MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoái vốn khỏi ngân hàng, DNNN “đua” chào bán giá cao

27-08-2013 - 07:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp Nhà nước đang rầm rộ chào bán cổ phiếu ra công chúng để thoái vốn khỏi ngân hàng theo lộ trình tái cơ cấu đã được Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, một đặc điểm chung dễ nhận thấy là các tập đoàn, tổng công ty đều chào bán giá cổ phiếu ở mức cao ngất ngưởng.

Chào bán giá cao

Đầu tiên phải kể đến là kế hoạch bán cổ phiếu Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo thông báo của EVN và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội hồi tháng 7, EVN chào bán 25,2 triệu cổ phần ABBank với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần và chỉ bán toàn bộ theo lô lớn. Nhà đầu tư tham gia đấu giá phải là nhà đầu tư trong nước vì ABBank đã hết “room” cho nhà đầu tư ngoại.

Tiếp đếp là thông báo từ phía Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), vừa mới đây, Vietnam Airlines chào bán toàn bộ số cổ phần và trái phiếu đang sở hữu tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) để hoàn tất việc thoái vốn khỏi ngân hàng. Giá cổ phiếu được chào là 12.100 đồng/cổ phiếu và trái phiếu là 132.700 đồng/trái phiếu.

Trước đó, tại Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank), cổ đông lớn là công ty Tín Nghĩa cũng tiến hành thoái vốn. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, giá cổ phiếu DaiABank mà Tín Nghĩa muốn bán cũng không thấp hơn 10.000 đồng.

Đó chỉ là một vài ví dụ, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đã và đang có ý định thoái vốn khỏi ngân hàng đều muốn đưa ra giá bán cổ phần ngang giá vốn trở lên.

Lo không bán được

Trở lại vụ cổ phần ABBank mà EVN chào bán, theo thông báo thì phiên đấu giá đã diễn ra từ ngày 9/8/2013. Tuy nhiên cho đến thời điểm này vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào được đề cập đến. Một số ý kiến cho rằng, riêng yêu cầu lô lớn đã là làm khó nhà đầu tư, chứ đừng nói đến mức giá 10.000 đồng/cổ phần khi mà thời điểm hiện tại, trên sàn giao dịch OTC, cổ phiếu ABBank chỉ dao động từ 7.000 – 7.500 đồng/cổ phiếu.

“Nếu bên chào bán chấp nhận xé lẻ ra một chút và hạ bớt giá bán thì việc đấu giá sẽ dễ hơn”, giám đốc của một công ty chứng khoán nhận xét.

Ở Techcombank, Vietnam Airlines chào bán 827.847 trái phiếu chuyển đổi thời hạn 10 năm mệnh giá 100.000 đồng với giá khởi điểm là 132.700 đồng và bán 24,033 triệu cổ phiếu đang sở hữu tại Techcombank với giá 12.100 đồng. Giá khởi điểm cổ phiếu Techcombank chào bán thời điểm này ở mức trên 12.000 đồng cũng được xem là khá cao, tuy nhiên Vietnam Airlines vẫn để “cửa” thu hút nhà đầu tư khi chỉ yêu cầu mua tối thiểu 100 trái phiếu hoặc 100 cổ phiếu.

Theo đánh giá của giới quan sát thì khả năng thoái vốn của Vietnam Airlines sẽ thành công. Từ khi có thông báo về việc thoái vốn, cổ phiếu Techcombank trên thị trường OTC cũng đã được đẩy từ mức 9.000 – 10.000 đồng lên 12.000 – 12.200 đồng/cổ phiếu.

Còn tại DaiABank, một nguồn tin cho hay, quá trình đàm phán vẫn chưa hoàn tất do mức giá giữa bên mua và bên bán chưa gặp nhau, hay nói rõ hơn là bên Tín Nghĩa chào bán giá quá cao. Trên thị trường, hiện cổ phiếu DaiABank rất khó tìm kiếm và chỉ có số ít được chào bán với giá quanh mức 7.000 – 8.000 đồng.

Hay như ở Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng phải thoái toàn bộ 20% vốn tại nhà băng này trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 theo lộ trình chung. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí mới đây, đại diện PVN cũng thừa nhận, việc thoái vốn mà vẫn bảo toàn vốn là khó khăn trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản và ngân hàng hiện nay.

Giá cổ phiếu chào bán cao trong công cuộc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước là dễ hiểu bởi họ không được phép lỗ. Tuy nhiên, việc thoái vốn ấy cũng không dễ dàng nếu như các tập đoàn, tổng công ty cứ nhất quyết phải hòa vốn hoặc lãi trong thương vụ mà trước đây họ đã đổ tiền vào.

Thành Hưng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên