MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoái vốn ngân hàng: Người đắt hàng, kẻ ế trơ

02-11-2015 - 20:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Có tổ chức hét giá cổ phiếu ngân hàng cao gấp đôi so với giá thị trường nhưng vẫn đắt hàng trong khi có đơn vị rao bán giá rẻ như rau thì vẫn không một bóng người mua.

Việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khỏi các ngân hàng đang diễn ra khá rầm rộ do Chính phủ yêu cầu phải thoái vốn ngoài ngành trước thời điểm cuối năm nay.

Thực tế cho thấy đã có đơn vị rất suôn sẻ khi thoái được vốn tại các ngân hàng với mức giá bán trên mức giá phổ thông – 10.000 đồng/cổ phiếu, song cũng có tổ chức bị "ế" toàn bộ khi không một nhà đầu tư nào tham gia giao dịch.

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiến hành bán đấu giá gần 81,6 triệu cổ phần Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) mà đơn vị này sở hữu.

Phiên đấu giá diễn ra thành công, 5 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức tham gia đăng ký mua khoảng 40 triệu cổ phiếu trên tổng số 81,58 triệu cổ phiếu (tương đương 16% vốn điều lệ của ABBank) từ EVN và EVN Hà Nội thoái vốn.

Trong đó, 5 nhà đầu tư cá nhân đã mua thành công 40 triệu cổ phần của phiên đấu giá này với giá 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng 400 tỷ đồng. Cổ đông tổ chức trúng thầu tại mức giá 10.100 đồng/cổ phần.

Trong khi đó trên thị trường tự do (OTC), giá cổ phiếu ABBank chỉ giao dịch trong khoảng 4.000-5.500 đồng/cổ phiếu.

Sắp tới, VNPT cũng sẽ thoái toàn bộ vốn đang mắc kẹt tại Ngân hàng TMCP Hàng hải- MaritimeBank (MSB) thông qua việc chào bán đấu giá hơn 71,5 triệu cổ phần MSB. Dự kiến, VNPT thu về hơn 837 tỷ đồng nếu chào bán thành công.

Vào tháng 8/2011, VNPT đã có những động thái đầu tiên trong việc thoái vốn đầu tư tại Maritime Bank thông qua việc bán đấu giá quyền mua 25 triệu cổ phần của ngân hàng này. Tuy nhiên, VNPT đã không thành công, vì không có nhà đầu tư nào đặt mua. Nguyên nhân là do thị trường chứng khoán quá xấu.

Trong khi các doanh nghiệp khác ráo riết đưa ra mức giá đầy hấp dẫn thì nhiều người không khỏi sửng sốt khi thấy Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) công bố bán đấu giá 26.660 cổ phần OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông với giá khởi điểm 4.900 đồng/cp và bán 24.662 cổ phần SCB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn với giá khởi điểm 4.100 đồng/cp.

Mỗi cổ phần chưa đến 5.000 đồng được ví rẻ như mớ rau hiện nay và quan trọng là thấp hơn giá cổ phiếu của OCB trên thị trường tự do (OTC) giao dịch 5.000 – 6.000 đồng/cổ phiếu và SCB là 4.200-4.800 đồng/cổ phiếu.

Tưởng chừng như với mức giá rẻ bất ngờ như vậy, DATC sẽ chào bán hết số cổ phần rao bán. Nhưng kết quả lại một lần nữa khiến thị trường sững sờ khi DATC ế trơ toàn bộ số hàng đấu giá không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia.

Từ nay đến cuối năm chỉ còn 2 tháng để các doanh nghiệp nhà nước hoàn tất thoái vốn khỏi ngân hàng, các chuyên gia ngân hàng đều cho rằng việc thoái vốn tại thời điểm này là điều không hề dễ dàng.

Mặc dù cổ phiếu ngân hàng được đánh giá khá tốt nhưng vẫn chịu tác động từ tình hình tài chính chung như tỷ giá và biến động từ thị trường thế giới. Dẫu vậy, các doanh nghiệp nhà nước không còn cách nào khác là phải sớm tìm đối tác để chuyển nhượng cổ phần.

Trước mắt, thị trường vẫn đang chờ đợi những thương vụ chuyển nhượng với những cái tên sáng giá như: Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đăng ký bán toàn bộ hơn 5,72 triệu cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) cho nhà đầu tư với giá thỏa thuận.

Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng đang làm thủ tục thoái vốn tại 2 ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Đông Nam Á (SeABank). Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng dần hoàn thành thoái vốn tại 5 ngân hàng TMCP gồm: Á Châu (ACB), Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) và Quốc dân (NCB)…

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên