MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường trái phiếu: Biển cạn, “tàu lớn” khó vào!

07-04-2011 - 15:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Bộ Tài chính không chịu áp lực phát hành khi đã phát hành thành công hơn 40% kế hoạch của năm 2011 chỉ trong 2 tháng đầu năm, nên Bộ này đã không tăng lãi suất trần.

“Biển cạn, tàu lớn khó vào", ông Trịnh Hoài Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) dùng hình ảnh này để nói về sự dè dặt của NĐT ngoại trước thị trường trái phiếu Việt Nam 2011.

Thanh khoản thấp, lạm phát cao, lãi suất trái phiếu thấp hơn lãi suất ngân hàng và đặc biệt giá trị đồng nội tệ chưa được cái thiện so với USD, nên giao dịch của NĐT nước ngoài trên thị trường trái phiếu tiếp tục trầm lắng.

Cung - cầu đôi ngả

Trong tháng 3/2011 có 3 đợt phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) thì cả 3 đợt đều không thành công. Đợt 1 bán được 145/6.000 tỷ đồng, đợt 2 được 139/6.000 tỷ đồng, đợt 3 được 30/3.000 tỷ đồng. Số trái phiếu ít ỏi bán được trong đợt 3 thuộc kỳ hạn 10 năm, lãi suất 11,5%/năm (mức trần cao nhất của trái phiếu được Bộ Tài chính ấn định trong suốt 18 tháng qua).

Những đợt phát hành không thành công TPCP gần đây là điều các thành viên thị trường đã dự đoán trước. Nguyên nhân chính từ phía nguồn cung là do Bộ Tài chính không chịu áp lực phát hành khi đã phát hành thành công hơn 40% kế hoạch của năm 2011 chỉ trong 2 tháng đầu năm, nên Bộ này đã không tăng lãi suất trần.

Về phía cầu, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tương đối tốt, các ngân hàng lớn, dồi dào vốn đã bắt đầu cân nhắc việc mua vào trái phiếu khi mặt bằng lợi suất đang ở mức cao và hy vọng có thể thu lời trong trung hạn khi lợi suất dự đoán sẽ giảm theo tốc độ giảm của CPI trong quý III.

Trong đợt phát hành hồi trung tuần tháng 3, các ngân hàng đã đặt thầu với số lượng khá lớn, đặc biệt với trái phiếu kỳ hạn 3 - 5 năm; tỷ lệ đặt thầu cho trái phiếu ở 2 kỳ hạn trên lần lượt là 65% và 42%. Tuy nhiên, do lãi suất trần không như kỳ vọng của NĐT nên đợt đấu thầu TPCP thất bại. Lãi suất đặt thầu đối với trái phiếu kỳ hạn 5 năm nằm trong khoảng 12,5 - 13%/năm, cao hơn ít nhất 110 điểm cơ bản (1,1%) so với lãi suất trần.

Dự báo về các phiên đấu thầu TPCP sắp tới, Bản tin thị trường trái phiếu số 11 của CTCK Bảo Việt cho rằng, thị trường sơ cấp sẽ tiếp tục ảm đạm như thời gian qua. Trên thị trường thứ cấp cũng không sáng sủa hơn khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã ít nhiều được cải thiện.

Các ngân hàng có nhu cầu đầu tư trái phiếu trong thời điểm này ưa thích giao dịch trên thị trường thứ cấp hơn, do lãi suất trên thị trường sơ cấp thấp hơn. Tuy nhiên, lợi suất trên thị trường thứ cấp vẫn thấp hơn kỳ vọng của NĐT, nên rất ít giao dịch outright (mua đứt bán đoạn, phân biệt với repo - giao dịch có kỳ hạn) được thực hiện.

Dè dặt khối ngoại

Nhìn lại những năm gần đây, NĐT ngoại chưa trở lại với thị trường trái phiếu Việt Nam một cách tự tin. Năm 2008 thực sự là cú sốc đối với các NĐT nước ngoài trên thị trường trái phiếu. Khủng hoảng tài chính thế giới khiến nhiều NĐT tổ chức nước ngoài phải rút vốn về nước, do nhu cầu vốn của công ty mẹ tại chính quốc.

Tuy nhiên, do thanh khoản của thị trường trái phiếu rất thấp nên NĐT không dễ dàng rút vốn. Họ đành chấp nhận bán tháo trái phiếu bằng mọi giá, với mức chiết khấu lên đến 30 - 50%. Một số ngân hàng trong nước mua lại số trái phiếu này và trúng lớn khi kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định trở lại trong năm 2009.

Qua 2 năm (2009 - 2010), những bất ổn kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lãi suất và lạm phát, tiền đồng mất giá so với USD lại tái diễn nên trái phiếu chưa đủ sức hấp dẫn NĐT trở lại. Năm 2011, những rủi ro như lạm phát cao, nới tỷ giá vẫn là rào cản chính. Trong tháng 3, có thời điểm giá trị giao dịch của NĐT nước ngoài chỉ chiếm 7% giá trị giao dịch toàn thị trường (trung bình năm 2010 là 28%). Những phiên đấu thầu trên thị trường sơ cấp gần đây vắng bóng NĐT ngoại.

Những câu chuyện mang tính kỹ thuật cũng khiến NĐT ngoại ngại giao dịch trái phiếu. Thông tư số 64/2010/TT-BTC quy định, kể từ tháng 6/2010, các NĐT nước ngoài khi đầu tư vào trái phiếu ở Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế khi chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% trên tổng doanh thu thu được từ bán chứng khoán tại thời điểm chuyển nhượng; khi nhận lãi là 10% trên số lãi nhận được từ nhà phát hành trái phiếu (mức thuế cũ là 0,1% tính trên mệnh giá trái phiếu và lãi thu được vào ngày trả lãi trái phiếu).

Theo VBMA, với quy định này, mức thuế đánh trên lãi suất trả cho các NĐT nước ngoài cao gần gấp 10 lần mức thuế cũ. VMBA đã có một số kiến nghị liên quan đến sự bất hợp lý này, nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi từ Bộ Tài chính.

Theo giải thích của VMBA, trong điều kiện hoạt động của thị trường trái phiếu đang có nhiều khó khăn, việc Thông tư 64 tăng thuế vừa không đạt mục tiêu tăng thu ngân sách, vừa có tác động bất lợi đến sự phát triển của thị trường và không nuôi dưỡng, phát triển được nguồn thu trong tương lai.

Trong khi đó, kế hoạch phát hành TPCP đôi khi không phù hợp với quan hệ cung - cầu vốn trên thị trường, mà chủ yếu theo nhu cầu huy động; thời gian đưa trái phiếu mới phát hành vào giao dịch còn dài; có quá nhiều mã trái phiếu (gần 500 mã); chưa có hệ thống nhà tạo lập thị trường… Thanh khoản ở mức thấp khoảng 1.000 tỷ đồng/ngày sẽ rất khó cho NĐT ngoại rút vốn khi có nhu cầu.

"Thị trường hỗ trợ repo chưa thông suốt, lạm phát cao, VND lại mất giá trước USD, nên cho dù lợi suất cao cũng chưa khiến NĐT nước ngoài trở lại", ông Giang lý giải.

Theo Nguyên Thành
ĐTCK

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên