MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thống đốc NHNN trả lời về các nội dung sửa đổi Thông tư 13

29-09-2010 - 23:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu vừa có những trả lời cụ thể về những vấn đề trong Thông tư 19 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2010/TT-NHNN.

Hôm nay (29/9), tại cuộc họp báo Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm rõ về một số nội dung sửa đổi Thông tư 13 như sau:

Thứ nhất, “cấp tín dụng từ nguồn huy động”, có nghĩa phần vốn còn lại như vốn chủ sở hữu, vốn tự có thì NHTM được phép sử dụng vào mục đích tín dụng, nếu luật không cấm. Ví dụ, NHTM Nhà nước có quyền sử dụng tới 50% vốn điều lệ cho mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh, còn 50% còn lại được phép hoạt động tín dụng vì đó là vốn của họ.

Thứ hai, một nội dung quan trọng khác là “tiền gửi kho bạc”.

Thống đốc cho biết: theo luật, tiền gửi kho bạc thì phải gửi ở NHNN, trong trường hợp không có NHNN thì gửi ở các NHTM. Trong luật NHNN mới, quy định: những khu vực không có hiện diện NHNN thì việc gửi ở đâu là do NHNN quy định.

Sở dĩ phải quy định chặt chẽ như vậy vì theo thống đốc đây là nguồn vốn rất lớn và thường xuyên biến động mạnh, chúng là loại tiền gửi tạm thời, không kỳ hạn. Hiện tại, số lượng tiền gửi Kho bạc tại NHTM khoảng 57 nghìn tỷ đồng, Agribank chiếm 33 nghìn, BIDV chiếm 9,4 nghìn tỷ, Vietcombank 8,3 nghìn, VietinBank 1,4 nghìn tỷ đồng.

Theo thống đốc, đây là năm có số dư tiền gửi lớn nhất. Mọi năm con số này chỉ vài chục nghìn tỷ đồng và chỉ cần dùng hình thức khác là xử lý ổn. Chẳng hạn, NHTW có thể sử dụng chỉ tiêu tiền cung ứng của Chính phủ thay thế nhưng với số lượng lớn; như vậy không thể sử dụng cách này. Hơn nữa, từ nay đến cuối năm, chỉ tiêu tiền cung ứng đã gần hết và với số lượng lớn như vậy, chỉ cần đơn vị chủ quản rút về giải ngân thì sẽ gây biến động thanh khoản rất lớn trong hệ thống.

Tuy nhiên thống đốc khẳng định dù thế nào thì cũng phải đặt lộ trình đưa nguồn tiền này ra khỏi nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng, dù trước mắt thì chưa thể thực hiện.

Thứ ba, tính toán phần bảo lãnh vào tỷ lệ an toàn: Thống đốc cho biết NHNN thấy rằng, trong hệ thống thì loại hình bảo lãnh này chưa nhiều, nên i cũng mạnh dạn bỏ. Tuy nhiên, phải lưu ý, có thực tế một ngân hàng đã bảo lãnh 5.200 tỷ trong sự cố của một tập đoàn kinh tế lớn và nếu phải thực hiện đúng cam kết thì ngân hàng đó mất đứt số tiền này, mặc dù đó là cá biệt.

Thứ tư, tiền gửi thanh toán theo Thông tư 13 không được cơ cấu vào nguồn cấp tín dụng thì đây cũng là bài toán khó. Hiện nay, nguồn tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế chiếm khoảng 19% tổng nguồn, chỉ cần biến động 30 – 50 nghìn tỷ thì hệ thống "chung chiêng” ngay.

Theo khảo sát của NHNN thì biến động của tiền gửi không kỳ hạn có thể lên tới 80% (!) Ví dụ, tiền gửi 100 nghìn tỷ đồng thì sẽ có lúc họ rút ra tới 80 nghìn tỷ đồng. Trong thực tiễn cuộc sống, có thể tồn lại một tỷ lệ ổn định nào đó nhưng phải hiểu đó là một tỷ lệ rất nhạy cảm. Cho sử dụng nhưng NHNN vẫn phải tiếp tục theo dõi.

Thông tư số 19/2010/TT-NHNN ngày 27/9/2010 về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN với nội dung chính như sau:

- Tên Điều 18 được sửa đổi thành: “Tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động”;

- Sửa đổi Khoản 2 Điều 18: Bỏ cấu phần “bảo lãnh” trong tổng cấp tín dụng;

- Sửa đổi Khoản 3 Điều 18: Cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) được tính 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng) và khoản vay của TCTD khác có thời hạn từ 3 tháng trở lên (trừ tiền vay của tổ chức tín dụng khác trong nước để bù đắp thiếu hụt tạm thời đối với các tỷ lệ về khả năng chi trả theo quy định tại Khoản 1, Điều 14) vào nguồn vốn huy động.

Thông tư số 19/2010/TT-NHNN ngày 27/9/2010 về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2010.


V.Minh (ghi)

tuyetminh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên