy tờ có giá trên thị trường mở. Sự gia tăng đó không những quá muộn mà còn chưa đủ liều.

Nay lãi suất tái chiết khấu vẫn ở mức thấp, các ngân hàng vẫn có thể tận dụng nó để hưởng chênh lệch và họ vẫn cứ mua trái phiếu. Lúc thanh khoản có vấn đề, cái cần có trong tay trước tiên phải là trái phiếu.

Huy động tiền gửi 14%/năm, mua trái phiếu 11%/năm, ngân hàng lỗ 3%/năm. Song, nếu được vay tái chiết khấu có 7%/năm, bù qua sớt lại họ vẫn lời. Vậy tội gì không mua trái phiếu? Chưa kể trái phiếu là tài sản an toàn hạng nhất!

Phát hành trái phiếu là một trong những giải pháp hút bớt tiền đồng trong lưu thông, chống lạm phát. Sự chênh lệch của các loại lãi suất hiện tại và sự gia tăng của trái tức sẽ còn thúc đẩy các ngân hàng mua trái phiếu nhiều hơn. Vấn đề là ở chỗ Chính phủ vừa quyết định thực hiện ngay giảm chi tiêu công, tạm hoãn tiến hành các công trình xây dựng cơ bản không cần thiết.

Trái phiếu bán ra, tiền thu về, một mặt tạo sức ép giải ngân cho các công trình này. Mặt khác khiến Chính phủ phải gánh chịu khoản lãi phải trả nếu không sử dụng hết số tiền thu được. Đây hẳn không phải là một nước đi thích hợp của việc kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa trong kiểm soát lạm phát.

Kể từ khi NHNN nâng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất trái phiếu vượt qua mức 11%/năm, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng chỉ tăng nhẹ, chứng tỏ nhu cầu tiền đồng của ngân hàng nói chung ở mức thấp.

Sau Tết hầu hết các ngân hàng đều khó tăng trưởng tín dụng. Tháng 1-2011 tăng trưởng tín dụng được NHNN công bố ở mức 0,43%, tháng 2-2011 tăng khá cao trước Tết, nhưng sau Tết cầm chừng.

Việc Chính phủ chấp thuận đề nghị của NHNN giảm tăng trưởng tín dụng năm nay xuống dưới 20% thay vì 23% như trước ở thời điểm hiện tại là thích hợp.

Trong điều kiện lãi suất tiền đồng cả huy động và cho vay đang cao, tỷ giá chưa hết căng thẳng, hạn chế tăng trưởng tín dụng không phải là việc bất khả thi. Quan trọng là làm sao để các loại lãi suất đồng bộ, không tạo ra những “lỗ hổng” chênh lệch thì mục tiêu chống lạm phát mới hiệu quả.

Theo Hải Lý
TBKTSG

phuongmai

Trở lên trên